Phát triển nguồn nhân lực trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI
Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã cụ thể hóa, bổ sung, phát triển và làm sáng tỏ thêm một số nội dung mới. Thể hiện ở những điểm sau:

Một là, đặc trưng về con người XHCN nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) được diễn đạt gọn hơn song vẫn bảo đảm đúng bản chất xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng. Đó là: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.   

Để phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thực hiện được mục tiêu phát triển con người mà Cương lĩnh 2011 đề ra, Đảng ta nhấn mạnh: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. Quan điểm này là sự tiếp nối tư tưởng nhất quán của Đảng, coi con người là chủ thể và là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mọi quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới mục tiêu nhân văn cao cả là vì con người.

Điểm mới trong tư duy của Đại hội Đảng lần thứ XI là, một mặt, khẳng định vai trò chủ thể của con người. Mặt khác, chỉ rõ để con người có điều kiện phát triển toàn diện và thực sự là chủ thể, cần phải có cơ chế thích hợp. Cơ chế đó là mở rộng dân chủ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. Bởi lẽ, dân chủ là một trong những điều kiện căn bản nhất để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Đồng thời, một khi dân chủ được bảo đảm đầy đủ sẽ tạo ra sự đồng thuận xã hội cao, đó là yếu tố không thể thiếu để tạo động lực phát triển đất nước.

Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020.

Đại hội Đảng lần thứ X (2006) đã chỉ rõ, để thực hiện thắng lợi công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với kinh tế tri thức phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tức là, chuyển hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo chiều rộng sang chiều sâu, coi trọng và gia tăng chất lượng của nguồn nhân lực. Song, Đại hội Đảng lần thứ X cũng như các kỳ đại hội trước chưa xác định đó là khâu đột phá, là những khâu trọng yếu của sự phát triển. Lựa chọn đúng khâu đột phá sẽ tạo ra những tiền đề, những điều kiện và môi trường thuận lợi để giải phóng mọi tiềm năng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.  Trong ba khâu đột phá chiến lược mà Đảng ta xác định thì “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được xem là khâu đột phá thứ hai.

Ba là, phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.

Trong điều kiện khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng, những nước có trình độ phát triển thấp vẫn có thể tận dụng thời cơ, ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại để vươn lên tránh nguy cơ tụt hậu và tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững. Điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu có sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư gia tăng nhanh chóng chất lượng nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. 

Đối với Việt Nam, một nước có xuất phát điểm thấp thì sự gắn kết này là yêu cầu nghiêm ngặt và càng phải được coi trọng, thậm chí là vấn đề sống còn của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Do vậy, “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một nội dung mới thể hiện tính hướng đích của Đảng ta trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững.  

Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu ra giải pháp cơ bản để phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao:

1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới.
 
Tiếp tục cụ thể hoá quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ X (2006) về sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới, Đại hội XI đã nêu ra những tiêu chí, những chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần phải chăm lo xây dựng để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Những chuẩn mực đó là: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”, có khả năng sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình lao động sản xuất và quản lý.

Yêu nước là truyền thống quí báu của dân tộc ta từ ngàn xưa và đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Hiện nay, truyền thống yêu nước của dân tộc càng phải được giữ gìn, phát huy và bổ sung thêm những nội dung mới. Đó là không cam chịu đói nghèo, là phải xây dựng đất nước phồn vinh, để “sánh vai với các cường quốc năm châu” và phải có tinh thần quốc tế chân chính. Trong thời đại hiện nay, hoạt động lao động sản xuất nếu không được đào tạo mà chỉ bằng kinh nghiệm, bằng vốn sống thì năng suất lao động sẽ hạn chế, kém hiệu quả.

Vì vậy, con người Việt Nam trong thời đại mới phải nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân để không ngừng học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, nhất là phải có khả năng làm chủ khoa học - công nghệ, vận dụng đúng đắn, thành thạo các kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại, các tri thức khoa học để lao động sản xuất giỏi. Hơn nữa, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao, với cường độ lao động lớn, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực đủ sức lao động trong môi trường cạnh tranh gay gắt.

Con người Việt Nam hiện nay ngoài lao động giỏi, trình độ cao..., còn phải coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lý tưởng. Để phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về lượng và chất, Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: “Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Việc khẳng định đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu then chốt xuất phát từ thực trạng giáo dục - đào tạo của Việt Nam và yêu cầu mới của thời đại đối với giáo dục - đào tạo.

Trong nhiều năm qua, mặc dù giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định, song nhìn chung, giáo dục Việt Nam chưa theo kịp trình độ phát triển của giáo dục thế giới, thậm chí nhiều tiêu cực nảy sinh và phát triển trong hệ thống giáo dục. Do vậy, đây là điểm nút cần phải được tháo gỡ và chỉ khi nào giải quyết tốt điểm nút này thì giáo dục Việt Nam mới có điều kiện và môi trường pháp lý để phát triển lành mạnh. Đội ngũ giáo viên các cấp và cán bộ quản lý giáo dục là những chiếc “máy cái” trong hệ thống giáo dục. Chất lượng, nhân cách, phẩm chất đạo đức và lý tưởng của đội ngũ này như thế nào ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến sản phẩm mà họ đào tạo ra - đó chính là những con người, những công dân xây dựng xã hội. Do vậy, phát triển đội ngũ này một cách toàn diện thực sự là một trong những khâu then chốt hàng đầu.

2. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Chất lượng của nguồn nhân lực phải được đánh giá một cách toàn diện cả về thể lực, trí tuệ, đạo đức, nhân cách, phẩm chất... của con người.

Đảng ta khẳng định: “Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”. Trong đó, lĩnh vực y tế đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Do vậy, tại Đại hội này, Đảng ta đã tập trung chỉ đạo sát sao và cụ thể hóa hơn hoạt động của lĩnh vực này, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt và cường độ lao động cao.

Trong xã hội hiện nay, còn một bộ phận nhân dân đời sống còn rất nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa tương thân, tương ái của người Việt Nam, Đảng ta khẳng định, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn, rủi ro trong đời sống.

Một hệ thống các quan điểm và chính sách tương đối đồng bộ và toàn diện đã được đề cập, làm cơ sở cho việc phát triển một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội hiệu quả, bền vững để phát triển nguồn nhân lực nhanh và bền vững.

Những điểm mới trong tư duy của Đảng về chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam được nêu trong Đại hội Đảng lần thứ XI, một mặt là sự tiếp nối những quan điểm, tư tưởng nhất quán của Đảng về vấn đề này tại các kỳ đại hội trước, mặt khác, là sự bổ sung, phát triển, cụ thể hóa hơn để triển khai có hiệu quả trong thực tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất