Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Quế Sơn đã triển khai xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có triển vọng phát triển từ huyện về xã, thị trấn đảm nhận chức vụ bí thư, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND. Đến nay, đã luân chuyển được 11 cán bộ về công tác tại 11/14 xã, thị trấn. Đa số các đồng chí đều đáp ứng được yêu cầu về độ tuổi, trình độ văn hoá, chuyên môn đào tạo, lý luận chính trị, đạo đức lối sống và có triển vọng phát triển. Qua thời gian công tác tại cơ sở, các đồng chí đã dành nhiều thời gian tiếp cận thực tế, có nhiều nỗ lực cùng tập thể lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị từng bước vững mạnh… được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận. Nhiều đồng chí có cách làm sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc còn tồn tại, nhất là trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản, chính sách người có công, quản lý trật tự xã hội, sắp xếp bố trí cán bộ… Những đóng góp của cán bộ luân chuyển, cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác luân chuyển cán bộ cũng còn bộc lộ những hạn chế, đó là ở một vài địa phương chưa đồng tình cao đối với những đồng chí được huyện luân chuyển về, nhất là người địa phương khác. Một vài cán bộ công tác lâu năm ở địa phương có tâm lý không hợp tác với cán bộ luân chuyển. Cá biệt có nơi cán bộ sở tại có biểu hiện không tôn trọng các đồng chí được luân chuyển. Do vậy, dù có nỗ lực, cố gắng dành nhiều thời gian, đầu tư nhiều công sức nhưng cán bộ luân chuyển chưa thể giải quyết hết được khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra... Với cán bộ luân chuyển, một số đồng chí đôi khi chưa có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo hợp lý, chưa sâu sát nên tạo sự đồng thuận chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Để làm tốt công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số nội dung như sau:
Trước tiên, cần sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm kịp thời phát huy những cán bộ có cách làm hay, mạnh dạn chịu trách nhiệm trước công việc được giao, góp phần tích cực cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đồng thời phân tích chỉ ra những hạn chế để đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác luân chuyển cán bộ.
Hai là, đối với các xã, thị trấn có cán bộ lãnh đạo, quản lý hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức lối sống, có nhu cầu bổ sung cán bộ lãnh đạo thì huyện cần quan tâm thực hiện việc luân chuyển cán bộ về giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt, nhất là vị trí bí thư, chủ tịch UBND. Qua đây tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng thử thách cán bộ, giúp họ trưởng thành về mọi mặt, vững vàng hơn, đáp ứng được yêu cầu về công tác cán bộ của huyện và xã trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời, khắc phục khuynh hướng cục bộ khép kín trong từng xã, thị trấn, cũng như tâm lý thoả mãn, trì trệ của cán bộ cơ sở, không nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ.
Ba là, ở những địa phương nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, Huyện ủy cần tập trung chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, củng cố đoàn kết nhằm tiếp thêm động lực, sức mạnh cho cán bộ luân chuyển phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
Bốn là, cán bộ được luân chuyển phải thực sự khiêm tốn, sâu sát công việc, lắng nghe những đóng góp trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo nhằm tập hợp sức mạnh, tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết công việc có hiệu quả. cán bộ không ngại khó, không ngại va chạm, lăn lộn cùng phong trào, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định của mình, đây là yêu cầu không thể thiếu đối với cán bộ luân chuyển.
Năm là, cần phải có sự động viên, theo dõi, giúp đỡ của cấp trên (Ban Thường vụ Huyện ủy, các ban xây dựng đảng Huyện ủy; UBND và các phòng ban chuyên môn huyện; mặt trận và các đoàn thể huyện), kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, phức tạp ở cơ sở mà các đồng chí đó gặp phải, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyenr hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Ths. Lê Quang Hòa
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Sơn (Quảng Nam)