Vậy là đã 40 năm, kể từ ngày 1-5-1972 Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Những ngày giữa tháng tư lịch sử này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Trị đang khẩn trương chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị. Về thăm và làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị, chúng tôi đọc thấy trong mắt các đồng chí, đồng nghiệp của chúng tôi niềm vui, tự hào xen lẫn nét suy tư sâu lắng. Đồng chí Hồ Xuân Doàn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị cho chúng tôi biết: 40 năm qua qua, hoà chung vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, cán bộ, đảng viên Ngành Tổ chức xây dựng đảng tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần không nhỏ vào thành công của Quảng Trị hôm nay. Trong đó, phải kể đến công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh…
Kết quả khả quan
Đến nay, Trung ương đã luân chuyển một số đồng chí lãnh đạo các đoàn thể, bộ, ngành, tổng cục về giữ các chức vụ lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị; luân chuyển một số đồng chí lãnh đạo của tỉnh lên giữ chức vụ mới ở các cơ quan Trung ương. Tỉnh đã luân chuyển một số đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương về giữ chức bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; luân chuyển một số đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh ủy, bí thư cấp ủy cấp huyện lên giữ chức ủy viên thường vụ trực tỉnh ủy, trưởng các ban đảng tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí tỉnh ủy viên, bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện lên giữ chức giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương. Huyện, thị xã, thành phố luân chuyển một số cấp ủy viên, trưởng, phó phòng, ban, ngành cấp huyện về giữ chức vụ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã, nhất là những đơn vị, địa bàn trọng điểm hoặc còn khó khăn và ngược lại. Các ngành có đông cán bộ, công chức, viên chức cũng đã tích cực thực hiện luân chuyển (ngành giáo dục luân chuyển được 252 đồng chí, ngành công an: 132, quân đội: 20 đồng chí, ngành tòa án: 30...). Cụ thể, Quảng Trị đã luân chuyển được 497 lượt cán bộ, trong đó Trung ương luân chuyển về tỉnh 4 đồng chí; tỉnh lên Trung ương 12 đồng chí ; tỉnh về huyện: 16; huyện lên tỉnh: 46; huyện về xã: 50; xã lên huyện: 12; huyện này sang huyện khác:1; xã này sang xã khác: 4; luân chuyển trong nội bộ cơ quan, đơn vị: 352.
Số cán bộ được luân chuyển đã khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu, rèn luyện, chủ động tìm tòi, tiếp cận với điều kiện và môi trường làm việc mới, giữ gìn được phẩm chất, thể hiện được năng lực, tích lũy được kinh nghiệm, nhờ đó mà trưởng thành hơn trong công tác. Phần đông cán bộ luân chuyển đã cùng với tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi luân chuyển đến đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng đảng, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển.
Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được các cấp, các ngành tiến hành một cách thận trọng, không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển trong đó xác định rõ đối tượng, phạm vi, biện pháp, lộ trình thực hiện; tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch; xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, bố trí công việc cho phù hợp. Trước khi quyết định luân chuyển, cấp ủy, tập thể lãnh đạo đều chủ động làm tốt công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên được luân chuyển, cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển đến thông suốt về quan điểm, thống nhất về nhận thức để tự giác, quyết tâm và nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển của tổ chức.
Trong quá trình thực hiện, luân chuyển cán bộ ở đây được tiến hành khoa học, công khai, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc, có chú ý đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, đơn vị và giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn; không những luân chuyển cán bộ theo hướng bố trí đảm nhận chức vụ cao hơn, mà còn thực hiện luân chuyển ngang, luân chuyển đến những nơi có môi trường công tác khó khăn hơn; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa đảm bảo mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Đi đôi với việc thực hiện luân chuyển, các địa phương, đơn vị cũng đã ban hành chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển nhằm động viên và giúp cán bộ khắc phục một phần khó khăn phát sinh do xáo trộn sinh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi công tác mới.
Hầu hết số cán bộ cấp tỉnh sau khi luân chuyển đã được bố trí, sử dụng vào các vị trí cao hơn hoặc tương đương. Thực tế cho thấy, nhiều đồng chí hiện là cấp uỷ viên, uỷ viên thường vụ cấp uỷ và lãnh đạo các địa phương, sở, ngành, đoàn thể đều đã trải qua quá trình luân chuyển công tác. Nhờ vậy, họ đã đáp ứng một phần yêu cầu tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương, đơn vị; giúp cho cán bộ tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực tiễn và tính toàn diện; góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín.
Quảng Trị bước đầu thực hiện khá tốt việc bố trí lãnh đạo các đơn vị công an, quân sự, kiểm sát, toà án không phải là người địa phương; tích cực giúp các địa phương, đơn vị ổn định nội bộ, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ phấn đấu, trưởng thành, bổ sung, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ và bảo đảm cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn. Luân chuyển cán bộ đang trở thành một khâu đột phá trong công tác cán bộ, góp phần đổi mới và thúc đẩy công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ của tỉnh, tạo dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên những thành công
Bên cạnh những kết quả khả quan trên, công tác luân chuyển cán bộ của Quảng Trị không tránh khỏi những hạn chế.
Thứ nhất, nhận thức của một số nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác luân chuyển cán bộ chưa thấu đáo, tình trạng nhầm lẫn giữa luân chuyển và điều động còn xảy ra; có nơi khi cấp trên luân chuyển về thì thắc mắc làm vậy là thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ; cán bộ chính quyền ngại luân chuyển qua khối đảng, đoàn thể; cán bộ cấp trên ngại luân chuyển về cấp dưới; có những trường hợp không muốn luân chuyển hoặc chấp hành miễn cưỡng theo sự phân công, quyết định của tổ chức; cá biệt có đơn vị sau khi luân chuyển có biểu hiện thiếu đoàn kết, thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo.
Thứ hai, một số địa phương, đơn vị chỉ dừng lại ở khâu quán triệt nghị quyết, chưa xây dựng được kế hoạch, đề án luân chuyển, hoặc có xây dựng nhưng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra còn chung chung, chưa gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, chưa sát với tình hình thực tiễn, chậm, lúng túng trong triển khai thực hiện; một số cán bộ được luân chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành... Những điều này làm cho công tác luân chuyển cán bộ hiệu quả chưa cao, mới chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, chưa trở thành nền nếp thường xuyên trong Đảng và trong hệ thống chính trị.
Thứ ba, luân chuyển mới tập trung ở cấp tỉnh, cấp huyện, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và chủ yếu luân chuyển trên xuống; luân chuyển ngang còn rất ít; luân chuyển từ huyện, xã này sang huyện, xã khác còn hạn chế; luân chuyển chủ yếu là nam giới, chưa chú trọng luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chưa tin tưởng, mạnh dạn luân chuyển cán bộ trẻ nên số cán bộ này được luân chuyển chưa nhiều. Chưa thực hiện được mục tiêu trong Đề án của Tỉnh ủy: "phấn đấu đến năm 2005 trở đi, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nói chung phải qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Các huyện, thị xã, thành phố đều có người ngoài địa phương thuộc các chức danh do Trung ương quy định" và "lựa chọn một số trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh có triển vọng phát triển, tuổi dưới 40 về các huyện, thị xã, thành phố bố trí các chức vụ phó chủ tịch UBND, trưởng các phòng cấp huyện".
Thứ tư, luân chuyển cán bộ về cấp xã vẫn còn có những vướng mắc nhất là cơ chế chính sách, biên chế do cấp xã cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ lãnh đạo, quản lý có số lượng rất ít, mỗi tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, chức danh công tác chỉ có từ 1 đến 2 người, cán bộ chuyên trách chỉ có 1, còn lại là cán bộ bán chuyên trách. Hơn nữa, một số chức danh bổ nhiệm phải tiến hành bằng hình thức bầu cử nên xu hướng luân chuyển từ huyện về xã thực hiện chưa đồng bộ, tỷ lệ cán bộ luân chuyển còn ít so với yêu cầu đặt ra. Đây là một vấn đề khó khăn và phức tạp mà tỉnh Quảng Trị đang gặp phải.
Thứ năm, có trường hợp bố trí công tác khi luân chuyển và sau khi hoàn thành luân chuyển chưa phù hợp; thời gian luân chuyển quá ngắn, chưa đủ để cán bộ triển khai thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ có tính lâu dài ở địa phương, đơn vị, hoặc quá dài ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ. Chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển còn nhiều bất cập, chỉ hỗ trợ cán bộ luân chuyển xuống, chưa xem xét hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển lên, chưa có những chính sách thoả đáng cho cán bộ luân chuyển xuống các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; điều kiện ăn, ở của cán bộ luân chuyển chưa được quan tâm đúng mức.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
1. Làm tốt công tác tổ chức quán triệt, công tác tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cơ quan trực tiếp làm công tác tổ chức cán bộ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc của việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ đó xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự đoàn kết, công tâm, khách quan và giữ vững các nguyên tắc công tác cán bộ của Đảng.
2. Không ngừng mở rộng dân chủ, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và căn cứ vào thực tiễn phong phú của nhân dân để đúc rút kinh nghiệm, phát hiện nguồn; khắc phục tình trạng định kiến hẹp hòi đối với cán bộ, tình trạng cục bộ, địa phương, ngành ngay trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phải vừa làm tốt công tác động viên, khuyến khích tính tự giác của cán bộ, đảng viên; vừa yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành quyết định của tổ chức.
3. Xác định rõ cơ cấu tổ chức và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Phải xây dựng kế hoạch với lộ trình và bước đi cụ thể, vừa bảo đảm tính ổn định và phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quy trình quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng, không làm ồ ạt, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất cao giữa các cấp, các ngành trên cơ sở căn cứ vào năng lực, sở trường của cán bộ.
4. Công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với công tác nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, phải đánh giá đúng đội ngũ cán bộ để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch cán bộ cũng như thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ; quy hoạch cán bộ là nền tảng, phải thường xuyên xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch để làm căn cứ cho điều động, luân chuyển cán bộ; luân chuyển cán bộ là đột phá góp phần đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.
5. Có chế độ, chính sách hợp lý, thỏa đáng đối với cán bộ luân chuyển và cán bộ điều động để phục vụ luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến những vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ đến nhận công tác ở đơn vị mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sớm bổ nhiệm, đề bạt, bố trí giữ chức vụ cao hơn, nâng lương trước thời hạn… Mặt khác, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh những cán bộ không chấp hành quyết định của tổ chức mà không có lý do chính đáng hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với những thành công đã đạt được, hy vọng rằng cán bộ nơi đây sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương, đưa Quảng Trị đi ra từ chiến tranh, phát triển kinh tế xứng tầm với vai trò và vị trí của mảnh đất anh hùng. Trong chiến tranh, Quảng Trị, thành đồng của Tổ quốc, trong thời bình, Quảng Trị là mảnh đất vươn lên với sức sống bất diệt như cây non trên vùng đất màu mỡ phù sa.
Lan Phương