Đào tạo, sử dụng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số ở Gia Lai
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Gia Lai làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Gia Lai là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm nay việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy và các cấp ủy quan tâm chỉ đạo sát sao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Chủ trương

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị, ngày 14-01-2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 22-NQ/TU về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Nghị quyết yêu cầu công tác quy hoạch cán bộ từ tỉnh đến cơ sở  phải đảm bảo cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Trước đó, từ năm 1998 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 47-CT/TU về việc cơ cấu cán bộ, công chức người dân tộc Ba-na, Ja-rai… trong các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh; đồng thời, xác định các sở, ban, ngành thuộc tỉnh phải bố trí ít nhất 10% và các huyện phải bố trí ít nhất 15% cán bộ, công chức là người dân tộc tại chỗ so với tổng biên chế được giao.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn quy định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010; Chỉ thị tăng cường bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc và tăng cường việc bổ túc văn hóa cho số cán bộ chưa có trình độ chuẩn theo quy định...

Tỉnh đã tăng cường quy mô các trường dân tộc nội trú, chủ động cử học sinh con em người dân tộc thiểu số đi học các lớp cử tuyển tạo nguồn cán bộ có trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu của cơ sở. Đồng thời ban hành các chính sách thiết yếu về đào tạo, hỗ trợ kinh phí đi học nhằm động viên, khuyến khích và giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức yên tâm trong thời gian được cử đi đào tạo.

Kết quả

Tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, 222 xã, phường, thị trấn với  2.154 thôn, làng, tổ dân phố. Trên địa bàn tỉnh có 34 dân tộc, trong đó, dân tộc Jơ-rai, Ba-na, Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường chiểm tỷ lệ lớn...

Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 7.431 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã. Gồm: Cán bộ chuyên trách cấp xã có 2.361 người, trong đó có 1.032 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 43,71%), cán bộ từ 45 tuổi trở xuống có 1.302 người (chiếm 55,15%). Công chức cấp xã có 1.971 người, trong đó 365 công chức là người dân tộc thiểu số (chiếm 18,52%), 1.887 công chức từ 45 tuổi trở xuống (chiếm 95,74%). Cán bộ không chuyên trách cấp xã có 3.099 người, trong đó, có 1.362 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 43,95%), 2.152 cán bộ từ 45 tuổi trở xuống (chiếm 69,44%).

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được củng cố, kiện toàn một
bước, cơ bản đáp ứng đủ về số lượng. Số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị tăng lên đáng kể; năng lực và chất lượng thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên; lề lối, tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân có chuyển biến tích cực. Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở cơ sở chiếm một tỷ lệ khá lớn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong đời sống cộng đồng, có những đóng góp quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều người là nguồn cán bộ kế cận để bố trí lãnh đạo chủ chốt.

Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở trên địa bàn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, nhất là đối với cán bộ không chuyên trách. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trình độ các mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Công tác quy hoạch cán bộ đã cơ bản đảm bảo tỷ lệ về cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ theo quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã tổ chức được 4 lớp cán bộ nguồn đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho 374 em là người dân tộc thiểu số và bố trí công tác ở cơ sở.

Tuy nhiên, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở tuy có số lượng tương đối nhưng chưa đảm bảo về tỷ lệ so về quy mô dân số người dân tộc thiểu số, nhất là trong độ ngũ công chức ở cấp xã. Nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ít, trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng với yêu cầu. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ là người tại chỗ gặp những khó khăn nhất định...

Kinh nghiệm

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền các cấp về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, nhất là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, chú trọng công tác tạo nguồn để bổ sung vào  cấp uỷ, chính quyền cơ sở, kịp thời thay thể những cán bộ lớn tuổi có những hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ.

Hai là, trong công tác tuyển dụng công chức ở cơ sở phải căn cứ nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương để xác định yêu cầu về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ khi tuyển dụng. Đó cũng là cơ sở để xây dựng quy định xét tuyển, cụ thể hóa chế độ ưu tiên tuyển dụng một cách thiết thực, khả thi đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, người tại chỗ.

Ba là, có kế hoạch luân chuyển, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về những xã còn yếu, xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ luân chuyển, tăng cường trong công tác tạo nguồn cán bộ kế cận là người địa phương, người dân tộc thiểu số.

Bốn là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở gắn với tạo nguồn cán bộ để bổ sung, thay thế từ nguồn nhân lực tại chỗ, chú ý con em là người dân tộc thiểu số và cán bộ nữ. Việc lựa chọn nguồn cán bộ để đào tạo phải công minh, đảm bảo tiêu chuẩn; có kế hoạch cụ thể trong bố trí, sử dụng các em sau khi được đào tạo, bồi dưỡng. Có chế độ, chính sách đưa cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đi học nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Năm là, thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn 15-HD/BTCTW, ngày 05-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cũng như trong chuẩn bị nhân sự cấp ủy, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Hằng năm, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Sáu là, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Coi trọng tuyển dụng, bố trí sử dụng số cán bộ là người dân tộc thiểu số có năng lực, được đào tạo cơ bản và mạnh dạn thay thế số cán bộ, công chức hiện không đủ điều kiện đào tạo, chuẩn hóa do trình độ năng lực hạn chế...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất