Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, chính xác, kịp thời

Mới đây, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) tổ chức cuộc họp bất thường xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Lê Thanh Dư, Huyện ủy viên, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện. Như các báo đã đưa tin: Ông Lê Thanh Dư có dấu hiệu cố ý bao che, làm trái quy định của Nhà nước để cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khiêm xuất bán vàng cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC với số tiền hơn 7,4 nghìn tỷ đồng trong bảy tháng đầu năm 2010; trong khi doanh số bán hàng bình quân thể hiện trên sổ bộ thuế hơn 700 triệu đồng và nộp thuế hơn 5,7 triệu đồng/tháng, trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước với số tiền gần 60 tỷ đồng. Với khuyết điểm trên, ông Lê Thanh Dư đã vi phạm quản lý tài chính cơ quan; thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý thuế; cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Ngoài ra ông Dư còn gây mất đoàn kết nội bộ. Với những sai phạm này, tại cuộc họp, các huyện ủy viên đã bỏ phiếu với sự nhất trí cao đề nghị cách chức Huyện ủy viên; khai trừ đảng và đề nghị xem xét, cách chức Chi cục trưởng Chi cục Thuế đối với ông Lê Thanh Dư.

Trong các hình thức kỷ luật của Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức kỷ luật cao nhất. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào khi đã vi phạm kỷ luật, vi phạm Điều lệ Đảng, không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, tùy theo mức độ vi phạm, đều bị kỷ luật.


Đảng bộ Cà Mau nghiêm khắc và kịp thời xử lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Lê Thanh Dư đã được dư luận nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Kỷ luật đảng phải thật sự nghiêm minh, chính xác, kịp thời là rất cần thiết để làm trong sạch Đảng, trong sạch nội bộ lãnh đạo các cấp, thiết thực nâng cao sức mạnh và tính chiến đấu, nâng cao uy tín của một đảng cầm quyền trước nhân dân. Ngày 14-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã thông báo về kết quả kỳ họp thứ 10 của Ủy ban, do đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì. Tại hội nghị này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận quyết định thi hành kỷ luật Cao Minh Quang, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc bằng hình thức cảnh cáo mặc dù vi phạm của 2 cán bộ này được kết luận là “nghiêm trọng”.


Theo tác giả Nguyễn Thúy Hoàn, tại bài viết
“Đã đủ nghiêm khắc?”, đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử ngày 18-3-2012: “Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu đích danh họ và tên cán bộ lãnh đạo, quản lý bị thi hành kỷ luật. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, thể hiện quan điểm công khai, minh bạch, không nể nang, né tránh, có tính chiến đấu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng sẽ được tiếp tục thấy rõ “một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất” cụ thể là những ai trong thông báo kết quả các kỳ họp sau của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Điều này rất quan trọng, để người tốt, kẻ xấu không bị lẫn lộn, để những ai vi phạm thấy rõ sẽ bị nêu đích danh, người đời chê cười, người thân xấu hổ, để cán bộ, đảng viên cảnh tỉnh, không vi phạm”.

Tuy nhiên, theo tác giả bài viết: “Nêu đích danh chưa đủ sức giáo dục và răn đe mà quan trọng hơn là hình thức kỷ luật phải tương xứng với những vi phạm. Kết luận chỉ rõ: “Đồng chí Cao Minh Quang đã có những khuyết điểm, vi phạm như thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế. Những việc làm của đồng chí Cao Minh Quang đã vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và Quy định về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm cho uy tín của cá nhân giảm sút…”. Tại sao chỉ có “uy tín cá nhân giảm sút?” Chính những vi phạm trên của ông Cao Minh Quang - một cán bộ cao cấp của Đảng trong thời gian dài đã góp phần làm giảm uy tín của Đảng, giảm niềm tin của dân với Đảng!


Tương tự như thế, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Lữ Ngọc Cư đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19-4-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, quy chế làm việc của tỉnh ủy và một số quy định của Chính phủ, của bộ, ngành trung ương thể hiện qua một số việc. Chủ tịch Cư đã có nhiều sai lầm xuất phát từ động cơ cá nhân trong việc ra chủ trương sử dụng sai quy định nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho nhiều dự án kém hiệu quả, điều hành, quản lý  sai nhiều nguồn quỹ khác. Vi phạm của Chủ tịch Lữ Ngọc Cư là nghiêm trọng gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng xấu đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và uy tín của cá nhân.


Vấn đề đặt ra là những vi phạm “nghiêm trọng” mà lại xử lý ở mức cảnh cáo liệu có đủ nghiêm khắc và có tính cảnh tỉnh, răn đe?  Trong vụ cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng), đến nay mới chỉ thi hành kỷ luật cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và xã. Cấp thành phố chỉ thông báo chung chung về kiểm điểm trách nhiệm mà chưa thấy thông báo quyết định kỷ luật cụ thể bất kỳ cá nhân nào. Trong việc thực thi kỷ luật đảng không ít đảng viên giữ cương vị cao, sai lầm lớn, nhưng khi vi phạm, dù ở mức nghiêm trọng, chỉ bị kỷ luật ở mức thấp. Ngược lại, đảng viên giữ cương vị thấp hoặc không giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, ở cấp thấp sai lầm không lớn lại bị xử lý ở mức cao. Cách xử như vậy, dân ta gọi là “nhẹ trên, nặng dưới”, không công bằng.


Về vi phạm của Thứ trưởng Quang và Chủ tịch Cư, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục chờ xem sẽ tiếp tục được xử lý về mặt chính quyền ra sao. Hy vọng kết quả xử lý sẽ tương xứng với mức độ vi phạm, đủ độ nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin rằng Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được thực thi thắng lợi bằng những việc làm cụ thể, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh,


Cách đây không lâu, TTXVN đưa tin: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa xem xét hình thức kỷ luật một số đảng viên giữ chức vụ cao, theo đề nghị của “nhiều tổ chức đảng và đảng viên”. Một số tờ báo cùng đưa tin: Sau hai tuần họp tại Hà Nội cơ quan theo dõi đạo đức tư cách của đảng viên vừa đề nghị Ban Bí thư "kỷ luật 5 đảng viên”, nhưng lại không nêu tên, chức danh cụ thể 5 người đó là ai. Những người này không phải là đảng viên thường. Trong số này có hai tỉnh ủy viên, một người cấp tướng thuộc lực lượng công an, một chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn kinh tế, một nguyên thứ trưởng… Không nêu tên cụ thể cũng là một hình thức né tránh, thiếu chính chiến đấu, giáo dục, răn đe. 


Những vấn đề nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng...” thể hiện Đảng ta đã “bắt mạch” đúng bệnh. Bây giờ quan trọng nhất là thực hiện trong thực tế đến đâu? Nếu  việc kiểm điểm, xử lý chỉ trong nội bộ từng tổ chức đảng, không đủ nghiêm khắc, không công khai, minh bạch thì hiệu quả thực hiện nghị quyết sẽ rất thấp. Bác Hồ từng nói: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng  hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng  tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.


Muốn sửa các sai lầm thì khâu tổ chức cán bộ phải được làm trước. Đây là khâu then chốt của then chốt. Phải chọn  được người có tài, có đức để lãnh đạo Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp, bố trí đúng người, đúng việc. Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.


Muốn lựa chọn, đề bạt được cán bộ tài đức thì phải thực sự bảo đảm mở rộng dân chủ trong Đảng, trong các khâu của công tác cán bộ. Lựa chọn được những người có tài, đức bố trí vào những chức danh lãnh đạo, quản lý, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm khắc, cách chức những cán bộ lãnh đạo vi phạm, ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín của Đảng là hai việc cần làm đồng thời, mạnh mẽ, quan trọng như nhau. Muốn vậy, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Ban Chấp hành Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, nói và làm phải song hành. Mong rằng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo Đảng, lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phản hồi (4)

Văn Khôi 01/05/2012

Trong thực tế, có những cán bộ ở vị trí lãnh đạo, diện chủ chốt nhiều khóa, nhiều năm, vi phạm Điều lệ Đảng, không hoàn thành 5 nhiệm vụ ĐV, vi phạm nhiều điều trong 19 điều ĐV không được làm, nhưng họ vẫn dương dương tự đắc, ngang nhiên, vẫn thăng quan tiến chức còn nhanh hơn người tốt có phẩm chất, năng lực hơn. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của ta đúng là chưa được thường xuyên, thiếu nền nếp, không kịp thời, kỷ luật cũng thiếu chính xác và không nghiêm minh. Cho nên, không đủ sức giáo dục, răn đe, khó thanh lọc cho trong sạch. Có tội, nhưng thoát tội. Có khuyết điểm, nhưng không bị rờ đến, thậm chí còn được người khác mở cho đường “hạ cánh an toàn”. Đảng ta đông nhưng không mạnh cũng do đó mà ra.

Quách Thanh Nhàn 01/05/2012

Một nước kỷ cương, pháp luật phải nghiêm. Đảng lãnh đạo, đội ngũ của Đảng gồm những người ưu tú, tiên phong, chọn lọc thì kỷ luật đảng cần phải kịp thời, chính xác, nghiêm minh. Lỏng lẻo sinh tán phát, nhu nhơ sinh khinh nhờn. Kỷ luật của Đảng mà cũng không nghiêm thì tự bản thân Đảng mất dần sự thiêng liêng, cao quý, uy tín theo đó cũng mất dần. Từ đó, cái xấu, cái tiêu cực phát sinh nhiều, vai trò đầu tàu, gương mẫu cũng mất theo, thành ra "hòa cả làng" hay sao? Tạp chí Xây dựng Đảng đã đưa bài này rất đúng thực trạng hiên nay. Chúc Tạp chí ngày càng nhiều bài hay, có chiều sâu, thắng, thật và thiết thực như thế này.

Nguyễn Thị Mây 30/04/2012

Bài viết hay! Hay từ cái tựa đến câu cuối. " Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, chính xác, kịp thời” như một câu khẳng định quan điểm của tác giả. Đồng thời đấy cũng chính là chủ trương của Đảng ta trong giai đoạn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng...”. Tác giả dẫn chứng một số trường hợp đã thực hiện được sự nghiêm minh, chính xác, kịp thời khi kỷ luật những đảng viên vi phạm, làm tổn hại uy tín của Đảng. Và tác giả cũng đưa ra trường hợp một số cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng nhưng hình thức kỷ luật đảng vẫn còn “trên nhẹ, dưới nặng”. Điều này cho thấy việc thực hiện nghị quyết TW4 ở một số nơi chưa hiệu quả. Tác giả kêu gọi Ủy Ban kiểm tra Đảng cần vào cuộc và giúp cho sự đồng bộ về việc thi hành kỷ luật Đảng được kịp thời, chính xác để thể hiện sự nghiêm minh của Đảng ta. Em cũng đồng quan điểm với tác giả. Cần phải nghiêm minh, chính xác, kịp thời kỷ luật những cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân đã đi ngược lại chính sách, pháp luật nhà Nước! Ngoài ra, khâu tổ chức của Đảng với vai trò then chốt cũng cần cẩn trọng khi đề bạt cán bộ lãnh đạo. Phải chọn đúng người có tài và đức, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì nhân dân. Có như thế, nước ta mới tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc hơn!

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất