Thực hiện hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 (cán bộ Lão thành cách mạng) và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 (cán bộ Tiền khởi nghĩa) đã hy sinh, từ trần. Ban tổ chức cấp ủy huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân biết chủ trương của Đảng về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ, quy trình xét công nhận cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Đồng thời, ban tổ chức cấp ủy huyện (tương đương) đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy cơ sở triển khai, thực hiện bảo đảm việc xét chọn đúng quy trình, công khai, minh bạch, đúng đối tượng được hưởng chính sách theo quy định.
Sau gần 3 năm thực hiện, tính đến tháng 7-2012 ban tổ chức cấp ủy huyện (tương đương) và tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định công nhận 163 trường hợp. Trong đó, có 130 cán bộ Lão thành cách mạng và 33 cán bộ Tiền khởi nghĩa đã huy sinh, từ trần. Tổng số tiền trợ cấp cho 163 đối tượng chính sách hơn 5 tỷ đồng, mỗi trường hợp được trợ cấp từ 25 đến 50 triệu đồng nếu là vợ hoặc chồng, con của đối tượng chính sách và trợ cấp 10 triệu đồng đối với trường hợp là bà con lo việc thờ cúng.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp thực hiện phóng sự về việc thực hiện chính sách này trong chuyên mục Xây dựng Đảng; viết bài về thực hiện Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW trên địa bàn tỉnh, qua đó cung cấp thông tin cho thân nhân biết về chủ trương của Đảng để lập hồ sơ đề nghị công nhận chính sách cho người thân mình. Nhờ đó, nhân dân có thêm kênh thông tin để tiếp cận với chính sách của Đảng và Nhà nước. Những thông tin liên quan được phát sóng, số lượng người có thân nhân thuộc đối tượng được công nhận theo Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW đến liên hệ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và ban tổ chức cấp ủy huyện để tìm hiểu về chính sách và được hướng dẫn về quy trình, thủ tục lập hồ sơ tăng so lên. Đặc biệt, số trường hợp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận trong đợt 5 (đợt gần đây nhất) là 58 trường hợp, chiếm hơn ½ so với tổng số 4 đợt trước.
Đạt được những kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của cấp ủy các cấp, tinh thần trách nhiệm của các thành viên hội nghị liên tịch, xã, phường, thị trấn, của hội đồng tư vấn huyện, thị, thành và tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng với tinh thần trách nhiệm cao của ban tổ chức cấp ủy các cấp và các ngành liên quan trong việc thẩm định, sưu tầm bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ; tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ các cấp trong việc hướng dẫn tận tình cho thân nhân đối tượng chính sách về thủ tục lập hồ sơ.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hồ sơ chưa đủ điều kiện, căn cứ để được công nhận. Nguyên nhân chủ yếu là do hồ sơ không thể hiện ngày cụ thể theo quy định mà chỉ thể hiện tháng tham gia cách mạng (8/1945) hoặc năm tham gia cách mạng (1945); nhiều trường hợp không chứng minh được chức vụ từ tháng 8 năm 1945 về trước đối với cán bộ hoạt động cách mạng không thoát ly. Do đặc thù chiến trường miền Nam lúc bấy giờ rất ác liệt, kéo dài đến ngày 30-4-1975, trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều đồng chí không còn nhớ chính xác ngày, tháng tham gia hoạt động cách mạng, chức vụ lúc đó để ghi vào lý lịch của mình hoặc các trường hợp đã hy sinh sau này gia đình hoặc đơn vị của liệt sĩ đó mới lập hồ sơ đề nghị chứng nhận liệt sĩ, thì không còn nhớ ngày, tháng tham gia hoạt động cách mạng, chức vụ của liệt sĩ từ tháng 8-1945 về trước.
Đây là dịp nhằm tôn vinh, tri ân đối với những người đã cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ tỉnh đối với thân nhân của đối tượng chính sách. Thời gian còn lại để xem xét, công nhận không nhiều do đó các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho người dân biết và rà soát lại các đối tượng để tránh bỏ sót.
Các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở rà soát lại ở địa phương đơn vị mình, những đối tượng đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp còn ở tại địa phương hay đã chuyển đi nơi khác; rà soát lại lịch sử đảng bộ mình, thông qua các đồng chí lão thành cách mạng để nắm lại những đối tượng đó, khi đúng đối tượng thì thông báo cho thân nhân để làm thủ tục đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét, công nhận, đồng thời lưu ý xem xét tìm đủ căn cứ có ngày, tháng, năm tham gia hoạt động cách mạng của các đồng chí này để đưa ra hội đồng thẩm định xem xét, đạt kết quả.
Sơn Tra
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp