Thanh Hoá có 27 huyện, thị xã, thành phố; 638 xã, phường, thị trấn, là một trong những địa phương có số lượng cán bộ đông nhất cả nước, riêng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) hiện có 55.939 người. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, cùng với tiến trình chung của đổi mới giáo dục lý luận chính trị, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đổi mới nội dung chương trình đào tạo và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng thiết thực, nâng cao hiệu quả, giáo dục lý luận gắn liền với thực tiễn; vận dụng sáng tạo nội dung bài giảng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn…
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các huyện, thị, thành phố, trước yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá vừa đào tạo tập trung, vừa tăng cường đào tạo tại chức cho các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, tỷ lệ cán bộ trong hệ thống chính trị theo quy định đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh tăng lên. Từ năm 2005 đến nay, Trường đã mở được 30 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung với 12.750 cán bộ tham gia; mở được 48 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại chức với 5.040 cán bộ tham gia. Trong đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay, số có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên là 17.955 người (47%). Trong đó, là thành viên trong BCH đảng bộ cơ sở có 5.100 người (68%), thường trực HĐND xã 1.047 người (82,7%), thường trực UBND xã 1.599 người (65,8%).
Tuy nhiên, công tác đào tạo, giáo dục lý luận chính trị còn biểu hiện tách giữa lý luận với thực tiễn, chưa thực sự coi trọng việc “học đi đôi với hành”, học lý luận chưa thực sự giúp cho việc “soi đường”, tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra...
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tại cơ sở, Trường xác định tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, gắn giáo dục lý luận với thực tiễn
Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng, chú trọng nghiên cứu thực tế và giảng dạy theo những vấn đề được khái quát từ các tình huống đặc trưng trong thực tế, dự kiến những tình huống có thể phát sinh và những giải pháp giải quyết các tình huống này.
Tiến hành nghiên cứu thực tế theo nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu theo từng chuyên đề, theo nội dung môn học; theo từng nhóm, từng lớp; có kế hoạch, đề cương hướng dẫn cụ thể, có tổ chức thu hoạch, kiểm tra nhận thức,
Để gắn giữa học tập lý luận với thực tiễn, ngoài các phương pháp trên, cần tạo điều kiện cho học viên tiếp xúc nhiều hơn với thực tiễn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo thực tiễn. Từ đây, học viên được củng cố về lý luận và thu nhận được kinh nghiệm thực tiễn.
Hai là, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo
Học viên muốn nắm vững những vấn đề lý luận cơ bản, có khả năng vận dụng trong thực tiễn phải không ngừng tự học; giáo viên hướng dẫn về tài liệu tham khảo và nội dung tự học, tự nghiên cứu.
Để thực hiện quá trình tự đào tạo tốt, cần sự đổi mới về phương pháp, thay thế phương pháp giảng dạy độc thoại bằng phương pháp đối thoại. Nêu các vấn đề trao đổi thông qua nội dung bài giảng, giảng viên vừa tạo nên sự tập trung, chú ý của học viên, vừa kiểm tra được nhận thức của học viên.
Ba là, kết hợp tối ưu các phương pháp dạy - học
Trong giảng dạy có nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp đều mang lại những hiệu quả riêng, song cũng có những hạn chế nhất định. Môn học về lý luận chính trị đòi hỏi phải kết hợp rất chặt chẽ hai yếu tố lý luận và thực tiễn, nếu chỉ áp dụng một phương pháp riêng biệt nào đó trong giảng dạy đều dẫn đến sự hạn chế về kết quả học tập...
Một phương pháp quan trọng để học môn lý luận chính trị là tham quan, nghiên cứu thực tế; việc tiếp xúc với thực tiễn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả học tập. Thông qua hoạt động thực tiễn (như một sơ đồ trực quan rộng lớn, sinh động), học viên có điều kiện củng cố, hiểu sâu sắc hơn những nội dung lý luận đã học. Điều này giúp học viên phát huy khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn sau này.
Bốn là, thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo
Cán bộ cấp xã bao gồm nhiều đối tượng với các đặc điểm khác nhau, để đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ này đòi hỏi phải thực hiện nhiều hình thức.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo được thể hiện thông qua cơ cấu chương trình, hình thức đào tạo. Về chương trình, có thể có chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tập trung, không tập trung và sự liên kết giữa các hình thức đào tạo này. Có thể thực hiện những hình thức "mềm", linh hoạt dưới dạng tín chỉ, học phần. Các hình thức chủ yếu mà các trường chính trị đang thực hiện để giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ cấp cơ sở là đào tạo tập trung, đào tạo tại chức và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Với hình thức đào tạo này phải đặt ra những yêu cầu cao, chặt chẽ về tuyển sinh. Xét về tính chiến lược, đào tạo tập trung phải là hệ đào tạo được quan tâm nhiều hơn trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ.
Về hình thức học tại chức, hiện nay được trường chính trị tỉnh thực hiện với số lượng học viên tham gia lớn gấp nhiều lần hình thức đào tạo tập trung. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các lớp học này, cần có sự đổi mới cả về hình thức và phương pháp đào tạo. Các lớp tại chức thường được thực hiện theo hình thức tập trung từng đợt. Kết quả học tập bị hạn chế do thiếu tính liên tục. Để khắc phục hiện trạng này, theo chúng tôi, phải thực hiện việc biến hình thức học tập tại chức thành học tập nửa tập trung, tức là biến quá trình học ngắt quãng thành quá trình học liên tục. Thời gian không tập trung lên lớp, học viên có thể đi nghiên cứu thực tế bằng chính công tác tại địa phương mình (có đề cương nghiên cứu cụ thể). Thông qua công tác cụ thể và nội dung của các môn học, học viên có thể tự đăng ký đề tài nghiên cứu thực tế. Sau mỗi đợt nghiên cứu thực tế, có tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, coi đó như một nội dung chính thức trong chương trình học. Thực hiện như vậy, học viên sẽ vừa đảm bảo việc học tập vừa tham gia công tác tại địa phương một cách bình thường, vừa có cơ hội vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Cùng với việc mở các lớp tập trung và tại chức đào tạo cơ bản, trường chính trị và các huyện, thị, thành phố cần tiến hành mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề. Ở đây, việc mở các lớp bồi dưỡng cần thực hiện đa dạng hóa: Về thời gian không cố định, có thể mở lớp ngắn ngày, lớp dài ngày. Về nội dung, có thể căn cứ vào từng loại đối tượng, yêu cầu bồi dưỡng để bố trí chương trình phù hợp, mang tính thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng ngay vào công tác thực tế của địa phương.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ ở Thanh Hoá là yêu cầu bức thiết hiện nay, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Hy vọng những giải pháp đổi mới phương thức giáo dục, đào tạo mà chúng tôi đề cập trên đây sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
---------------------
(*) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256.
Võ Mạnh Sơn
Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá