Quảng Nam có 9 huyện miền núi, với 102 xã, thị trấn; dân số 290.689 người; có 13.470 đảng viên (6.197 đảng viên người dân tộc thiểu số); 267 tổ chức cơ sở đảng (143 đảng bộ, 124 chi bộ), 1.278 chi bộ trực thuộc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải tặng bằng khen cho TCCSĐ có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở các huyện miền núi, nhiều năm nay, các cấp ủy tỉnh Quảng Nam luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở miền núi
Đào tạo được xem là khâu đột phá trong tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, nhiều năm qua, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn ở các huyện miền núi. Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm học tập, đối với cán bộ, công chức đang công tác tại xã miền núi được cử đi học, ngoài khoản kinh phí do ngân sách tỉnh chi trả, mỗi học viên được hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập. Năm năm qua, 9 huyện miền núi đã đào tạo, bồi dưỡng 3.276 lượt cán bộ, công chức cấp xã, trong đó: 1.499 trung cấp lý luận chính trị, 58 cao cấp lý luận chính trị, 441 đại học chuyên môn, 1.278 trung cấp chuyên môn. Đồng thời, tỉnh phối hợp với Học viện Hành chính mở lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho 1.241 lượt cán bộ, công chức là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã và 7 chức danh công chức cấp xã ở các huyện miền núi.
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về công tác tổ chức xây dựng đảng; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận cho cán bộ hoạt động không chuyên trách làm công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận ở cấp xã. Một số huyện miền núi Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang... liên kết với Trường Đại học Huế và Trường Đại học Đà Nẵng mở các lớp đại học tại chức về quản lý kinh tế nông nghiệp, quản trị kinh doanh cho cán bộ xã theo học.
Một số huyện như Bắc Trà My, Nam Trà My... tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá từ lớp 10 đến lớp 12 cho cán bộ xã, thị trấn để có cơ sở cho đi đào tạo về chuyên môn, chính trị sau này. Kịp thời sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã các huyện miền núi có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng nổ trong công tác, thể hiện được vai trò tham mưu giúp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, kết hợp với giải quyết tốt đầu ra đối với những cán bộ, công chức cấp xã hạn chế năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện tiếp tục công tác, phần lớn cán bộ, công chức trong diện nghỉ chính sách đều đồng tình ủng hộ.
Việc xây dựng chính sách đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã niền núi được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Đã thu hút 77 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc tại xã (trong đó bố trí làm cán bộ chuyên trách 53; bố trí làm công chức chuyên môn 24 người). Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo, tỉnh Quảng Nam có 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn đã tuyển chọn được 30 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND 30 xã.
Cùng với thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ về xã, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (Đề án 500). Đến nay đã tuyển chọn được 274 em tốt nghiệp đại học chính quy cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và kỹ năng cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn tại Trường Chính trị tỉnh. Trong số 274 em toàn tỉnh, 9 huyện miền núi đã tuyển chọn được 62 em, đã bố trí công tác về xã, thị trấn 19 em, còn 43 em đang tiếp tục đào tạo.
Nhờ làm tốt công tác tạo nguồn nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn miền núi của tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Đến 30-12-2012, cán bộ, công chức cấp xã 9 huyện miền núi: 2.071 người, đạt 3 chuẩn 884 người, chiếm tỷ lệ 42,6%, tăng 2,6% so với thời điểm năm 2010. Những người hoạt động không chuyên trách của các xã, thị trấn 9 huyện miền núi: 1.901 người, trong đó đạt 3 chuẩn 239 người, (12,5%), tăng 0,4% so với năm 2010.
Quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở miền núi
Trong 5 năm qua đã tuyển dụng 493 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (157 cán bộ người dân tộc thiểu số bố trí công tác tại các xã, thị trấn và 236 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số bố trí tại 9 huyện miền núi); sinh viên người dân tộc thiểu số học cử tuyển và học chính quy tại các trường đại học đều được bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Chú trọng công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ người dân tộc thiểu số, đã bổ nhiệm 810 đồng chí (trong đó cấp cơ sở 674 đồng chí, cấp huyện 136 đồng chí). Phối hợp thực hiện chủ trương tăng cường 08 cán bộ bộ đội biên phòng về làm phó bí thư cấp ủy xã, phó chủ tịch UBND 08 xã biên giới thuộc huyện Tây Giang. Hiện nay đang xin chủ trương của Trung ương để tăng thêm chức danh phó bí thư, phó chủ tịch UBND các xã biên giới, các xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn ngoài số lượng quy định để giúp các địa phương này có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo kịp với các xã, đồng bằng.
Từ thực tiễn ở Quảng Nam, rút một số kinh nghiệm
Thứ nhất, phải nhận thức trong tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở và sự cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở các huyện miền núi. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi phải gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư trang bị cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, lãnh đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phải làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, chú trọng đào tạo cán bộ là người địa phương. Xây dựng và trang bị đủ về cơ sở vật chất hệ thống trường nội trú các xã, nội trú huyện và nội trú tỉnh, đây là nơi đào tạo nguồn cán bộ cho xã, huyện miền núi. Sau khi các em tốt nghiệp đại học phải có cơ chế, chính sách tuyển dụng, bố trí công tác.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ từ nguồn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học là người dân tộc thiểu số trong cả hệ thống chính trị ở các cấp tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Thứ tư, có cơ chế chính sách ưu đãi và phù hợp, thực hiện đồng bộ và kịp thời. Có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với cán bộ, công chức xã miền núi.
Thứ năm, thực hiện tốt phương châm hướng mạnh về cơ sở các huyện miền núi bằng những hình thức phù hợp. Đồng thời, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở ở các huyện miền núi cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đạt chuẩn theo quy định và thực sự có đức, có tài, có tinh thần tích cực phục vụ nhân dân.
Thứ sáu, phân công cấp ủy, thường vụ cấp ủy theo dõi địa bàn kịp thời nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nhận xét và kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan và từng thành viên lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Giải pháp thời gian tới
1- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở ở các huyện miền núi; ban thường vụ các huyện phải có đề án cụ thể chỉ đạo kiện toàn cấp ủy cơ sở đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đảm bảo năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng cấp ủy hiện có, bố trí phân công cấp ủy viên phù hợp với nhiệm vụ mới.
2- Tiếp tục rà soát lại trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở các huyện miền núi để làm căn cứ xây dựng quy hoạch cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí sử dụng. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã miền núi và thực hiện tốt Đề án 500 của UBND tỉnh. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của già làng và những người có uy tín trong nhân dân bằng cách động viên và có chính sách thoả đáng để họ tích cực vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật; đảm bảo phát huy tính chủ động của từng cụm dân cư.
3- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND, trên cơ sở phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương nhằm giải quyết công việc sát với thực tế hơn. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND các xã miền núi; mở rộng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.
4- Thực hiện có hiệu quả về xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh uỷ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; chăm lo kết nạp đảng viên, nhất là ở những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, phấn đấu không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém, không có thôn, bản trắng đảng viên.
5- Triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia đối với các xã, huyện miền núi; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, nước sạch; xây dựng hệ thống giáo dục từ mầm non đến đến các bậc học phải đạt chất lượng - đặc biệt quan tâm các trường nội trú; xây dựng cơ sở vật chất y tế ở thôn, xã, huyện đảm bảo sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ cho đồng bào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và các làng nghề truyền thống thủ công, mỹ nghệ. Tập trung thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo ở cơ sở các huyện miền núi.
6- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, của ủy ban kiểm tra, kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, giữ gìn kỷ luật và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trần Xuân