Nâng cao chất lượng nguồn lực giáo dục ở các trường quân sự
Học viện Phòng không - Không quân vào năm học mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất; nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo”[i].

Tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo (GDĐT) với yêu cầu nâng cao chất lượng 3 nguồn lực cơ bản là: nhân lực, tài lực, vật lực; trong đó, việc xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực giáo dục là nội dung quan trọng.

Đối với Quân đội, việc nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực giáo dục ở nhà trường quân sự là một trong những vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý GDĐT hiện nay, bởi đó chính là nền tảng quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội. Những năm qua, công tác GDĐT trong các nhà trường quân sự đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quyết định nâng cao chất lượng GDĐT cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; chất lượng đào tạo được nâng lên, các bậc học được chuẩn hóa, điều kiện đảm bảo cho GDĐT được quan tâm đầu tư thích đáng; chất lượng các nguồn lực giáo dục như: đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự trong tương lai, việc đổi mới công tác quản lý các nguồn lực giáo dục cần những giải pháp hữu hiệu, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, kế hoạch hóa công tác xây dựng và quản lý các nguồn lực giáo dục ở nhà trường quân sự

Đây là giải pháp quan trọng đối với công tác xây dựng và quản lý các nguồn lực giáo dục, tạo điều kiện trong thực hiện nhiệm vụ GDĐT và quản lý các nguồn lực ở các nhà trường. Nội dung kế hoạch quản lý các nguồn lực giáo dục trong nhà trường quân sự cần phải thể hiện rõ cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước đối với GDĐT, các văn bản pháp quy, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng như: Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi năm 2009), Điều lệ trường đại học, Điều lệ công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong mỗi kế hoạch cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, tổ chức và phương pháp, vật chất bảo đảm theo mục tiêu và đối tượng đào tạo cụ thể của nhà trường. Việc xây dựng kế hoạch quản lý nguồn lực giáo dục của mỗi trường phải được phân cấp, có sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ.

Hai là, kiện toàn biên chế, tổ chức trong trường quân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Đây là giải pháp quan trọng nhằm “chuẩn hoá, hiện đại hoá” các nguồn lực giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. 

Đối với đội ngũ giáo viên và giảng viên: Cần phải có biên chế đủ theo chuyên ngành, chuẩn hóa theo yêu cầu. Tỷ lệ giáo viên và giảng viên có trình độ sau đại học phải đạt 60% trở lên, trong đó có 40% thạc sĩ, 20% tiến sĩ (đối với các học viện); đối với các trường sĩ quan, cao đẳng phải có 30 - 40% giảng viên, giáo viên có trình độ sau đại học, 20 - 30% thạc sĩ, 5 - 10% tiến sĩ. Giáo viên các trường trung học, trường quân sự cần có tỷ lệ 70% đại học, 6 - 10% sau đại học. Đội ngũ giảng viên trường quân sự cần có tiêu chuẩn chức danh và quy định thời hạn xét công nhận chức danh nhà giáo trên cơ sở đó làm quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử đi dự nhiệm, thực tế tại đơn vị. Các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, phân cấp quản lý nhà giáo.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý học viên: Làm tốt công tác dự báo tình hình cán bộ, những biến động, nhu cầu mới về số lượng, loại cán bộ, chất lượng; xây dựng nguồn cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng từ xa, lâu dài, trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lý; việc lựa chọn, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ quản lý theo quy trình thống nhất, chặt chẽ, khách quan theo quy định công tác cán bộ trong quân đội và đặc thù riêng của từng trường.

Bố trí cán bộ quản lý học viên phải phù hợp, phát huy được hiệu quả, là người chỉ huy có năng lực, kinh nghiệm quản lý theo chức trách, nắm vững các phương pháp hành chính, tổ chức, kinh tế, tâm lý xã hội.

Ba là, nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực là yếu tố quyết định, điều kiện tiên quyết cho công tác quản lý các nguồn lực giáo dục ở nhà trường quân sự. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở nhà trường quân sự bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và nghiệp vụ quản lý và quản lý GDĐT; bồi dưỡng về kỹ năng, kinh nghiệm quản lý các nguồn nhân lực; bồi dưỡng sử dụng tin học, ngoại ngữ. Thực hiện tốt kế hoạch hóa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt chú ý đến cán bộ quản lý chỉ huy ở các cấp trong nhà trường, cán bộ quản lý tài chính ngân sách, quản lý trang thiết bị, vũ khí trang bị phục vụ huấn luyện, GDĐT và sẵn sàng chiến đấu. Lựa chọn, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường đảm bảo đúng năng lực, sở trường, phù hợp vị trí công tác được giao.

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có bản lĩnh chính trị vững vàng; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đạo đức trong sáng; vì lợi ích tập thể, không vụ lợi cá nhân; có thái độ tích cực và kiên quyết chống những biểu hiện và hành vi sai trái. Phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ rõ quyền hạn và trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính

Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào trong quá trình GDĐT là rất quan trọng, vì vậy, cần có sự đầu tư thích đáng cho các nhà trường về cơ sở vật chất, phương tiện. Song song với đầu tư ngân sách, các trường cần phát huy ính năng động và tự chủ, tích cực nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học vào quá trình quản lý; tăng cường phương tiện kỹ thuật hiện đại cho quản lý, điều hành huấn luyện; phát triển và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để quản lý từng nội dung trong từng nguồn lực giáo dục.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật gắn với đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ khai thác, sử dụng các phương tiện có hiệu quả cao nhất. Việc mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại cần phải được nghiên cứu kỹ, thực sự hữu ích trong quản lý, chống tham ô lãng phí; tập trung nâng cấp thao trường, bãi tập, thư viện, cơ sở thực hành.

Hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý công tác tài chính, thu - chi tài chính ngân sách; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng, giải ngân, nhất là thanh, kiểm tra tài chính đảm bảo cho công tác xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện dạy học. Quản lý nguồn tài chính ngân sách ở các nhà trường đúng nguyên tắc tài chính, đúng pháp luật, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng các cấp.  Có cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa nguồn tài chính ở nhà trường; xử lý kiên quyết những tập thể, cá nhân vi phạm nguyên tắc tài chính.

Xác định  đúng phương hướng, các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý các nguồn lực là yếu tố quyết định, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT của nhà trường, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện; đào tạo ra đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

------------------------------------

[i] Văn kiện Đại hội đại biểu của Đảng lần thứ XI, Nxb CTQG, tr. 236-237.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất