Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)
Đoàn công tác Huyện ủy, UBND huyện Lang Chánh làm việc với lãnh đạo chủ chốt xã Yên Khương
Lang Chánh là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có hơn 7km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Huyện có 11 xã, thị trấn; 33 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với  3.184 đảng viên.

Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Nghị quyết số 04 -NQ/TU ngày 12-3-2012 của Tỉnh ủy Thanh Hóa (khoá XVII) về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020", Ban Thường vụ Huyện ủy Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Theo đó, nhiều chủ trương về công tác cán bộ đã được ban hành như: Quyết định số 312-QĐ/HU ngày 25-5-2012 về việc ban hành Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; Quyết định 586-QĐ/HU ngày 1-4-2014  về quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quyết định 313- QĐ/HU ngày 6-8-2012 về quy chế đánh giá tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quyết định 314- QĐ/HU ngày 6-8-2012 về quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý; Hướng dẫn số 16-HD/HU ngày 10-3-2014 về rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020… Các nghị quyết, quyết định trên được quán triệt đến các cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan đơn vị từ huyện đến cơ sở, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và thực tiễn thực hiện công tác cán bộ trên phạm vi toàn huyện.

Công tác đánh giá cán bộ được Hyện ủy coi trọng đổi mới. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ban xây dựng đảng, các phòng chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy về đánh giá, phân loại 175 cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các xã, phòng, ban, ngành cấp huyện theo tinh thần Nghị Quyết Trung ương 4 (khoá XI). Qua kiểm điểm, phân loại và đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã gợi ý kiểm điểm 4 tập thể và 6 cá nhân, đồng thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo việc kiểm điểm, phân loại và đánh giá cán bộ, công chức. Từ đó, công tác đánh giá cán bộ có sự chuyển biến ở nhiều nội dung và đi vào nền nếp. Công tác đánh giá cán bộ giai đoạn 2010-2015 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện bảo đảm đúng quy trình, khách quan, dân chủ, công khai.

Công tác quy hoạch được tăng cường. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 với yêu cầu bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định với phương châm vừa “mở”, vừa “động” và “liên thông”. Vì vậy, số cán bộ đưa vào quy hoạch bảo đảm tiêu chuẩn, có chiều hướng phát triển tốt, quy hoạch có tính khả thi cao. Căn cứ nguồn quy hoạch và điều kiện thực tiễn, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến năm 2015, huyện đã cử 1 cán bộ đi học bác sĩ chuyên khoa II; 14 cán bộ đi đào tạo trình độ thạc sỹ; 171 cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ đại học chuyên môn; 16 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 235 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị và hàng trăm lượt cán bộ đi bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ… Đến nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ thạc sỹ chuyên môn (đối cấp huyện) và trình độ chuyên môn đại học (đối với cấp xã) của huyện Lang Chánh tăng lên. Cụ thể, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, có 7/13 đồng chí có trình độ thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa II (chiếm 53,85%); 13/13 đồng chí có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị (đạt 100%). Cán bộ do Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý có 14/294 đồng chí có trình độ thạc sỹ (chiếm 4,8%), 176/294 đồng chí có trình độ đại học (chiếm 59,9%). Trình độ, năng lực thực tiễn của cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên.

Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và luân chuyển cán bộ được thực hiện bảo đảm dân chủ, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của huyện và từng địa phương, đơn vị. Huyện ủy đã kiên quyết không bổ nhiệm lại với cán bộ không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ tháng 1-2012 đến nay, huyện đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 65 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhìn chung số cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bảo đảm tiêu chuẩn. Huyện ủy đã điều động, luân chuyển 11 cán bộ từ huyện về đảm nhận các chức danh chủ chốt tại xã, thị trấn, như: Quang Hiến, Đồng Lương, Giao An, Giao Thiện… và luân chuyển giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền trong huyện. Từ năm 2012 đến nay, số cán bộ sau khi luân chuyển về cơ sở đã được Ban Thường vụ Huyện ủy bố trí, sắp xếp phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường và đảm nhận chức danh cao hơn, trong đó 2 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Huyện uỷ, 1 đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện, 1 đồng chí bổ nhiệm Trưởng phòng Nông nghiệp UBND huyện, 1 đồng chí bổ nhiệm Chánh Văn phòng Huyện uỷ...

Bằng nhiều giải pháp trong công tác cán bộ nên huyện Lang Chánh đã khắc phục tình trạng cục bộ khép kín, giảm được sức ỳ và sự thiếu hụt cán bộ chủ chốt; tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn; cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch có điều kiện, môi trường tốt để rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn.

Giai đoạn 2010 đến nay, nhờ làm tốt công tác cán bộ, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực từ tư duy đến hành động, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của huyện ước đạt 13,3%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ XXI đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu hút đầu tư có bước đột phá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ của huyện còn có những hạn chế, như việc tuyển dụng cán bộ có lúc, có nơi chưa bảo đảm yêu cầu. Người được tuyển dụng chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm, nên hiệu quả công việc chưa cao. Quy hoạch cán bộ theo phương châm “động”, “mở” và “liên thông” vẫn còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ được quy hoạch vào cấp uỷ, các chức danh chủ chốt khối xã, thị trấn còn thấp. Việc chọn cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn vẫn còn có trường hợp chưa phù hợp với vị trí công tác và điều kiện địa phương; số lượng cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học còn ít. Cán bộ được đi luân chuyển vẫn chưa yên tâm công tác, còn nhiều khó khăn. Công tác đánh giá cán bộ còn có hiện tượng nể nang, tiêu chí đánh giá còn nặng định tính…

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới, theo chúng tôi, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Lang Chánh cần:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) và các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ về công tác cán bộ, nhằm nâng cao nhận thức cho cấp uỷ, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

Hai là, chủ động trong công tác xây dựng, cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương về công tác cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy khoá XVII.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ bảo đảm vừa đúng quy chế, hướng dẫn của tỉnh và Trung ương vừa phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Nghiên cứu lượng hoá tiêu chí, tiêu chuẩn trong đánh giá cán bộ. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân tham gia nhận xét, đánh giá tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Bốn là, tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện các quy định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và công tác điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ từ huyện về cơ sở và ngược lại, luân chuyển cán bộ chủ chốt từ địa phương này sang địa phương khác. Quan tâm bổ nhiệm cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số đã được đào tạo cơ bản, có năng lực thực tiễn, có triển vọng phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất