Là một tỉnh miền núi biên giới bắc Tây Nguyên, Gia Lai có 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố với 222 đơn vị hành chính cấp xã. Người dân tộc thiểu số chiếm 45,6% (chủ yếu là dân tộc Jơ-rai và Ba-na), trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn.
Một thời gian dài, đội ngũ cán bộ cơ sở ở Gia Lai vừa thiếu vừa yếu, theo số liệu cuối năm 2008, số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ THPT có 43%, THCS và tiểu học chiếm 57%; về chuyên môn nghiệp vụ, trung cấp chiếm 24,75%, đại học và cao đẳng 4,84%, chưa qua đào tạo 68,66%; về lý luận chính trị, sơ cấp chiếm 27,69%, trung cấp 16,3%, cao cấp 1,51%, chưa qua đào tạo 54.5%; về quản lý nhà nước, số được đào tạo, bồi dưỡng 8,04%, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng 91,96%.
Từ tình hình thực tế ở cơ sở, Tỉnh ủy Gia Lai và cấp ủy, chính quyền các cấp đã đề ra chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; thu hút, tuyển chọn sinh viên có trình độ đại học về xã, đồng thời đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có... Kế hoạch này được triển khai thực hiện hằng năm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cấp cơ sở.
Năm 2009, Tỉnh ủy ban hành Đề án 02 “về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015”; theo đó xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ và thu hút cán bộ có trình độ về công tác cơ sở. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa về trình độ các mặt ở tất cả các chức danh theo quy định; đảm bảo năng lực hoạt động thực tiễn. Cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên môn bậc đại học ít nhất 20%, 30% trung cấp lý luận chính trị, 10% cao cấp lý luận chính trị.
Tiếp đó là Đề án 03 của Tỉnh ủy “về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác” với mục tiêu tạo nguồn cán bộ chuyển tiếp lâu dài và bổ sung vào đội ngũ cán bộ các cấp. Cụ thể, tuyển chọn 165 sinh viên tốt nghiệp đại học đưa về 165 xã vùng II, vùng III công tác trong thời gian 3 năm; lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất bổ sung vào độ ngũ cán bộ, công chức các cấp sau khi kết thúc từng giai đoạn. Theo Đề án, xét tuyển sinh viên chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng tại cơ sở, công chức trẻ được hưởng đủ chế độ chính sách của Nhà nước đối với CBCC và nhiều quyền lợi khác.
Qua 3 đợt tuyển chọn, thu hút sinh viên về các xã vùng 2, vùng 3 theo Đề án 03 của Tỉnh ủy (từ năm 2009 đến hết năm 2011), Gia Lai đã tuyển chọn được 141 sinh viên; trong đó 112 sinh viên về công tác tại các xã vùng II, vùng III. Đa số sinh viên làm quen, hòa nhập với cơ sở; việc tiếp nhận thông tin, xử lý công việc cũng như công tác tham mưu được cấp ủy đạt hiệu quả; chấp hành tốt thời gian, giờ giấc làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và địa phương, giữ gìn sự đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương… Số công chức trẻ đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo vào công tác tại cơ sở, một số đã thể hiện được năng lực của bản thân, được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao, bước đầu có 6 công chức trẻ được tín nhiệm bầu vào HĐND và giữ chức phó chủ tịch UBND cấp xã và 29 người được kết nạp vào Đảng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cơ sở được tỉnh quan tâm và có kế hoạch riêng cho từng đối tượng, với cán bộ công chức cấp cơ sở, chú trọng đào tạo chuẩn hóa các mặt kiến thức, nhất là trình độ chuyên môn về kinh tế, hành chính, luật, nông nghiệp; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị… Đến nay, trình độ CBCC cấp xã của Gia Lai được nâng lên đáng kể: Trình độ chuyên môn đại học chiếm 14,70%; cao đẳng 6,50%; trung cấp 45,34%; sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 33,46%.
Kết quả cho thấy việc thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác tại cơ sở của tỉnh Gia Lai vẫn đang là vấn đề bức thiết cần được quan tâm hơn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy các cấp cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc thu hút, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ đối với đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Cấp uỷ cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyển dụng cụ thể và sử dụng những người tốt nghiệp ĐH CĐ về công tác ở cơ sở, xem đây là nguồn nhân lực có chất lượng của chính địa phương, cơ sở mình. Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện, chia sẻ để cán bộ vượt qua những khó khăn, phát huy tốt nhất khả năng, sở trường, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của địa phương.
Thứ hai, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng để mỗi cán bộ, sinh viên trẻ về công tác ở cơ sở thấy rõ trách nhiệm, chủ động nắm bắt thời cơ, đem những kiến thức đã được trang bị ở trường áp dụng vào thực tế phục vụ cho sự nghiệp phát triển địa phương. Thông qua đó tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên.
Thứ ba, các huyện, thị, thành trực thuộc cần chỉ đạo ban tổ chức cấp ủy rà soát, nắm lại số lượng cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa đạt chuẩn để tham mưu cho cấp ủy hướng giải quyết chế độ hoặc cử đi đào tạo, đào tạo lại và bố trí, sắp xếp cho phù hợp trước khi đưa sinh viên vừa tốt nghiệp về công tác tại cơ sở.
Thứ tư, trước khi đưa sinh viên về công tác ở cơ sở, cần tổ chức bồi dưỡng, trang bị một số kiến thức cơ bản ban đầu về công tác đảng, công tác vận động quần chúng, quản lý nhà nước và một số kỹ năng, nghiệp vụ khác nhằm giúp họ nhanh chóng tiếp cận với công việc ở cơ sở.
Thứ năm, có chính sách và quy định cụ thể về tuyển dụng những sinh viên trẻ đã qua đào tạo và rèn luyện ở cơ sở, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác lâu dài tại địa phương. Đồng thời, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, bởi họ là những người cần mẫn, tích cực trong công việc, gần dân, hiểu dân, thực hiện có hiệu quả công tác vận động nhân dân.
Thứ sáu, coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc tại chỗ; đây là kênh chính, rất cần cho việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã.
Theo đó, sớm khảo sát, đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả của việc đào tạo học sinh dân tộc trong hệ thống các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện. Chỉ ra nguyên nhân, hạn chế để để khắc phục.
Làm rõ nguyên nhân gây ra sự hụt hẫng cán bộ dân tộc thiểu số và có kế hoạch bổ sung đội ngũ cán bộ này cho hệ thống chính trị các cấp. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong tạo nguồn cán bộ dân tộc tại chỗ.
Thực hiện thí điểm mô hình đào tạo tập trung học sinh dân tộc từ nhỏ đến khi trưởng thành như mô hình đào tạo học sinh miền Nam trước đây. Phát triển mạng lưới đào tạo nghề ở các khu vực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho con em dân tộc thiểu số.
Phan Hòa