Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (Bắc Ninh) thành lập ngày 16-2-1957 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Từ khi thành lập đến nay, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh đã có những tên gọi khác nhau. Tháng 1-1963, Trường Đảng tỉnh Bắc Ninh và Trường Đảng tỉnh Bắc Giang hợp nhất thành Trường Đảng tỉnh Hà Bắc. Ngày 5-12-1973, Trường vinh dự được mang tên đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 1-4-1993, Trường Hành chính Hà Bắc (thuộc Ban Tổ chức chính quyền) và Khoa Bồi dưỡng lý luận chính trị (thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) được sáp nhập vào Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, trở thành Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Hà Bắc. Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ Nguyễn Văn Cừ được đổi thành Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Hà Bắc. Năm 1997, khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Trường Chính trị tỉnh được thành lập và mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Nhiệm vụ trọng tâm của trường là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở của hệ thống chính trị trong tỉnh Bắc Ninh; nghiên cứu khoa học chính trị Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và khoa học quản lý nhà nước. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ chủ chốt cấp phòng các huyện, thành phố, thị xã, sở, ngành và cấp xã, cán bộ dự nguồn của các chức danh trên. Đồng thời, trường còn có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
Trong 15 năm năm qua, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng 12.740 cán bộ (trong đó có 542 trình độ cao cấp lý luận chính trị - hành chính, 890 trình độ đại học, hơn 5.300 trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính). Hiện tại, Trường đang đào tạo gần 1.000 cán bộ. Năm 2011, Trường đã tổ chức 17 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; phối hợp với công an tỉnh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng là công an xã; phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh mở 1 lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính; phối hợp với một số trường đại học tổ chức đào tạo 8 lớp đại học. Với 35 công trình, đề tài khoa học (1 công trình khoa học và 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh), hoạt động nghiên cứu khoa học đã phục vụ thiết thực công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường.
Hiện nay, trường có 9 cán bộ, giảng viên đạt trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 9 chuyên viên cao cấp và giảng viên chính, 1 nhà giáo ưu tú, 6 cán bộ, giảng viên đang học cao học, toàn bộ giảng viên đều được đào tạo chính quy tập trung. Trong các cuộc thi “Giảng viên dạy giỏi toàn quốc” định kỳ, trường đều có giảng viên đạt xuất sắc hoặc loại giỏi, hiện có 7 giảng viên được công nhận là “Giảng viên dạy giỏi toàn quốc”. Năm 2011, có giảng viên được công nhận là “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc toàn quốc”.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên tổ chức thông tin thời sự cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên nhằm nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy và người học. Công tác quản lý đào tạo được củng cố, trong đó công tác quản lý học viên được chú trọng thường xuyên, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hiệu quả với các cơ sở đào tạo, cũng như cấp ủy địa phương có người đi học.
Phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tới, Đảng ủy và Ban Giám hiệu tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, chú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trước hết, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đạt trình độ chuẩn theo quy định. Đề xuất với tỉnh để có chính sách thu hút những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, có kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn tham gia thỉnh giảng. Tiếp tục duy trì chế độ đi nghiên cứu thực tế đối với giảng viên, vận dụng lý luận vào thực tiễn và quá trình giảng dạy. Thực hiện chế độ giảng viên thường xuyên đi cơ sở để tích luỹ kiến thức, định kỳ cập nhật thông tin tổng hợp cho đội ngũ giảng viên. Tăng cường rèn luyện đạo đức lối sống, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, giảng viên và học viên.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục quán triệt toàn diện các nội dung, chương trình đào tạo do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh quy định, giữ vững định hướng chính trị tư tưởng, đồng thời thường xuyên cập nhật các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp sư phạm hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động của người học; nâng cao chất lượng bài giảng. Nội dung, chương trình đào tạo gắn với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của tỉnh. Thực hiện liên kết đào tạo với các học viện, các trường, các đơn vị của Trung ương.
Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, thông tin, tư liệu. Đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo hướng thiết thực, hiệu quả. Việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần tổng kết thực tiễn của tỉnh. Trước mắt, duy trì thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học chuyên môn, nâng cao chất lượng đề tài khoa học các cấp; phấn đấu hằng năm có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Bốn là, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Việc đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất cần được tăng cường hơn nữa để xứng tầm một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của tỉnh. Từng bước đề xuất với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất một cách đồng bộ và hiện đại, đủ điều kiện tổ chức đào tạo chính quy tập trung là chính. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Trường theo hướng hiện đại hóa các trang bị để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cải thiện điều kiện làm việc, học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên. Tập trung triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng văn phòng trực tuyến phục vụ công tác đào tạo cán bộ”, kết nối với mạng công nghệ thông tin của tỉnh.
Với những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba, xứng đáng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Hồ Thị Hồng Nhung
Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh