Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản ở nước ta
Những năm gần đây, hoạt động xuất bản của nước ta đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng  với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân. Hiện nay, cả nước đã có trên 60 nhà xuất bản của các cơ quan nhà nước, hàng chục công ty kinh doanh xuất bản thuộc các thành phần kinh tế khác, với trên một trăm công ty phát hành sách và hơn 10.000 nhà sách, cửa hàng tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Yêu cầu nhân lực của nền kinh tế tri thức, của việc cung cấp lao động chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, yêu cầu phát triển nền công nghiệp văn hoá (trong đó có công nghiệp xuất bản) trong điều kiện toàn cầu hoá đang đòi hỏi cấp bách phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ biên tập.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ biên tập ở các nhà xuất bản nước ta hiện nay có trình độ chuyên môn khá, tay nghề ngày càng được nâng cao. Không ít nhà xuất bản đã tổ chức biên tập, xuất bản được nhiều bộ sách có giá trị văn hoá.

Để có nền công nghiệp xuất bản hiện đại tương đương khu vực và thế giới, cán bộ xuất bản phải có số lượng lớn và chất lượng cao. Cán bộ biên tập nước ta không những vẫn là “các bà đỡ” cho các tác phẩm văn hóa, là người “gác cửa” cho Đảng, Nhà nước, mà còn phải học tập rèn luyện, để nắm vững khoa học, công nghệ xuất bản hiện đại, có tri thức kinh tế thị trường để làm kinh doanh xuất bản phẩm. Nếu không, hoạt động xuất bản cũng không tránh khỏi lạc hậu, trì trệ trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Cán bộ biên tập giàu kinh nghiệm làm sách ở các nhà xuất bản nước ta hiện nay không nhiều. Số người vừa giỏi về nghiệp vụ, vừa thành thạo về ngoại ngữ và công nghệ thông tin rất ít. Các tri thức, kỹ năng biên tập đã được đào tạo, rèn luyện những năm trước, đến nay đã nhiều lạc hậu. Số cán bộ trẻ gần đây được tuyển về các nhà xuất bản, đa số tốt nghiệp các ngành khác, chưa được đào tạo về nghiệp vụ xuất bản, chưa có kiến thức khoa học, toàn diện về nghề biên tập xuất bản. Muốn thành cán bộ biên tập chuyên nghiệp, chất lượng cao, họ cần được đào tạo đại học thứ hai, hoặc bồi dưỡng về lý luận nghiệp vụ xuất bản.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mấy năm gần đây đã cố gắng đổi mới nội dung, chương trình và công tác giảng dạy, đa dạng hoá phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành, cung cấp cho ngành một lực lượng cán bộ biên tập trẻ có năng lực làm việc ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác đào tạo cán bộ biên tập vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn như sau:


Chưa có quy hoạch toàn ngành về phát triển cán bộ biên tập xuất bản, nên công tác đào tạo chưa có phương hướng, kế hoạch đào tạo cán bộ một cách khoa học, vững chắc.

Các cơ quan xuất bản chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện quy hoạch, đào tạo; chưa gắn tuyển dụng, đề bạt cán bộ với đào tạo cán bộ biên tập. Số cán bộ được đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành. Các cơ sở xuất bản ít quan tâm công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chưa coi trọng đưa cán bộ có triển vọng phát triển đi đào tạo tập trung dài hạn; chưa phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện nội dung, phương pháp đào tạo. Nội dung đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, yếu về thực hành.

Việc giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cán bộ biên tập còn nhiều hạn chế. Cán bộ xuất bản nước ta, trước hết là đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo đại học xuất bản chưa được trao đổi, học tập khoa học nghiệp vụ biên tập xuất bản ở các nước tiên tiến. Những tài liệu khoa học về biên tập học và xuất bản học của thế giới được tiếp thu và truyền bá ở nước ta rất hiếm và không có hệ thống. Do vậy, nội dung khoa học nghiệp vụ xuất bản nước ta còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công nghiệp xuất bản độc lập, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ hội nhập, từ góc độ một cơ sở đào tạo cán bộ biên tập, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước về xuất bản cần nhanh chóng có quy hoạch cụ thể về xây dựng tổ chức ngành và đội ngũ cán bộ, viên chức đến 2020. Trong đó, phải chỉ rõ nhu cầu về số lượng và chất lượng cán bộ biên tập xuất bản các loại sách, các loại hình cơ sở xuất bản khác nhau và rộng hơn  là trong cả ngành truyền thông đại chúng.

Thứ hai, cần thống nhất nhận thức trong toàn ngành về nhân cách người cán bộ biên tập xuất bản hiện đại, cụ thể hoá các chức danh cán bộ, viên chức ngành xuất bản, để từ đó tiến tới tiêu chuẩn hoá, thể chế hoá việc tuyển dụng, đào tạo, đề bạt cán bộ, xây dựng chế độ đãi ngộ và khen thưởng phù hợp và xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ xuất bản.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường đầu tư cho việc xây dựng, phát triển các trung tâm thông tin, các viện nghiên cứu khoa học về truyền thông, về báo chí và xuất bản, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo cán bộ biên tập xuất bản.

Việc phối hợp nghiên cứu, đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, kể cả việc cử cán bộ đi đào tạo bằng ngân sách nhà nước. Trước mắt, nên ưu tiên cho việc đào tạo đội ngũ giảng viên ngành xuất bản ở các trường đại học. Hiện nay, nước ta đã có hợp tác đào tạo ngành báo chí và truyền thông với nước ngoài, song vẫn chưa có danh mục đào tạo chuyên ngành biên tập xuất bản. Điều đó là rất thiệt thòi cho ngành xuất bản và sẽ hạn chế việc hiện đại hoá chương trình nội dung đào tạo, hạn chế việc nâng cao trình độ khoa học công nghệ xuất bản của nước ta.

Trong lĩnh vực xuất bản, việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là công việc vừa cơ bản, vừa cấp bách của toàn ngành, mà trước hết đòi hỏi sự cố gắng chung của các cơ sở đào tạo, các cơ quan lãnh đạo quản lý và các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm trên cả nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất