Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ban tổ chức cấp huyện ở Đồng Nai
Kiểm tra việc thực hiện Quy định 101 của Ban Bí thư về ban hành quy chế nêu gương đối với cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Đảng ủy xã Phú Tân, huyện Định Quán.

Thực hiện Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, các cơ quan ban tổ chức đã được các cấp ủy quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức và chất lượng. Tổng số cán bộ, công chức (CBCC) của 11 ban tổ chức cấp ủy huyện hiện nay là 76 người, trong đó trưởng ban là ủy viên ban thường vụ cấp ủy huyện, các phó trưởng ban có 01 đồng chí là huyện ủy viên, 100% công chức làm công tác chuyên môn là đảng viên (so với năm 2011 tăng 7,5%); số lượng bảo đảm theo khung quy định (từ 6 đến 8 người), cụ thể: huyện Vĩnh Cửu, huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa mỗi đơn vị có 8 người; các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất mỗi đơn vị có 7 người; các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ mỗi đơn vị có 6 người, riêng huyện Định Quán có 5 người (do yêu cầu nhiệm vụ nên một số cán bộ được điều động bố trí công tác khác).

Nhìn chung, đội ngũ CBCC làm công tác tổ chức xây dựng đảng ngày càng được trẻ hóa (dưới 40 tuổi có 44/76 người, chiếm 57,89%, so với năm 2011 tăng 12,89%), trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị được nâng lên đáng kể, cụ thể: có trình độ đại học trở lên là 75/76 người (chiếm 98,68%, so với năm 2011 tăng 29,88%, trong đó có trình độ sau đại học là 06 người). Về trình độ lý luận chính trị, trung cấp là 25/76 người (chiếm 32,89%, so với năm 2011 tăng 9,14%), cao cấp 43/76 người (chiếm 56,58%, so với năm 2011 tăng 12,89%). Ý thức trách nhiệm của CBCC đối với công việc ngày càng cao; chú trọng đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, ứng dụng sáng kiến, công nghệ phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đây góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cán bộ ban tổ chức cấp huyện của Đồng Nai còn có những hạn chế như: số CBCC được đào tạo chuyên ngành (công tác tổ chức; công tác xây dựng đảng và chính quyền nhà nước) chiếm tỷ lệ khá thấp, hiện nay chỉ có 10/76 CBCC (chiếm 13,16%). Biên chế phân bổ cho các đơn vị chưa phù hợp với khối lượng công việc, yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Còn tình trạng hụt hẫng, thiếu cán bộ; một số đồng chí chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị dẫn đến vi phạm nguyên tắc, quy định... Chính những điều này đã làm cho một số ban tổ chức chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ; chất lượng tham mưu chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa đề xuất được nhiều giải pháp đột phá, mang tính chiến lược trong công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do công tác bố trí cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng còn chưa phù hợp, thiếu tính kế thừa; phân công lao động trong đơn vị chưa thật sự hợp lý; một số đơn vị chưa chú trọng công tác tạo nguồn, do đó gặp khó khăn trong việc tuyển chọn bổ sung cán bộ khi cấp ủy thực hiện việc điều động cán bộ của đơn vị để củng cố, kiện toàn các chức danh chủ chốt cấp ủy ở cơ sở (hiện nay phần lớn cán bộ được điều động, luân chuyển giữ chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn là CBCC công tác tại ban tổ chức). Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở một số ban tổ chức chưa được cấp ủy, lãnh đạo đơn vị quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng chưa đúng mức như thiếu lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đối với từng trường hợp cụ thể, chưa gắn với nhu cầu thực tế của cán bộ cũng như yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ban tổ chức cấp huyện ở Đồng Nai, cần tập trung các giải pháp chủ yếu sau:  

Một là, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ CBCC ở các ban tổ chức; quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao như rà soát, điều chuyển, phân bổ biên chế phù hợp; đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc... Các cấp ủy, lãnh đạo ban tổ chức thường xuyên quán triệt, giáo dục chính trị tư tưởng gắn tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến về tư tưởng, hoạt động của cán bộ để phát hiện xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, mỗi CBCC phải thường xuyên tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, xác định rõ động cơ làm việc để thực hiện nhiệm vụ đúng nguyên tắc, quy định.  

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của cơ quan theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác, đồng thời quy định cụ thể chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của từng CBCC trong cơ quan, phân công lao động hợp lý trong nội bộ ban tổ chức.  

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng; bố trí cán bộ đảm bảo sự ổn định và có tính kế thừa. Các cấp ủy cần quan tâm đến công tác tạo nguồn cán bộ ở các ban tổ chức, tuyển chọn cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp, chú trọng về phẩm chất đạo đức; ưu tiên người có kinh nghiệm làm công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác làm công tác tổ chức của đoàn thanh niên... như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đã nêu rõ: “Xây dựng đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”, là quá trình xây dựng và chuẩn bị đội dự bị tin cậy bổ sung lực lượng cho Đảng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ban tổ chức cần chủ động đề xuất cấp ủy bổ sung kịp thời nguồn nhân lực trong trường hợp điều động, luân chuyển CBCC của các ban tổ chức.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cơ quan và ngoài cơ quan. Trước hết, căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ban tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng CBCC trong cơ quan (về chuyên ngành và lý luận chính trị). Xác định cụ thể đối tượng, lộ trình, có phương án phân công nhiệm vụ hợp lý trong quá trình CBCC tham gia khóa học nhằm bảo đảm cho CBCC hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như bảo đảm hoạt động của cơ quan. Đồng thời thường xuyên nắm tình hình, năng lực đội ngũ CBCC để thực hiện tự đào tạo, bồi dưỡng thông qua chuyển đổi vị trí công tác của CBCC trong cơ quan, việc làm này không những giúp CBCC nâng cao năng lực công tác, chuyên môn, nghiệp vụ một cách toàn diện, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn mà còn giúp phát hiện nhân tố để bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cho đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất