Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Điện Bàn nhiệm kỳ 2015-2020.
Từ thực tiễn
Công tác tổ chức, cán bộ được các cấp ủy đảng triển khai thực hiện khá đồng bộ, với nhiều giải pháp cụ thể, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Thị ủy đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU gắn với tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU; ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đảng ủy trực thuộc; ban hành Hướng dẫn và thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ thị xã và cấp cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW và Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị.
Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với các khâu trong công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, nền nếp, phản ánh đúng thực trạng đội ngũ cán bộ công chức của thị xã và cấp cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được chú trọng (nhiệm kỳ 2010-2015, đã cử 379 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo chuyên môn, trong đó: trung cấp 37 đồng chí; cao đẳng, đại học 325 đồng chí; thạc sỹ 17 đồng chí; cử 651 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo lý luận chính trị, trong đó: sơ cấp 246 đồng chí, trung cấp 336 đồng chí, cao cấp 39 đồng chí). Theo đó, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, đại đa số cán bộ phát huy tác dụng trong thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt. Có 100% cán bộ chủ chốt của thị xã có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị và trình độ chuyên môn đại học và sau đại học; cán bộ trưởng, phó các phòng, ban và tương đương có trình độ đại học và trên đại học chiếm 91,4% (tăng 16,8% so với đầu nhiệm kỳ), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt gần 100% (tăng gần 20% so với đầu nhiệm kỳ); đội ngũ cán bộ, công chức thị xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trên đại học đạt trên 84,1% (trong đó thạc sỹ chiếm 6,2%); cán bộ, công chức xã, phường đạt 3 chuẩn 74,1% (tăng 15,4% so với đầu nhiệm kỳ). Đã điều động, luân chuyển một số cán bộ thị xã về giữ các chức danh chủ chốt xã, phường để bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực tiễn. Một số cán bộ sau thời gian luân chuyển đã có bước trưởng thành về nhiều mặt và được bố trí giữ chức vụ cao hơn. 40 cán bộ được tuyển dụng, cử đi đào tạo và bố trí công tác ở xã, phường theo Đề án 500 của tỉnh đã phát huy tác dụng. Nhiều đồng chí được quy hoạch, bố trí vào các chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở, được bầu vào cấp ủy xã, phường nhiệm kỳ 2015-2020. Ngoài ra, thị xã tuyển dụng 18 cán bộ là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi về công tác ở các cơ quan đảng, mặt trận, đoàn thể thị xã để tạo nguồn cán bộ.
Những kết quả đạt được đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thị ủy Điện Bàn về công tác cán bộ. Tuy nhiên, công tác cán bộ của Điện Bàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động công tác xây dựng đảng. Kiến thức, năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức có mặt hạn chế. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi và cán bộ có trình độ chuyên sâu, có khả năng phân tích, dự báo và xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa phương.
Đánh giá cán bộ vẫn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch ở một số cấp ủy cơ sở chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương và năng lực thực tiễn của cán bộ, dẫn đến một số đề án quy hoạch còn hình thức, chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa bảo đảm cơ cấu và tầm nhìn xa. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thực hiện theo quy hoạch, chưa gắn với nhu cầu, kế hoạch sử dụng cán bộ, đào tạo cán bộ chủ yếu để đạt yêu cầu về chuẩn hóa cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng còn ít, khép kín. Một số cơ quan, đơn vị tuyển dụng cán bộ có trình độ đại học tại chức hoặc cán bộ có trình độ đại học ở các trường uy tín thấp, không đúng chuyên ngành; vì người mà tuyển dụng, chưa mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, nữ có trình độ chuyên môn...
Đến nhiệm vụ đặt ra
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng chính quyền đô thị và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thời gian tới Thị ủy Điện Bàn xác định thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có thể lực tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã; có trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hóa công sở và đạo đức công vụ.
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức. Trong đánh giá cán bộ cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, trung thực, công tâm, khách quan và trên tinh thần thương yêu bảo vệ cán bộ. Lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cần phải “đúng người, đúng việc và đúng thời điểm” mới phát huy hiệu quả cao nhất. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kịp thời phát hiện và sửa chữa sai sót của cán bộ.
Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thực hiện tốt quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ, kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực yếu kém, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn; chú trọng tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mạnh dạn bố trí giữ các chức danh quản lý. Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm tính chủ động, liên hoàn, có tính kế thừa và thực hiện thống nhất từ thị xã đến cơ sở, khắc phục tình trạng khép kín. Xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh, tiến hành phân loại, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện có hiệu quả việc luân chuyển cán bộ về cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng.
Quán triệt sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định nhất trong xu thế phát triển bền vững của thị xã. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn theo chức danh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy, cán bộ trong dự nguồn quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, tránh tình trạng đào tạo để đạt chuẩn hóa một cách tràn lan, không hiệu quả. Kiên quyết không thực hiện việc tuyển dụng cán bộ rồi mới đưa đi đào tạo và không tuyển dụng cán bộ có bằng đại học tại chức. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn cán bộ trẻ có triển vọng để cử đi đào tạo trung, cao cấp lý luận chính trị và đào tạo sau đại học theo đúng chuyên môn, đồng thời thực hiện tốt việc hỗ trợ và giải quyết các chế độ, chính sách cho số cán bộ nghỉ hưu trước tuổi (số dôi dư qua sắp xếp).
Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ: Đối với cán bộ, công chức xã, phường có 100% trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, 90% trở lên có trình độ chuyên môn đại học, 100% cán bộ chủ chốt có trình độ đại học chuyên môn trở lên. Đối với cán bộ công chức thị xã: cán bộ cấp trưởng phòng và tương đương có 100% trình độ đại học chuyên môn và cao cấp lý luận chính trị, trong đó có từ 10-15% sau đại học; cán bộ cấp phó trưởng phòng và tương đương có 100% trình độ đại học chuyên môn trở lên (sau đại học từ 10-15%), có 60% cao cấp lý luận chính trị và 40% trung cấp lý luận chính trị; cán bộ, công chức thị xã có 100% trình độ chuyên môn đại học trở lên (sau đại học có từ 10-15%), trung cấp lý luận chính trị từ 60% trở lên.
Nghiên cứu, rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, xác lập căn cứ cần thiết để xây dựng đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 và đề ra lộ trình triển khai thực hiện; chỉ đạo đảng ủy, UBND 20 xã, phường thực hiện có kết quả việc nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở 182 thôn, khối phố; tiến hành kiểm tra, giám sát việc bố trí, sử dụng cán bộ là học viên theo Đề án 500 của UBND tỉnh; kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng và bố trí, sử dụng cán bộ ở xã, phường để củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; tiếp tục củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ ở các phòng, ban và các xã, phường.
Đặng Văn Quý
Ban Tổ chức Thị ủy Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam