Kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn ở Bắc Giang

Xã, phường, thị trấn (cấp xã) là đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính 4 cấp ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”(*).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, xác định: “Các cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi tuyệt đại bộ phận nhân dân cư trú, sinh sống. Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy chủ quyền dân chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”. Để xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, cần xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có chất lượng, năng động, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp, phong cách công tác tốt.

Nhận thức rõ vấn đề trên, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 05-12-2006 về xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo. Sau gần 5 năm tích cực triển khai thực hiện Đề án, đến nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của Bắc Giang đã đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên.

Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Bắc Giang còn gặp một số khó khăn cơ bản sau:

Yếu tố địa lý tự nhiên. Bắc Giang có 9 huyện, 1 thành phố (6 huyện miền núi; 1 huyện vùng cao được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), có huyện cách xa trung tâm tỉnh 100km như Sơn Động. Toàn tỉnh có 230 xã, phường, thị trấn, trong đó có 169 xã miền núi (85 xã nghèo và 30 xã đặc biệt khó khăn); nhiều xã xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn; địa hình chia cắt, giao thông, liên lạc hạn chế. Do điều kiện sống và làm việc tại các xã, phường, thị trấn còn khó khăn nên phần lớn cán bộ thường có xu hướng tập trung về gần trung tâm huyện, ngại luân chuyển về cơ sở.

Yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội. Bắc Giang là tỉnh thuần nông, có 90,4% dân cư sống ở nông thôn, 70% là lao động nông nghiệp. GDP bình quân đầu người bằng 1/2 so với trung bình cả nước, số hộ nghèo và cận nghèo lớn. Trụ sở làm việc của gần 100 xã xuống cấp, đời sống của nhân dân và cán bộ, công chức cũng như điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Văn hoá và trình độ văn hoá của người dân còn nhiều hạn chế, phong tục, tập quán ở nhiều vùng còn rất lạc hậu, hủ tục còn nhiều. Vẫn còn tâm lý và thói quen thụ động, ỷ lại, trông chờ, cục bộ địa phương, dòng họ. Phương châm "sống lâu lên lão làng" khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc trẻ hoá đội ngũ cán bộ.

Yếu tố cơ chế, chính sách về công tác cán bộ. Thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ ở cơ sở của Bắc Giang chưa đáp ứng được yêu cầu; việc gắn quy hoạch cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ còn hạn chế; nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt được đào tạo chính quy chiếm tỷ lệ thấp. Công tác đào tạo bồi dưỡng còn bất cập, mới tập trung đào tạo về chuyên môn, chưa chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, công tác tạo nguồn, luân chuyển cán bộ còn hạn chế, nhất là luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện gặp nhiều khó khăn, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức cấp xã còn thấp...

Để khắc phục những hạn chế và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn ở Bắc Giang, xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ. Xác định tiêu chuẩn cán bộ là cơ sở để đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn và chính xác, là căn cứ để xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ cũng là tiêu chí để mỗi cán bộ phấn đấu, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân. Do vậy, cần xây dựng tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ chủ chốt, làm cơ sở cho việc đánh giá, quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Hai là, làm tốt việc tạo nguồn cán bộ. Trước hết phải nâng cao chất lượng công tác qui hoạch cán bộ, tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt, đảm bảo tính kế thừa và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Thực hiện chủ trương hợp đồng, tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy về cơ sở công tác, tăng cường cán bộ trẻ cho cơ sở. Trong quá trình công tác có nhận xét, đánh giá kết quả, bổ sung những cán bộ có năng lực, triển vọng vào quy hoạch các chức danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, lý luận chính trị để dự nguồn cán bộ chủ chốt.

Ba là, đào tạo theo chức danh và kỹ năng công tác nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Chú trọng việc đào tạo lại cán bộ theo định kỳ với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt chuẩn chức danh về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, trong đó chú ý tăng cường bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính, pháp luật và các kỹ năng hoạt động, công tác ở cơ sở.

Bốn là, thực hiện luân chuyển cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp xã. Điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo các phòng, ban của huyện, thành phố có kiến thức, năng lực và kinh nghiệm về giữ các chức danh chủ chốt ở xã, phường, thị trấn để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Luân chuyển cán bộ từ xã lên các phòng, ban của huyện, nhằm kết hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, dự nguồn các chức danh chủ chốt ở cơ sở.

Năm là, thực hiện đồng bộ các chính sách về cán bộ như chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chính sách sử dụng và quản lý cán bộ, chính sách luân chuyển cán bộ nhằm khuyến khích cán bộ rèn luyện, phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Có chế độ, chính sách đối với những cán bộ không đạt chuẩn nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hoặc bố trí, sắp xếp công tác hợp lý, để giải quyết được "đầu ra" cho số cán bộ này, tạo "chỗ trống" tăng cường cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

 ----------------

(*) Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 5, NXB CTQG, H.2002, trang 371.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất