Trọng trách người đứng đầu

Ngày 17-1-2011, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 74/TTg-KTTH đồng ý hỗ trợ 200 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương cho TP. Cần Thơ để xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012. Cụm hồ bơi có mái che được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt lần đầu vào ngày 5-3-2010, tổng vốn đầu tư hơn 129,7 tỉ đồng. Ngày 29-4-2011, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ ký tờ trình UBND TP. Cần Thơ điều chỉnh từ 129,7 tỉ đồng lên hơn 254,5 tỉ đồng (tăng hơn dự kiến ban đầu tới hơn 124 tỉ đồng). Sau khi dư luận phản ứng, công trình đã phải tạm dừng. Bị đình chỉ thi công, nhưng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đã chi thù lao cho cán bộ tham gia thẩm định dự án cụm hồ bơi có mái che với tổng số tiền hơn 45,2 triệu đồng gồm 6 người, trong đó ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở ký nhận 4.526.995 đồng. 5 người khác trong phòng thẩm định nhận mỗi người 8.148.591 đồng.

Đã có nhiều đơn tố cáo của cán bộ và nhân dân nêu hiện tượng khai man để rút tiền nhà nước, tham nhũng. Trước vụ việc nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ đã vào cuộc xem xét, kiểm tra khi có dấu hiệu tham nhũng. Trong tháng 11, Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ họp kiểm điểm cá nhân, đề nghị kỷ luật khiển trách Phó giám đốc Lê Kế Hoa và Trưởng phòng Thẩm định Huỳnh Văn Nuôi.


Sự việc cho thấy: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp chỉ đạo và ký các văn bản dẫn tới tham nhũng, nhận tiền và công trình bị đình chỉ, nhưng vẫn chưa bị kỷ luật, lại chỉ kỷ luật cấp phó và phòng là không hợp lý. Vụ việc trên đang gây bất bình trong cán bộ và nhân dân TP. Cần Thơ: Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?


Theo Điều 7, Nghị định 157/2007/NĐ-CP, “Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ” thì Giám đốc Võ Thành Sang phải: Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý và không để xảy ra tham nhũng. Theo Điều 10 Nghị định này, Giám đốc Sở phải bị xử lý kỷ luật vì đã để cấp phó và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý tham nhũng, lãng phí.               


Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nặng hơn thuộc quyền, không những chỉ là liên đới trách nhiệm mà còn là chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trọng trách trước mọi thành công hay thất bại trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cấp phó của người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý, điều hành (bằng văn bản ủy quyền hoặc bằng quyết định phân công phụ trách lĩnh vực). Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu phải thực hiện chế độ trách nhiệm trong quá trình đề xuất, tham mưu, trình, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công liên quan đến chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Chính Giám đốc Võ Thành Sang đã trực tiếp ký các văn bản chính thức và liên quan đến vi phạm, không thể tránh tội, đổ lỗi hoàn toàn cho cấp dưới.


Điều 6 của Nghị định này cũng quy định rõ ràng là: Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nếu có hành vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật.


Theo quy định, người đứng đầu còn phải ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo, điều hành và nội quy, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn căn cứ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật.


Khi công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giao bị kém hiệu quả, sử dụng sai nguồn tài chính, tài sản, trang thiết bị, thực hiện không đúng chế độ, chính sách và sai các quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thiếu thường xuyên, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, không thể nghiễm nhiên được “bình thân” ngoài vòng pháp luật hoặc tránh được các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền.


Vì thế, gánh trọng trách và chịu trách nhiệm của người đứng đầu là việc không thể xem nhẹ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất