9 năm thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở Đồng Nai
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban với thường trực các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh.
Đồng Nai là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 11 đơn vị hành chính, gồm 9 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 171 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm là 13,2%. Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản CNH - HĐH vào năm 2015 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng, có trình độ chuyên môn, có đạo đức, năng động, có tầm nhìn xa và năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 31-5-2002 và Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 04-7-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn tỉnh là bước đi đầu tiên thể hiện quyết tâm chính trị đó. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp ủy để chỉ đạo chặt chẽ, sát với thực tế, phù hợp tình hình từng đơn vị, địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu, xây dựng kế hoạch cụ thể đưa ra thảo luận trong tập thể ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo để triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tiễn.

Triển khai Chương trình hành động số 27 và Kế hoạch 82 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, các ngành tiến hành rà soát quy hoạch cán bộ của đơn vị, địa phương, chọn những cán bộ trẻ có triển vọng phát triển trong diện quy hoạch tiến hành luân chuyển để đào tạo, rèn luyện trong thực tế. Đã có 223 đồng chí được luân chuyển. Trong đó, có 59 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền thuộc tỉnh luân chuyển về công tác ở cấp huyện, thị, thành phố (có 6 đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, còn lại là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành tỉnh); có 17 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, thị, thành phố được luân chuyển đến công tác cấp tỉnh. Luân chuyển ngang giữa các ngành trong tỉnh là 12 đồng chí. Cán bộ được luân chuyển có độ tuổi 33-50, hầu hết có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và cao cấp lý luận chính trị. Có 92 đồng chí được luân chuyển từ huyện, thị, thành phố về xã, phường, thị trấn và ngược lại, trong đó có 22 đồng chí là huyện ủy viên, còn lại là trưởng, phó phòng và tương đương; Luân chuyển ngang giữa các huyện là 2 đồng chí; luân chuyển ngang giữa các xã, phường thị trấn là 51 đồng chí.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch của tỉnh được rèn luyện, sớm trưởng thành trong thực tiễn, đồng thời tăng thêm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền ở cấp huyện, tỉnh có chủ trương luân chuyển cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về giữ chức danh phó bí thư phụ trách xây dựng cơ sở và phó chủ tịch UBND một số huyện, thị, thành phố.


Cán bộ được luân chuyển gặp không ít khó khăn như: thay đổi nơi công tác và môi trường làm việc; điều kiện cuộc sống, sinh hoạt xa gia đình... Vì vậy, theo tình hình thực tế tại địa phương và căn cứ quy định của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều chính sách cho cán bộ luân chuyển, như: cán bộ được luân chuyển về đơn vị, địa phương khác đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý mà có mức phụ cấp tiền lương thấp hơn so với phụ cấp của cán bộ trước khi được luân chuyển, thì cán bộ vẫn được giữ nguyên mức phụ cấp ban đầu trong thời gian 6 tháng (từ1-1-2010 cán bộ luân chuyển được giữ nguyên mức phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian luân chuyển), ngược lại nếu cán bộ luân chuyển đảm nhận chức vụ có mức phụ cấp cao hơn, thì đơn vị tiếp nhận cán bộ có trách nhiệm điều chỉnh thay đổi cho phù hợp theo đúng mức quy định hiện hành.

Ngoài ra, để hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống, động viên khuyến khích cán bộ ổn định, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 62-QĐ/TU ngày 15-8-2006, quy định tạm thời về chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển, điều động. Đây là chủ trương kịp thời thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy đối với cán bộ luân chuyển; kinh phí chi trả được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh. Theo đó, cán bộ từ tỉnh về huyện và ngược lại được hỗ trợ 8.000.000 đồng/năm; cán bộ từ huyện về xã là 4.000.000 đồng/năm. Đối với các địa phương chưa có nhà công vụ hoặc không giải quyết được nhà ở, mỗi cán bộ được tỉnh hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng.

Cấp ủy, lãnh đạo các cấp đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ là để đào tạo, rèn luyện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ sớm trưởng thành trong thực tiễn. Vì vậy, đã tập trung chỉ đạo kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, uốn nắn những sai lệch. Cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ các cấp, tích cực tham mưu cho cấp ủy về các bước tiến hành phục vụ cho việc luân chuyển cán bộ, như: rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ trẻ tuổi có triển vọng phát triển luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt …

Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình. Công tác tư tưởng đối với cán bộ luân chuyển đã được quan tâm làm tốt, quán triệt sâu với cấp ủy và lãnh đạo nơi cán bộ đi và đến. Việc luân chuyển cán bộ đã tạo nên động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng phát triển, đồng thời có tác động thúc đẩy công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, tạo nhiều chuyển biến tích cực và sự năng động của đội ngũ cán bộ kế cận theo quy hoạch; tạo được nguồn cán bộ dự bị có kiến thức thực tiễn; khắc phục từng bước sự hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ.

Đa số cán bộ được luân chuyển đều sớm thích ứng với môi trường công tác mới, tiếp cận nhanh với công việc, có ý thức trách nhiệm cao, được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân của địa phương, đơn vị nơi đến công tác; phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao góp phần vào việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại nơi đến. Qua thống kê kết quả đánh giá cán bộ sau thời gian luân chuyển, tỷ lệ cán bộ luân chuyển từ tỉnh về cấp huyện và ngược lại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 100%, tiếp tục bố trí giữ chức vụ cao hơn đạt 64,47 %; cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và ngược lại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ 96,73%, tiếp tục bố trí giữ chức vụ cao hơn đạt 53,26 %. Nhiều đồng chí có sự tiến bộ rõ rệt, cách nhìn nhận và phương pháp chỉ đạo, phương pháp công tác được toàn diện, sâu sắc hơn; quan tâm hơn công tác xây dựng đảng, công tác xây dựng chính quyền và công tác vận động quần chúng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác luân chuyển thời gian qua vẫn còn những hạn chế: Nhận thức mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ở một số cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chưa được sâu sắc, chưa toàn diện; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Mặc dù các địa phương, đơn vị đã có nhiều cố gắng, tích cực trong thực hiện luân chuyển cán bộ nhưng so với yêu cầu thì tiến độ thực hiện luân chuyển cán bộ còn chậm. Có nơi còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với việc điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ, thời gian luân chuyển của một số cán bộ quá ngắn, gây xáo trộn không cần thiết; không bảo đảm được tính ổn định đội ngũ cán bộ. Một số ít cán bộ luân chuyển ý thức trách nhiệm chưa cao, năng lực hạn chế, ngại khó, ngại khổ nên hoạt động còn mang tính hình thức; chưa chủ động đề xuất tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền nơi mình công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Công tác quy hoạch và luân chuyển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn ít. Số ít cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố, một số ban, ngành cấp tỉnh lựa chọn cán bộ để luân chuyển chưa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu là luân chuyển để đào tạo, rèn luyện cán bộ và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, Tỉnh uỷ xác định tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 06-HD/TCTW của Ban Tổ chức Trung ương; Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 31-5-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Một là, các cấp ủy trực thuộc tỉnh, ban cán sự đảng, đảng đoàn thực hiện xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý. Trên cơ sở đó có kế hoạch và lập danh sách cán bộ sẽ luân chuyển trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Hằng năm, tiến hành rà soát bổ sung theo quy hoạch và kế hoạch luân chuyển. Định hướng thực hiện luân chuyển như sau:

Đối với cấp tỉnh: Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện luân chuyển một số đồng chí là trưởng, phó các ban đảng, đoàn thể, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành tỉnh (dưới 50 tuổi) về giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và ngược lại luân chuyển một số đồng chí là bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thành phố và thị xã giữ các chức vụ trưởng, phó các ban đảng, đoàn thể, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành để đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn, chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Đồng thời lựa chọn một số đồng chí trưởng, phó phòng ở các ban đảng, đoàn thể, nhà nước cấp tỉnh từ 35 tuổi trở xuống về công tác ở các huyện, thị, thành phố.

Đối với cấp huyện: Trên cơ sở quy hoạch cán bộ của các huyện, thành phố, tiến hành thực hiện luân chuyển các đồng chí cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển tốt về giữ chức vụ bí thư, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nhằm chuẩn bị tốt nhân sự BCH đảng bộ cấp mình nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Luân chuyển cán bộ giữa các địa phương thuộc các huyện, thị, thành phố.

Ở cấp tỉnh và cấp huyện cũng có thể thực hiện luân chuyển một số cán bộ giữa các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể có chuyên môn gần nhau. Thời gian luân chuyển nói chung từ 3 năm trở lên. Trước khi kết thúc thời hạn luân chuyển, các cơ quan quản lý cán bộ nhận xét, đánh giá và cân nhắc việc bố trí nhiệm vụ mới cho cán bộ.

Hai là, tăng cường và kiện toàn các ban tổ chức các cấp (cả khối đảng và chính quyền) đủ sức làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, trong đó có công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ.

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ không chấp hành quyết định luân chuyển của các cấp ủy đảng mà không có lý do chính đáng và những cán bộ vì tư tưởng cục bộ, động cơ cá nhân mà cản trở, làm giảm uy tín người được điều động tới hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để đưa người không phù hợp với mình đi nơi khác.

Bốn là, thường xuyên kiểm công tác luân chuyển cán bộ để kịp thời động viên, phát huy ưu điểm, uốn nắn lệch lạc, định kỳ hằng năm đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của cán bộ được luân chuyển.

Năm là, xây dựng và thực hiện tốt chế độ, chính sách, tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi cho cán bộ luân chuyển. Thực hiệt tốt Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 12-01-2011 của UBND tỉnh về quy định về chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển, bảo đảm hợp lý giữa cán bộ luân chuyển và cán bộ tại chỗ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất