Đắk Lắk quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Đồng chí H’Pin Mlô, cán bộ trẻ người Êđê (thứ 3 từ phải sang), được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi có 184 xã, phường, thị trấn, với 2.467 thôn, buôn, tổ dân phố (1.535 thôn, 611 buôn, 321 tổ dân phố); 100% thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên. Tổng số đảng viên là 64.358 đồng chí; trong đó, đảng viên người DTTS có 10.013 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,56%; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là ở cấp cơ sở. Khi có Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 26-7-1999 “về đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ dân tộc”. Năm 2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU “về  lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đến năm 2010”, với chủ trương đến năm 2010 tỷ lệ cán bộ là người DTTS đạt 18%, từ năm 2010 trở đi tỷ lệ đó sẽ đạt 21% và sẽ được nâng dần tỷ lệ để tương ứng với số lượng người DTTS của mỗi địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp ủy đảng trong tỉnh quan tâm quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS. Với nhiều chủ trương và biện pháp tích cực, đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở tăng về số lượng và nâng cao dần về chất lượng.

Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã đã bầu được 5.724 đồng chí tham gia cấp ủy cơ sở; trong đó, người DTTS có 827 đồng chí, chiếm 14,45% (tăng 0,54% so với nhiệm kỳ trước); có 229/1.291 đồng chí cán bộ người DTTS tham gia ban thường vụ cấp ủy cơ sở khóa mới, chiếm 17,74% (tăng 2,08% so với nhiệm kỳ trước), có 54/757 đồng chí cán bộ người DTTS được bầu giữ chức bí thư cấp ủy cơ sở khóa mới, chiếm 7,13% (tăng 1,46% so với nhiệm kỳ trước); có 114/881 đồng chí cán bộ người DTTS được bầu giữ chức phó bí thư cấp ủy cơ sở khóa mới, chiếm 12,94% (tăng 3,58% so với nhiệm kỳ trước). Bên cạnh, số lượng cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở khóa mới tăng thì chất lượng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong số, cán bộ người cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn khóa mới thì trình độ học vấn: tiểu học chiếm 0,85%, trung học cơ sở 15,16%, trung học phổ thông 83,99% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 1,18%; 17,89% và 80,93%); về trình độ chuyên môn: Cao đẳng, đại học trở lên 23,56%, trung cấp 28,15% và sơ cấp 26,12% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 22,43%, 26,55% và 25,15%); về lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 8,05%, trung cấp 52,47%, sơ cấp 22,67% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 6,01%, 49,48% và 20,43%).

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở đã phát huy tốt năng lực thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, gương mẫu và vận động gia đình thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ DTTS ở cơ sở luôn được các cấp ủy đảng chú trọng; số lượng cán bộ qua đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt ở cơ sở hằng năm đều tăng. Việc đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ DTTS ở cơ sở đều được dựa trên nguồn quy hoạch cán bộ, chú trọng bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy có hiệu quả năng lực của đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở. Hầu hết số cán bộ DTTS được bầu cử và bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, đều phát huy được tốt cả phẩm chất và năng lực công tác. Năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, họ đã biết vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã tích lũy được qua học tập và hoạt động thực tiễn, cùng với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn cơ sở đặt ra.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tuy được nâng lên một bước, song vẫn còn thấp, so với mặt bằng chung của tỉnh. Còn nhiều cán bộ DTTS ở cơ sở chưa được bố trí đúng với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Công tác quy hoạch còn thiếu tính kế thừa, còn mang tính khép kín. Cơ cấu cán bộ DTTS ở một số địa phương, đơn vị có sự hụt hẫng và mất cân đối. Nhiều nơi, tỷ lệ cán bộ DTTS còn quá ít so với tỷ lệ đồng bào DTTS trong cư dân trên địa bàn. Một số đồng chí khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công tác, khả năng độc lập, tính quyết đoán chưa cao nên trong giải quyết công việc đôi khi còn lúng túng, một số đồng chí còn mang tính tự ty và ỷ lại; công tác tạo nguồn cán bộ DTTS một số nơi chưa thực hiện tốt. Vẫn còn 0,85% cán bộ DTTS tham gia cấp ủy xã, phường, thị trấn có trình độ tiểu học, hơn 22% chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Để nâng cao chất lượng và tạo nguồn cán bộ người DTTS, các cấp ủy đảng xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp:


Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, các tổ chức và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc; gắn kết giữa cộng đồng các DTTS, tạo sự hòa đồng, bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng.


Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng củng cố các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên cơ sở đủ mạnh làm hạt nhân chính trị cơ sở để tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về chính sách dân tộc nói chung và cán bộ DTTS nói riêng. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.


Ba là, tiến hành đồng bộ việc đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ DTTS đương chức. Cần xây dựng tiêu chuẩn chức danh đối với đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chú trọng công tác đào, bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức căn bản về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị; đồng thời coi công tác luân chuyển cán bộ DTTS là yêu cầu cần thiết nhằm rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức lối sống của cán bộ DTTS; tăng cường quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho cán bộ DTTS trưởng thành về mọi mặt, khắc phục tư tưởng tự ty, ỷ lại; gắn công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng. Bản thân cán bộ DTTS phải tự rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.


Bốn là, chú trọng việc tạo nguồn cán bộ là người DTTS, nghiên cứu sửa đổi nội dung, chương trình đào tạo kể cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho phù hợp với đặc điểm của đội ngũ cán bộ DTTS ở các ngành, các cấp. Lựa chọn con em cán bộ và gia đình cách mạng của đồng bào DTTS đi đào tạo văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; cử tuyển các em vào các trường trung học chuyên nghiệp, đại học trong và ngoài tỉnh để tạo nguồn cán bộ cho địa phương sau này.


Năm là, làm tốt việc bố trí, sử dụng số học sinh, sinh viên DTTS đã tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Khảo sát lại số học sinh dân tộc đã tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉn và nhu cầu cán bộ ở các cấp, các ngành, lĩnh vực để có kế hoạch sử dụng. Kiên quyết chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ là người DTTS theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, coi đây là chỉ tiêu để đánh giá kết quả công tác xây dựng đảng của địa phương, đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất