Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng, phó phòng cấp sở ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế có 35 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Trong đó, có 19 đơn vị quản lý nhà nước và 16 đơn vị khác; 6 huyện, 2 thị xã và thành phố Huế. Đội ngũ trưởng, phó phòng cấp sở có 613 người. Trong đó: nữ 108, chiếm 17,6%. Độ tuổi: dưới 35: 33 (5,4%); 35 - 45 tuổi: 182 (29,7%); từ 46 đến 55 tuổi 303 (49,4%), trên 55 tuổi 95 (15,5%). Về trình độ chuyên môn: trung cấp: 3 (0,5%); cao đẳng, đại học: 479,  (78,1%); trên đại học: 123 (20,1%); trình độ lý luận chính trị: cao cấp, cử nhân:152 (24,8%); trung cấp: 326 (53,2%). Số còn lại tương đương sơ cấp và chưa qua đào tạo. Trình độ quản lý nhà nước: cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước từ chuyên viên trở lên chiếm tỷ lệ 63%; trình độ tin học: cử nhân và cao đẳng 1.1%; tin học cơ sở  65,7%; trình độ ngoại ngữ: cử nhân 2.5%; trình độ cơ sở 32%.

Nhìn chung, đại bộ phận cán bộ của tỉnh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 5 năm qua Thừa Thiên Huế đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng cấp sở đạt kết quả sau: Về quản lý nhà nước: chương trình chuyên viên: 77; chuyên viên chính: 169. Về lý luận chính trị: chương trình cao cấp: 95; trung cấp: 117. Chuyên môn nghiệp vụ: 95. Đào tạo tiến sĩ: 29; thạc sĩ: 100.

Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đội ngũ cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế còn bộc lộ một số hạn chế:

- Đội ngũ cán bộ trẻ có kiến thức, có trình độ học vấn, năng động và mạnh dạn nhưng kinh nghiệm trong việc quản lý điều hành chưa nhiều, chưa được chuẩn bị chu đáo. Tuổi trẻ dưới 35 còn ít. Đáng chú ý là việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo ra sự ổn định, đảm bảo tính kế thừa và phát huy vai trò lãnh đạo đang còn là khâu yếu.

- Đội ngũ cán bộ, công chức làm công các quản lý hành chính vẫn còn sự thiếu hụt trình độ tin học và ngoại ngữ.

- Phần lớn cán bộ được trang bị  kiến thức nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, nhất là quản lý kinh tế trong bối cảnh hội nhập thế giới, đặc biệt các ngành kinh tế mũi nhọn và những ngành tỉnh đang cần. Khả năng nắm bắt và dự báo còn hạn chế.

- Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về kinh tế thị trường, về quản lý nhà nước, quản lý đô thị của một số cán bộ, công chức chưa được chuẩn bị có hệ thống.

Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trong những năm qua vẫn còn những hạn chế:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu. Các nhóm đối tượng cán bộ, công chức chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng thiếu cân đối giữa việc trang bị trình độ lý luận chính trị với kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Một số lĩnh vực chưa sâu, còn nhiều lý thuyết, ít kiến thức thực tiễn. Chưa quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực. Việc mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề có phần hạn chế.

- Đào tạo chưa gắn liền với quy hoạch và sử dụng. Đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức.

Để tiếp tục  đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn đội ngũ  trưởng, phó phòng cấp sở cần có những biện pháp sau:

1. Đổi mới nhận thức đối với cấp uỷ cấp sở

Nhận thức đúng vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ trưởng, phó phòng cấp sở, từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả. Đây là đội ngũ kế cận của lãnh đạo sở, là những người trực tiếp tham mưu việc hoạch định các chính sách, kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng góp phần vào sự nghiệp CNH, ĐHH của tỉnh, khi Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng tại cơ quan (Quy định số 98 - QĐ/TW, ngày 22-3-2004 của Ban Bí thư), tham gia ý kiến với lãnh đạo cấp sở về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật... đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan. Lãnh đạo việc thực hiện các quyết định đó thường xuyên. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Định kỳ hằng năm, cấp uỷ tham gia với lãnh đạo sở chỉ đạo phòng tổ chức cán bộ rà soát, nắm chắc trình độ cần được đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức (trong đó có trưởng, phó phòng). Đồng thời căn cứ nhiệm vụ cụ thể trong từng năm để giới thiệu cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của cơ quan, đơn vị và chỉ tiêu đã được các cơ quan quản lý cán bộ cấp trên phân bổ.

- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập suốt đời của cán bộ, công chức. Xác định việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý. Học tập, rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công vụ được giao.

- Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan (Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan...) tạo điều kiện và hỗ trợ cho cán bộ, công chức được trang bị các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Quan tâm chế độ chính sách và quyền lợi chính đáng, thực hiện các chế độ do tỉnh ban hành để động viên kịp thời cán bộ đi học.

Đối với các cơ quan quản lý cán bộ: Cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với cán bộ trưởng, phó phòng cấp sở làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

2. Gắn công tác quy hoạch cán bộ với xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng

Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, chủ động nguồn cán bộ lâu dài, làm cơ sở quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Lâu nay, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ ở cấp sở đã được tiến hành tương đối nền nếp, đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cán bộ. Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị quy hoạch cán bộ chưa đảm bảo chất lượng, không xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cho mỗi chức danh quy hoạch, nhất là về bằng cấp, chứng chỉ để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, định kỳ hằng năm cấp uỷ, lãnh đạo cấp sở phải làm tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ trong diện quy hoạch trưởng, phó phòng, từ đó tiến hành rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, đồng thời, bổ sung đưa vào quy hoạch những người có đủ phẩm chất và năng lực, nhất là năng lực thực tiễn, làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả. Quan tâm cán bộ trẻ có triển vọng đưa vào quy hoạch dự nguồn cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của từng sở.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ của cấp sở, trong đó có đội ngũ trưởng, phó phòng. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Từ đó xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cấp sở, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ (phòng tổ chức cán bộ của cấp sở) xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng chức danh, ngạch, bậc. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng thời chú trọng việc đào tạo chuyên sâu sau đại học đối với đội ngũ trưởng, phó phòng để có đội ngũ trí thức, khoa học giỏi trên từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực đang còn thiếu và những ngành lĩnh vực  tỉnh có thế mạnh.

Định kỳ hằng năm, cơ quan quản lý cán bộ cấp sở căn cứ số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ hiện có, trong đó có cán bộ trưởng, phó phòng, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và báo cáo Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Các cơ quan này sẽ liên hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch mở lớp. Tạo điều kiện cho cán bộ được đi học chủ động thu xếp công việc cơ quan và gia đình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ học tập. Khi cử cán bộ đi học cần ưu tiên cán bộ, công chức trong diện được quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nối kết thông tin với cơ sở đào tạo về cán bộ, công chức theo học. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng là một trong những thước đo quan trọng để bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Đối với việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của từng sở, ngành, ngoài những nội dung do các ngành của Trung ương đảm nhận cần tranh thủ và tận dụng lợi thế có các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Nhất là những ngành, lĩnh vực Đại học Huế hoặc các trường khác có thế mạnh rất cần cho sự phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo, thực hiện tốt chủ trương bổ nhiệm, đề bạt cán bộ trước hết theo quy hoạch, khắc phục quy hoạch hình thức, không hiệu quả 

3. Đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với đưa đi nghiên cứu ở nước ngoài

Cần kết hợp hình thức đào tạo chính quy với các hình thức khác, vừa bồi dưỡng kiến thức cơ bản vừa hướng dẫn kỹ năng thực hành. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả trong nước và ngoài nước. Tùy theo chuyên ngành công tác của cán bộ trưởng, phó phòng để chọn hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, trong nước hay ngoài nước.

Kết hợp  đào tạo tại các trường lớp với  rèn luyện qua thực tiễn công tác. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ để định ra tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng với dung lượng tri thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thời gian, giáo trình…

Phát huy tính chủ động của người học, có chế độ khuyến khích và bắt buộc đối với việc tự học, tự nghiên cứu, kết hợp kiểm tra đánh giá thực chất kiến thức và trình độ nghiệp vụ đối với từng loại cán bộ, nhất là qua các kỳ thi chuyển ngạch cán bộ, công chức.

Ngày 5-9-2008 Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án 02 - ĐA/TU, về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài. Trung ương có các chương trình đào tạo theo đề án 322 và 165. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn cán bộ có chất lượng cao, cần tiếp tục thực hiện Đề án 02 của Tỉnh uỷ và tranh thủ các đề án của Trung ương, đồng thời, liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo ngoài nước, kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình đào tạo khác phù hợp với yêu cầu sử dụng, chức danh cán bộ trưởng, phó phòng nhằm đào tạo chuyên sâu theo ngành nghề.

Ưu tiên đào tạo sau đại học, tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Tổ chức cho trưởng, phó phòng đi bồi dưỡng kiến thức, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực tại các nước phát triển và những nước có mô hình quản lý thích hợp.

Lựa chọn xét tuyển, cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 35, có trình độ ngoại ngữ, bảo đảm phẩm chất chính trị... gửi đi đào tạo một số chuyên ngành về kinh tế, kỹ thuật ở nước ngoài. Đây cũng là nguồn để quy hoạch trưởng, phó phòng cấp sở. Ưu tiên sinh viên ở các trường đại học kinh tế, kỹ thuật trên toàn quốc là con em trên địa bàn, học lực khá giỏi, đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ, bảo đảm yêu cầu chính trị, ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của tỉnh, tốt nghiệp đại học để cử đi đào tạo thạc sĩ, có thể chuyển tiếp tiến sĩ, có cam kết học xong trở về phục vụ trong tỉnh.

4. Xây dựng quy chế về công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở mỗi cơ sở cần có quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng cán bộ nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp. Lãnh đạo sở, cấp uỷ cơ sở cần xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng tại mỗi cơ quan để công tác đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thuận lợi có chất lượng đảm bảo công bằng đối với cán bộ, công chức trong từng cơ quan, tránh được sự thắc mắc, suy bì. Quy chế cần nêu rõ một số nội dung cần thiết như: thời gian công tác, độ tuổi, bằng cấp đạt được, danh hiệu thi đua hằng năm…

5. Tiếp tục thực hiện tốt quy trình đào tạo và quản lý học viên

Những năm qua, công tác chiêu sinh được thực hiện khá chặt chẽ. Học viên được cử về học tại các cơ sở đào tạo theo sự lựa chọn từ cấp ủy, lãnh đạo sở thông qua cơ quan tổ chức. Cơ sở đào tạo cùng với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh xét duyệt và đề nghị cấp trên ra quyết định, nhà trường tiếp nhận và tổ chức giảng dạy, thường xuyên có sự kết nối thông tin giữa cơ quan cử đi đào tạo và cơ sở đào tạo để tăng cường quản lý học viên nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy vậy, mới chỉ thực hiện tốt trong khâu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Riêng phần đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ phần lớn do bản thân cán bộ công chức tự nguyện viết đơn, tự lựa chọn, có người học không đúng ngành nghề, không phù hợp với công việc đang đảm nhận. Ngoài việc xét chọn cho đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cơ quan quản lý cán bộ cấp sở phải có thống kê điều tra, khảo sát nắm kỹ trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưõng đạt kết quả tốt, tránh lãng phí kinh phí đào tạo của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trưởng, phó phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6. Xây dựng cơ chế chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng người có đức có tài, thu hút nhân tài và quản lý sau đào tạo, bồi dưỡng

Chính sách cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Xây dựng cơ chế chính sách tốt sẽ có tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ của tỉnh. Những năm qua, bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh cũng đã có những chính sách về đào tạo, bồi dưỡng để động viên khuyến khích người học. Quan tâm tuyển chọn những người ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những người có thành tích xuất sắc trong học tập. Quan tâm đãi ngộ về tiền lương, tiền thưỡng… Song bên cạnh đó cũng cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí.

Để có nguồn lực đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng trẻ, trước hết phải có đội ngũ chuyên viên trẻ. Muốn vậy, phải  tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các trường đại học về công tác tại các sở. Bên cạnh đó, đề ra chính sách thu hút có hợp đồng thoả thuận ràng buộc với số sinh viên đã nhận được học bổng đi học nước ngoài của các tổ chức, cá nhân khác sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí học tập để sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại các sở. Ưu tiên bố trí công việc phù hợp, sau thời gian tập sự sẽ được đi đào tạo các chương trình lý luận chính trị và quản lý nhà nước và nếu có năng lực sẽ bổ nhiệm giữ chức vụ phó phòng cấp sở trong thời gian sớm nhất và là đội ngũ quy hoạch cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tương lai. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý giỏi, những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi ở ngoài tỉnh và Việt kiều về làm việc, công tác tại địa phương.

Có chính sách đưa học sinh giỏi  bậc THPT đi đào tạo ở các bậc học cao hơn bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đề ra chính sách thu hút có hợp đồng thoả thuận ràng buộc giữa tỉnh và số sinh viên đã nhận được học bổng đi học nước ngoài của các tổ chức, cá nhân khác, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm một khoản tiền từ 30-50 % học bổng.  Sau khi tốt nghiệp trở về phục vụ quê hương. Đây chính là nguồn để bổ sung cho đối tượng cán bộ  trưởng, phó phòng bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cần quản lý tốt đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo bồi dưỡng. Quản lý tốt không chỉ để biết sự tiến bộ của cán bộ mà còn phải tiếp tục theo dõi để làm nguồn kế cận, quy hoạch lãnh đạo cấp sở và cao hơn. Định kỳ hằng năm cơ quan quản lý cán bộ phải tổ chức nắm tình hình số lượng học viên của các trường, lớp đào tạo về công tác tại cơ quan, đơn vị để nắm chắc quá trình phấn đấu và rèn luyện của cán bộ, công chức. trong đó có đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng. Đây là cơ sở để tham mưu các cấp lãnh đạo xem xét đề bạt bổ nhiệm cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

7. Đổi mới  quản lý, nâng cao năng lực cán bộ của các cơ quan tham mưu về công tác quản lý cán bộ

Cơ quan tổ chức cán bộ - Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ trước hết phải là chỗ dựa thực sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền. Để tham mưu “trúng” và đúng, những người làm công tác này phải có trình độ, kiến thức về khoa học tổ chức, nắm vững nguyên tắc, đồng thời thành thạo trong sử dụng các quy trình, thao tác tiến hành công tác cán bộ. Cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ còn phải có trình độ, năng lực thẩm định, sự nhạy cảm nghề nghiệp, sự công tâm, khách quan trong công việc.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy và cán bộ làm công tác tham mưu về  tổ chức, cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ làm công tác tổ chức phải có tâm, có tầm và có tài. Người cán bộ tổ chức phải có đạo đức trong sáng, trung thực, công tâm, khách quan, liêm khiết, chí công vô tư. Có trình độ, kinh nghiệm, có tầm nhìn xa, toàn diện, cụ thể, sáng suốt lựa chọn được người tài, sắp xếp đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ ở mỗi cấp, mỗi đơn vị.

8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ trưởng, phó phòng, từ đó uốn nắn, khắc phục những lệch lạc, hạn chế  trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng. Giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý và thực thi giáo dục thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phát huy nhân tố tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.

Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp góp phần xây dựng tốt đội ngũ cán bộ trưởng, phó phòng.

Phản hồi (1)

Hải Minh 14/07/2012

Bài báo ở Tạp chí điện tử nên ngắn thôi! Giải pháp là chính.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất