Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện, trong đó công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung quan trọng. Công tác luân chuyển cán bộ ở huyện Đăk Hà thời gian qua đã góp phần củng cố hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét.
Đăk Hà là một huyện của tỉnh Kon Tum, được thành lập theo Nghị định 26/NĐ-CP, ngày 24-3-1994 của Chính phủ, gồm 8 xã và 1 thị trấn, dân số hiện nay là 66.198 người. Đội ngũ cán bộ, công chức của huyện được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng không đồng đều. Chính vì vậy, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện, trong đó công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung quan trọng.
Luân chuyển cán bộ là tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số có triển vọng phát triển, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn, toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài; bổ sung kịp thời cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là ở các xã khó khăn, góp phần đổi mới sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 14-KH/TU, ngày 4-6-2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, công chức, đảng viên trong huyện, đồng thời xây dựng Kế hoạch số 18-KH/HU, ngày 26-7-2002 để tổ chức triển khai thực hiện.
Trên cơ sở quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà xây dựng kế hoạch luân chuyển gắn với đào tạo cán bộ cho từng giai đoạn, hàng năm đều có sửa đổi, bổ sung sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, phù hợp với quy hoạch cán bộ.
Qua hơn 10 năm thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà đã quyết định luân chuyển 45 cán bộ, công chức, trong đó luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn giữ các chức vụ chủ chốt 34 đồng chí, luân chuyển từ xã, lên huyện 6 đồng chí, luân chuyển giữa các phòng, ban, cơ quan huyện 5 đồng chí. Hiện nay, có 11 cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện đang luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt ở xã, thị trấn, trong đó 4 đồng chí giữ chức vụ bí thư đảng ủy xã, 4 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, 3 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Công tác luân chuyển cán bộ ở huyện Đăk Hà thời gian qua đã góp phần củng cố hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét về phương thức, lề lối làm việc, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ từng bước nâng cao, chính quyền hoạt động hiệu quả, khắc phục dần tình trạng cục bộ, khép kín, hẫng hụt, bị động về công tác cán bộ, chuẩn bị được nguồn cán bộ huyện trước mắt và lâu dài.
Hầu hết cán bộ luân chuyển phát huy tác dụng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành trong công tác. Sau luân chuyển nhiều đồng chí được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt của huyện. Có 8 đồng chí được bầu vào ban chấp hành đảng bộ huyện, 6 đồng chí được bầu vào ban thường vụ huyện ủy, 2 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch ury ban nhân dân huyện, 1 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và 1 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư thường trực huyện ủy, đa số các đồng chí còn lại giữ các chức vụ trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện.
Từ thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, cần nắm chắc chủ trương, mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc trong công tác luân chuyển cán bộ, đồng thời làm tốt công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác luân chuyển cán bộ đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng trong toàn đảng bộ huyện.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, lựa chọn những cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có năng lực trong công tác, có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện. Xây dựng quy hoạch cán bộ phải có tính khả thi cao, đảm bảo cơ cấu, nguồn đưa vào quy hoạch phải dồi dào, không khép kín trong địa phương, cơ quan, đơn vị, hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch kịp thời, thực hiện nghiêm túc quy định công khai trong công tác quy hoạch cán bộ.
Ba là, phải xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ cụ thể, xác định cán bộ được luân chuyển, thời gian luân chuyển, chức danh dự kiến bố trí cán bộ luân chuyển. Kế hoạch này phải phù hợp với quy hoạch cán bộ, gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm tạo sự chủ động trong thực hiện công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn. Triển khai thực hiện kế hoạch phải kiên quyết, thể hiện quyết tâm cao.
Bốn là, khi tiến hành luân chuyển cán bộ phải thực hiện chặt chẽ các khâu trong quy trình công tác cán bộ. Tổ chức gặp gỡ, trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển, làm việc với cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi dự kiến luân chuyển cán bộ đi - đến để quán triệt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đề xuất của cấp ủy, tập thể lãnh đạo để đề ra những giải pháp luân chuyển cán bộ phù hợp nhất, phát huy hiệu quả cao nhất. Tổ chức trao quyết định và giao nhiệm vụ cho cán bộ được luân chuyển, giới thiệu cán bộ luân chuyển với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức ở địa phương, đơn vị có cán bộ luân chuyển đến nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm, tổ chức gặp mặt cán bộ luân chuyển nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở, giúp cán bộ luân chuyển mau chóng tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc, trưởng thành nhanh hơn.
Sáu là, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển như chế độ tiền lương, chế độ hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ hàng tháng, trang bị xe máy công vụ, tạo điều kiện, tham quan học tập kinh nghiệm… góp phần cải thiện đời sống, giúp cán bộ an tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.
Nguyễn Quốc Việt
Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đăk Hà, Kon Tum