Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Để lựa chọn, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có “tâm” và đủ “tầm” đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một trong các vấn đề cấp bách là phải “phát huy dân chủ thật sự trong Đảng… Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia như Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã chỉ rõ. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần làm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, thực sự có tính khoa học, tránh tình trạng áp đặt chủ quan, duy tình.
Nhằm đổi mới quy trình lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm chức danh cán bộ, tôi xin nêu lên một số giải pháp sau:
Một là, làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất nhận thức và quy trình chung về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong khối đảng, mặt trận, đoàn thể và chính quyền; tránh tình trạng mỗi cấp, mỗi ngành làm quy trình tín nhiệm khác nhau, không thống nhất. Xây dựng quy chế tuyển dụng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách đồng bộ, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công tâm, trên quan điểm trọng dụng người có tài, có đức thực sự, không quá phụ thuộc vào bằng cấp, cơ cấu, quá trình cống hiến hay thành phần xuất thân…
Hai là, theo phân cấp quản lý cán bộ, cần thành lập hội đồng tuyển chọn (giống như việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng). Hội đồng gồm những người lãnh đạo quản lý cấp trên, cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, chuyên gia đầu ngành, người có kinh nghiệm, nghiệp vụ, có uy tín, công tâm, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong cơ quan và tinh thần sẵn sàng tham gia của cán bộ. Hội đồng tuyển chọn được thành lập có thời hạn và phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ của mình.
Ba là, cán bộ được giới thiệu lấy phiếu tín nhiệm cần trình bày trước hội đồng tuyển chọn cán bộ về kế hoạch, đề án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu được đề bạt, bổ nhiệm. Đây là cơ hội “cạnh tranh lành mạnh” để nhiều cán bộ có chí hướng vươn lên, có điều kiện thể hiện tài năng, phẩm chất và sự hiểu biết về lĩnh vực mình sẽ đảm nhiệm. Đó là động lực thúc đẩy ý chí tự học tập, tự hoàn thiện nhân cách, rất phù hợp với yêu cầu dân chủ hoá trong công tác cán bộ hiện nay.
Bốn là, phiếu tín nhiệm phải thống nhất và cần có 2 cột “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm nên tính trên tổng số người có mặt lấy phiếu tín nhiệm, không nên tính trên tổng số người được triệu tập. Cần mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, không khép kín nhân sự trong nội bộ cơ quan, công bố rộng rãi việc tuyển chọn chức danh lãnh đạo quản lý để mọi cán bộ công chức có đủ năng lực, trình độ tham gia trình bày kế hoạch của mình trước cơ quan quản lý và hội đồng tuyển chọn cán bộ.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay, ngoài việc đổi mới quy trình lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta cần tiến dần đến việc hoàn thiện quy trình thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phải xuất phát từ công việc, từ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chức trách nhiệm vụ và tiêu chuẩn đối với từng chức danh và kết quả đánh giá cán bộ mà lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng chỗ, đúng lúc, đúng sở trường, thực hiện “vì việc mà đặt người”. Không lựa chọn cán bộ vào vị trí mà bản thân cán bộ chưa được học, chưa từng làm, chưa am hiểu. Mạnh dạn đưa những cán bộ trẻ đã được rèn luyện thử thách, được đào tạo và có đủ tiêu chuẩn vào các chức danh lãnh đạo quản lý thích hợp… Có như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ “tài, đức” phục vụ cho sự nghiệp cách mạng cả trước mắt và lâu dài.
Nguyễn Phú Lập
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk