Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn(3).
Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức là quan trọng hàng đầu. Người chỉ rõ, đạo đức là “gốc”, nền tảng của người cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4).
Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kì ở cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”(5).
Theo Hồ Chí Minh, cán bộ phải có đức nhưng cũng phải có tài. Tài của người cán bộ thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, trong đó đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Cùng với đức và tài, người cán bộ còn phải có phong cách công tác quần chúng, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người yêu cầu cán bộ càng phải: “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi..., cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(6).
Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Học tập càng khá, thì giải quyết các vấn đề càng dễ dàng, công việc càng trôi chảy. Để học tập tiến bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học ở nhân dân là một khuyết điểm rất lớn”(7).
Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải làm tốt công tác cán bộ:
Một là, phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ
Theo Hồ Chí Minh muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(8). Theo Người, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học.
Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, địa phương và cơ sở... Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể.
Theo Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, cần phải kiên trì và bền bỉ mới có kết quả tốt. Bởi vì: “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”(9).
Hai là, phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ
Đây là công việc hệ trọng và rất khó. Đánh giá đúng cán bộ là xác định chính xác ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ kém, ai mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào, khả năng hoàn thành công việc đến đâu, quan hệ với quần chúng ra sao... Trên cơ sở đó mà bố trí, sử dụng, đề bạt đúng cán bộ. Muốn hiểu, đánh giá đúng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và tiêu chuẩn này phải luôn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan; không đơn thuần theo bằng cấp, học vị, tuổi tác; không hẹp hòi, định kiến cá nhân.
Về phương pháp đánh giá, Hồ Chí Minh yêu cầu phải đặt cán bộ trong phạm vi công tác và môi trường mà người cán bộ hoạt động. Kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Phải kết hợp nhiều nguồn thông tin để phân tích, chọn lọc một cách khách quan. Nhận xét, đánh giá công khai; đánh giá để giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Để đánh giá đúng cán bộ, người làm công tác cán bộ phải biết tự đánh giá chính mình. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn với các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”(10).
Ba là, phải khéo dùng cán bộ
Khéo dùng cán bộ thể hiện ở chỗ xếp người đúng việc, vì việc mà xếp người. Người căn dặn: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”(11). Người phê bình: “Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người thì hai người đều thành công”(12).
Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết kợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn. Người dạy, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh... Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.
Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài Đảng. Theo Người, bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng..., vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc.
Khéo dùng cán bộ là còn phải mạnh dạn đề bạt những cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn và có triển vọng vào các cương vị lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, phải “có gan cất nhắc cán bộ”
Có gan tức là phải mạnh dạn. Sở dĩ Người nói như vậy vì chúng ta thường hay “rụt rè” hoặc “quá khắt khe” trong việc đề bạt cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, có gan cất nhắc cán bộ nghĩa là người cán bộ được cất nhắc có thể còn điểm yếu, song phải biết được khuyết điểm của họ để sau khi cất nhắc tiếp tục giúp đỡ họ tiến bộ. Có gan cất nhắc là không sợ người được cất nhắc sẽ vượt mình. Có gan không có nghĩa là làm nóng vội, làm ẩu, làm liều, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.
Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà lại gây lên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”(13).
Sau khi cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người còn nhắc nhở: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”(14).
Năm là, phải thương yêu, chăm sóc bảo vệ cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm là đào tạo được một người cán bộ tốt, mà cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới có được. Hơn nữa, trong đấu tranh, có rất nhiều thử thách, nguy cơ dẫn đến mất cán bộ. Vì vậy, Đảng phải yêu thương cán bộ.
Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập, tiến bộ thêm, là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn... Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại không nản, thắng cũng không kiêu”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Vì vậy, đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục để giúp họ sửa chữa, phải có thái độ thân thiết, giúp đỡ và động viên họ hăng hái tiến lên.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là một trong những viên ngọc quý, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đòi hỏi các cấp uỷ đảng cần quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người. “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”(15).
-----
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2004, tập 5, tr.269. (2) Sách đã dẫn (Sđd), tập 5, tr.240. (3) Sđd, tập 6, tr.46. (4) Sđd, tập 5, tr.252-253. (5) Sđd, tập 10, tr.306. (6) Sđd, tập 5, tr.286. (7) Sđd, tập 6, tr.50. (8) Sđd, tập 5, tr.269. (9) Sđd, tập 5, tr.282. (10) Sđd, tập 5, tr.278. (11) Sđd, tập 5, tr.72. (12) Sđd, tập 12, tr.211. (13) Sđd, tập 5, tr.281-282. (14) Sđd, tập 5, tr.282. (15) Sđd, tập 5, tr.273.
Nhâm Cao Thành