Những năm qua, công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cơ sở ở Quảng Ngãi luôn được các cấp ủy đảng quan tâm củng cố, kiện toàn, nhờ đó đã từng bước khắc phục khó khăn, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Tuy số đông các xã, phường, thị trấn đã có nhiều nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn còn một số xã yếu kém, trì trệ kéo dài; kinh tế chậm phát triển, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động đạt hiệu quả thấp.
Những hạn chế, tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành yếu, nhiều vụ việc tồn đọng, phát sinh trên địa bàn không đủ khả năng xử lý, giải quyết.
Do đó, việc điều động, luân chuyển một số cán bộ ở cấp huyện để tăng thêm 1 cán bộ lãnh đạo chủ chốt đối với cấp xã có khó khăn về cán bộ là yêu cầu cấp thiết, nhằm góp phần khắc phục tình trạng nêu trên. Đồng thời qua đó rèn luyện, thử thách từ thực tiễn cho số cán bộ trẻ ở cấp huyện.
Thực trạng ở Quảng Ngãi hiện nay, số lượng cán bộ chủ chốt ở xã có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng so với trước, có nơi cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn trên đại học. Đạt kết quả như vậy là do các huyện ủy, thành ủy đã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo ở xã.
Tuy nhiên, về thực chất thì chất lượng cán bộ ở xã trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều mặt bất cập. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ ít; cán bộ chủ chốt ở nhiều xã, nhất là ở các xã miền núi chưa qua đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị, tuổi đời cao, năng lực lãnh đạo yếu nhưng không có cán bộ tại chỗ để thay thế. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thấp. Một bộ phận cán bộ chủ chốt được đào tạo nhưng chưa phát huy tốt khả năng công tác, năng lực vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết cấp ủy cấp trên còn yếu. Một số đồng chí chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo yếu nhưng chưa có cơ chế bố trí cán bộ thay thế.
Mục đích của việc luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện để tăng thêm 1 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho những xã khó khăn về cán bộ là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thông qua luân chuyển, điều động để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách đối với cán bộ cấp huyện, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh và toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài.
Yêu cầu đặt ra là kết hợp luân chuyển, điều động với thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở xã phù hợp với trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của tập thể cấp ủy và chính quyền địa phương. Không làm tăng thêm biên chế của huyện và xã, bảo đảm cơ cấu chức danh và đóng bảo hiểm xã hội đúng theo chức danh được quy định; bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ được luân chuyển, điều động.
Luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện để tăng thêm 1 cán bộ chủ chốt ở xã để bố trí vào một trong các chức danh sau: bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã (các chức danh khác thực hiện luân chuyển theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý). Căn cứ vào nhu cầu thực tế, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy thực hiện việc luân chuyển, điều động tăng thêm 1 cán bộ chủ chốt cho mỗi xã. Số xã được tăng thêm cán bộ không vượt quá 30% số xã của huyện, thành phố. Việc luân chuyển, điều động cán bộ của huyện, thành phố về xã này kết thúc vào năm 2020.
Việc luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện để tăng thêm 1 cán bộ chủ chốt cho xã phải xuất phát từ nhu cầu thực tế khó khăn về cán bộ của xã; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho cấp huyện. Coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ luân chuyển, điều động thông suốt về tư tưởng, thống nhất về nhận thức để tự giác, quyết tâm thực hiện; vừa làm tốt việc động viên, khuyến khích tính tự giác của cán bộ, vừa yêu cầu cán bộ nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển, điều động của tổ chức. Ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín cán bộ được luân chuyển tới, hoặc lợi dụng việc luân chuyển, điều động để đưa cán bộ trung thực, thẳng thắn, có năng lực nhưng không hợp với mình đi nơi khác. Việc luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện để tăng thêm một cán bộ chủ chốt ở cấp xã phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến. Không luân chuyển, điều động về xã những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín thấp, không có triển vọng phát triển, không có khả năng giúp xã vượt qua khó khăn để phát triển. Đối với các chức vụ luân chuyển, điều động tăng thêm phải thông qua bầu cử thì cấp ủy đảng phải lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối tượng, thời hạn luân chuyển, điều động là cán bộ cấp trưởng, phó phòng và tương đương; chuyên viên được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý hiện đang công tác ở khối đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cấp huyện thực sự có năng lực, khả năng lãnh đạo, quản lý đưa xã khó khăn phát triển, có tuổi đời dưới 35 tuổi. Thời hạn luân chuyển nói chung từ 3 năm trở lên, tối đa không quá 5 năm. Trường hợp cần thiết, do nhu cầu của việc sắp xếp, bố trí cán bộ, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy có thể quyết định điều động về huyện, thành phố sớm hơn thời hạn trên nhưng không dưới 2 năm tính từ thời điểm thực hiện quyết định luân chuyển. Trường hợp thật cần thiết, có thể điều động cán bộ là cấp trưởng, cấp phó phòng huyện, có năng lực, nhiệt tình, uy tín, còn tuổi công tác ít nhất là 3 năm trở lên về xã để công tác đến khi nghỉ hưu.
Chế độ, chính sách cho cán bộ luân chuyển, điều động, nếu cán bộ được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng; nếu phụ cấp chức vụ tại vị trí công tác mới cao hơn phụ cấp chức vụ hiện hưởng thì hưởng theo phụ cấp của vị trí công tác mới. Trường hợp được luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển. Nếu phụ cấp chức vụ tại vị trí công tác mới cao hơn phụ cấp chức vụ hiện hưởng thì hưởng theo phụ cấp của vị trí công tác mới. Đối với cán bộ, công chức thuộc các ngành đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định, khi được điều động, luân chuyển thì được hưởng khoản phụ cấp tương đương với khoản phụ cấp thâm niên nghề đang hưởng và không tính đóng BHXH, BHYT. Được hưởng các chính sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của tỉnh được điều động, luân chuyển của tỉnh và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Được địa phương nơi tiếp nhận công tác tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác và sinh hoạt. Ngoài ra, tùy theo khả năng kinh phí của huyện, thành phố có thể hỗ trợ sinh hoạt phí và chi phí đi lại cho cán bộ luân chuyển, điều động nhằm động viên cán bộ an tâm công tác.
Sau thời gian luân chuyển, điều động, cán bộ được luân chuyển, điều động làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển, điều động trước tập thể đảng ủy mở rộng và đảng ủy xã; tập thể đảng ủy xã nhận xét, đánh giá và báo cáo bằng văn bản với ban thường vụ huyện ủy, thành ủy để xem xét, kết luận.
Võ Ngọc Thạch
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi