Công tác đào tạo cán bộ ở Cần Thơ - thực trạng và giải pháp
Cán bộ, phóng viêni Tạp chí Xây dựng Đảng tìm hiểu công tác tổ chức xây dựng đảng tại Cần Thơ

Bác Hồ đã dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đào tạo cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Vì thế, để xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng được yêu cầu công việc, ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố (TP) Cần Thơ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005-2010, Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình, đề án như: Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 22-1-2007 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020; Đề án đào tạo 150 thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài; Đề án số 02-ĐA/BTCTU ngày 7-7-2010 của Ban Tổ chức Thành ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức khối đảng, mặt trận, đoàn thể TP. Cần Thơ năm 2010-2020… Ngoài ra, hầu hết các quận huyện của TP đều chủ động đề ra nhiều mô hình, cách làm hay để động viên, khích lệ cán bộ ý thức tự giác học tập, nâng cao trình độ.  

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, các ngành ở Cần Thơ đã chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả khả quan nhưng số đông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong quá trình xây dựng và phát triển của Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương.


Từ năm 2008 đến nay, Cần Thơ đã cử đi đào tạo chuyên môn 3.566 đồng chí (đại học 2.989 đồng chí, sau đại học 577); đào tạo lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 488 đồng chí, trung cấp 1.631. Trong đó, đào tạo theo chương trình Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương có 11 học viên; Đề án 150 có 106; 34 trường hợp đi học theo diện bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài. Hiện nay, 80 học viên đã tốt nghiệp, về nước và được phân công công tác tại các sở, ban, ngành của Thành phố.  


Cụ thể về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của cán bộ, công chức, viên chức 3 cấp ở Cần Thơ như sau:


Cấp thành phố: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành có trình độ chuyên môn đại học 76,57%, sau đại học 20,10 %; trung cấp lý luận chính trị 33,56%; cao cấp, cử nhân 52,97%. Đội ngũ chuyên viên có trình độ chuyên môn đại học 68,06%, sau đại học 5,32%; trung cấp chính trị 12,28% và cao cấp, cử nhân 3,02%. Viên chức có trình độ chuyên môn trung cấp 40,19%, đại học 47,56%, sau đại học 9,15%; trung cấp lý luận chính trị 7,47%, cao cấp 1,88%.  


Cấp quận, huyện: Cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn đại học 71,28%, sau đại học 4,17%, trung cấp lý luận chính trị 37,89%; cao cấp, cử nhân 53,75%. Viên chức có trình độ chuyên môn trung cấp 59,86%, đại học 37,04% và sau đại học 0,02%.  


Cấp xã: Cán bộ, công chức chủ chốt có trình độ chuyên môn trung cấp 35,78%, đại học 24,84%, sau đại học 0,42%, trung cấp lý luận chính trị 62,10%, cao cấp 8,84%. Cán bộ, công chức khối Mặt trận, đoàn thể có trình độ chuyên môn trung cấp 21,8%, đại học 6,26%, trung cấp lý luận chính trị 34,58%, cao cấp 0,75%.  


Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp thành phố và quận, huyện đạt chuẩn về trình độ chuyên môn tương đối cao (trình độ đại học 76,57%, sau đại học 20,20% đối với cấp thành phố; 75,35% cán bộ có trình độ đại học trở lên đối với cấp quận, huyện). Viên chức cấp thành phố và quận, huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt gần 50%. Cán bộ, công chức cấp xã trình độ đạt chuẩn từ trung cấp trở lên đạt 88,29%. Đạt chuẩn thấp nhất là cán bộ khối mặt trận, đoàn thể (28,06%).  


Về trình độ lý luận chính trị, phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố và quận, huyện đều có trình độ trung cấp trở lên. Riêng đối với đội ngũ chuyên viên, nhân viên cấp thành phố và quận, huyện trình độ lý luận chính trị còn hạn chế (12,28% công chức, 7,47% viên chức có trình độ trung cấp).  


Thực trạng trên cho thấy, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của Cần Thơ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kiến thức chuyên sâu với tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, thể hiện được tiêu chí con người Cần Thơ: “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP - trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:


1. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 22-1-2007 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XI) về quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2010 - 2020, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.


2. Rà soát, đánh giá thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua. Từ đó xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với từng chức danh, ngạch bậc, quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời chú trọng việc đào tạo chuyên sâu sau đại học để có đội ngũ trí thức, khoa học giỏi trên từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực thế mạnh của TP. Tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút cán bộ có trình độ, sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ chuyên môn phù hợp về công tác tại Cần Thơ.  


3. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ; có quy chế quản lý chặt chẽ đối với cán bộ cử đi học để nắm bắt kịp thời tình hình cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo. Tiến hành phân cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ để tránh tình trạng đào tạo không đúng chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ; chấm dứt việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc tuyển dụng trước, đào tạo sau.    


4. Xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đội ngũ báo cáo viên từ cơ sở đến TP; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học tại các cơ sở đào tạo của TP, từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; mở rộng liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nắm bắt nhu cầu phát triển của thành phố để chủ động tổ chức những lớp đào tạo, chuyên đề bồi dưỡng, nhằm đáp ứng kịp thời về phẩm chất đạo đức, vai trò chức năng của cán bộ phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ ngoại ngữ để có cơ sở nâng cao trình độ sau đại học và trong giao tiếp với người nước ngoài.


5. Tăng cường phối hợp, liên kết với các trung tâm đào tạo, viện, trường của Trung ương để thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp giữa đào tạo chính quy tập trung với đào tạo tại chức, giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa trong nước và ngoài nước, giữa đào tạo ở trường lớp với đào tạo qua thực tiễn. Trong đó, chú trọng hình thức đào tạo chính quy tập trung; mở rộng hình thức cử tuyển đối với một số lĩnh vực và đối tượng thật sự có nhu cầu như cán bộ người dân tộc, cán bộ y tế cơ sở, cán bộ xã, phường, thị trấn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất