Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở Cà Mau
CBPV Tạp chí Xây dựng Đảng làm việc tại đất Mũi, Cà Mau. Ảnh: Thu Huyền
Cà Mau hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 1 thành phố); 101 xã, phường, thị trấn (82 xã, 10 phường, 9 thị trấn); 948 ấp, khóm. Cán bộ chuyên trách cấp xã có 1.114 người, công chức 755 người, cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn là 1.763/2.043 người (thiếu so chỉ tiêu được giao), cán bộ không chuyên trách ở ấp, khóm 2.754 người. Ngoài quy định của Chính phủ (mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí 19 cán bộ; ấp, khóm 3 cán bộ không chuyên trách), tỉnh còn bố trí thêm mỗi xã, phường, trị trấn 1 phó chủ tịch mặt trận và 23 xã, thị trấn ven biển mỗi đơn vị 1 phó trưởng công an.

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đội ngũ này quyết định chất lượng mọi hoạt động cũng như chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, do đó các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, áp dụng nhiều giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Yêu cầu đặt ra là phải thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; đổi mới tư duy và cũng là thực hiện bước đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cà Mau phấn đấu tất cả cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn ở cơ sở phải có trình độ cao đẳng hoặc đại học; có nghiệp vụ về quản lý nhà nước; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, thành thạo tin học, có vốn ngoại ngữ cơ bản.

Từ khi quán triệt và thực hịên Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ đến nay, Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ xây dựng các phương án cụ thể về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong đó, chú trọng phương án về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài. Qua chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị và 9/9 huyện, thành phố đã điều tra, rà soát, phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở, xây dựng phương án, cụ thể hóa thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở phù hợp với thực tế đơn vị mình. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ cơ sở ở Cà Mau đã từng bước phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở đã tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 76,94%; chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 68,89%; lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên chiếm 79,30%. Cán bộ không chuyên trách cấp xã và ở ấp, khóm tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 37,42%; chuyên môn từ sơ cấp trở lên chiếm 22,25%; lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên chiếm 37,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đội ngũ cán bộ công chức cơ sở ở Cà Mau vẫn còn bộc lộ những điểm yếu và bất cập trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của đất nước. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở còn 31,11% chưa qua đào tạo chuyên môn; 20,70% chưa qua đào tạo lý luận chính trị), chủ yếu là đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học. Phần lớn số cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp, khóm chưa được đào tạo cả về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước (cán bộ không chuyên trách cơ sở còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông là 62,58%; chưa qua đào tạo chuyên môn  77,75% và chưa qua đào tạo về lý luận chính trị 62,80%). Năng lực quản lý, lãnh đạo của một bộ phận cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức trong đội ngũ cán bộ cơ sở không đồng đều, thiếu chủ động sáng tạo, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chính sách của cấp trên vào thực tế từng đơn vị. Còn một số cán bộ chưa nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật khi thực thi nhiệm vụ; một bộ phận sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, có biểu hiện quan liêu, mất dân chủ, xa dân, gây phiền hà nhân dân.

Những hạn chế, bất cập trên, một mặt là do công tác quản lý cán bộ ở cơ sở có mặt, có lúc chưa tốt, chậm đổi mới. Mặt khác, nhận thức về công tác tổ chức, cán bộ của một số cấp ủy, chính quyền chưa đúng, chưa đủ, chưa sâu sát, nên việc chỉ đạo các khâu trong công tác tổ chức, cán bộ thiếu tích cực, thiếu chặt chẽ, chưa thể hiện tinh thần “động” và “mở” trong công tác quy hoạch cán bộ ở cơ sở. Nguồn cán bộ ở nhiều cơ sở hạn hẹp và còn khép kín; chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, chậm có biện pháp khắc phục những yếu kém, bất cập, hiệu quả chưa cao. Số cán bộ là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đa số còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều trở ngại. Chính sách tiền lương đối với cán bộ cơ sở chưa hợp lý, do vậy không khuyến khích tinh thần tích cực tự học tập nâng cao trình độ và ý thức phấn đấu vươn lên của cán bộ cơ sở.

Để chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở Cà Mau ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần nhận thức đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở, thấy rõ yêu cầu và tính cấp bách của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này. Tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó làm tốt công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo từng chức danh cụ thể; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch.

Hai là, cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ cấp trên cần hướng dẫn các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách dân chủ, công khai, đảm bảo đúng đối tượng và nhu cầu chuyên môn cần đào tạo, tránh chạy theo số lượng; tích cực thực hiện việc trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá và từng bước nhất thể hoá cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc bố trí, sử dụng số học viên đã tốt nghiệp các lớp đào tạo nguồn cán bộ cho xã. Tỉnh cần vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng sau đào tạo.

Ba là, tỉnh, huyện, thành phố có kế hoạch tiếp tục tăng cường cán bộ về những cơ sở còn nhiều cán bộ chưa đạt chuẩn, nơi có tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, yếu kém để vừa củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, vừa tạo điều kiện cho số cán bộ chưa đạt chuẩn đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tuyển chọn đưa 50 cán bộ trẻ, có trình độ đại học về làm cán bộ chủ chốt các xã khó khăn về cán bộ.  

Bốn là, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên; tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của trường phổ thông dân tộc nội trú, lựa chọn những thanh niên là người dân tộc Khmer có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ ở những nơi có đông đồng bào Khmer. Đồng thời đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với từng đối tượng, đi sâu phần thực hành các kỹ năng xử lý tình huống đặt ra hàng ngày ở cơ sở.

Năm là, cần thực hiện nền nếp việc đánh giá, nhận xét cán bộ, quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ phải khách quan, tránh cục bộ, hẹp hòi, đảm bảo dân chủ, công khai; lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ, phản ánh đúng thực chất ưu, khuyết điểm của cán bộ. Trên cơ sở đó, rà soát lại quy hoạch, mạnh dạn bổ sung kịp thời những nhân tố mới, có triển vọng; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực, giảm sút ý chí phấn đấu.

Sáu là, Trung ương cần sớm điều chỉnh chế độ, chính sách để thu hút, khuyến khích người giỏi, người tài về công tác ở cơ sở; nâng mức kinh phí hoạt động của cấp ủy, mức phụ cấp các chức danh, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, nhất là cán bộ cơ sở là những người hoạt động không chuyên trách, người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, đặc biệt là vùng sông nước đặc thù của tỉnh Cà Mau.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất