Ninh Bình nằm ở cực nam đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội hơn 90km, với diện tích gần 1.400km2; dân số toàn tỉnh là 907.755 người; trong đó cư dân nông thôn có 735.356 người, cư dân thành thị là 172.399 người. Thực hiện chủ trương “xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài là khâu then chốt” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền của tỉnh luôn coi trọng thu hút và sử dụng cán bộ có trình độ cao, nhân tài.
1- Ưu điểm
Thực hiện Quyết định số 324/2003/QĐ-UB ngày 4-3-2003 của UBND tỉnh, Ninh Bình đã thu hút được 399 người, trong đó tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi 223, loại khá và được kết nạp vào Đảng khi đang học các trường đại học 81 người, thạc sỹ 95 người vào làm công chức, viên chức tại các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh[1]. Quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao, phần lớn số công chức, viên chức này đã phát huy tốt năng lực, trình độ chuyên môn ở các vị trí được phân công, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và từng bước trẻ hóa đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND tỉnh đã thu hút 42 người vào làm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có 21 thạc sỹ, 5 đại học, 16 bác sỹ, dược sỹ.
Từ năm 2005 đến năm 2012, Ninh Bình đã thu hút được 681 người về làm công chức và công chức dự bị cấp xã. Trong đó, 441 người trình độ đại học, 240 trình độ cao đẳng. Công chức được thu hút đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều người được kết nạp Đảng, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị, có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý. Kết quả tích cực trong thu hút cán bộ của tỉnh góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trình độ cao ở Ninh Bình. Nếu năm 2005 toàn tỉnh mới có 5 tiến sỹ, 77 thạc sỹ thì đến giữa năm 2010, đội ngũ nhân lực chất lượng cao của tỉnh Ninh Bình đã có 19.828 người, đạt 220 người/1 vạn dân. Trong đó số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 12 người; số cán bộ có trình độ thạc sĩ là 396 người; số cán bộ có trình độ đại học là 12.460 người; số cán bộ có trình độ cao đẳng là 4.350 người[2].
Xác định “thu hút” cán bộ trình độ cao, người tài đã khó, “giữ và sử dụng hiệu quả” người tài lại càng khó hơn, tỉnh Ninh Bình coi trọng sử dụng nhân tài theo đúng trình độ được đào tạo, phù hợp với chuyên môn. Lấy yêu cầu của công việc, ngành nghề, lĩnh vực để thu hút và sử dụng nhân lực có trình độ tương ứng. Hầu hết các ngành nghề đã cân đối về cơ cấu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong tổng số 19.828 cán bộ thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Ninh Bình, có 19.280 cán bộ được sử dụng đúng chuyên môn, chiếm trên 97%, chưa sử dụng đúng chuyên môn gồm 524, chiếm gần 3%[3]. Trong đó, khối cơ quan đảng có tỉ lệ sử dụng cán bộ đúng chuyên môn cao nhất, 99,4%, khối cơ quan cấp huyện có tỉ lệ sử dụng đúng chuyên môn thấp, chưa đến 80%.
Ninh Bình sử dụng đi đôi với đãi ngộ, đảm bảo cho cán bộ yên tâm làm việc. Có chế độ chính sách khuyến khích động viên về vật chất và tinh thần đáp ứng tốt yêu cầu công việc được giao. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền tỉnh sớm phát hiện những hạn chế trong sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài không hợp lý để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh việc thu hút cán bộ chất lượng cao về công tác tại Tỉnh, Ninh Bình mạnh dạn đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có và tạo điều kiện để những người được thu hút tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo sau đại học, theo đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong diện quy hoạch hoặc có chuyên môn giỏi và cán bộ, công chức, viên chức đã được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh sẽ được hỗ trợ 10% tổng kinh phí đào tạo (nếu đào tạo ở nước ngoài) và 100% kinh phí đối với đào tạo trong nước. Đây là một khâu quan trọng liên kết giữa thu hút với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
2- Hạn chế
Tuy đã xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực khối đảng, nhà nước, đoàn thể của tỉnh giai đoạn 2011-2020, nhưng công tác kế hoạch hóa nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức thực hiện chính sách thu hút nhân tài của tỉnh lại thiếu chi tiết cụ thể như: chưa chỉ rõ các loại trình độ, các loại ngành nghề chuyên môn cần đào tạo, cần thu hút, chưa chỉ rõ những lĩnh vực nào cần thu hút cán bộ chuyên môn theo kế hoạch trung hạn và dài hạn để làm căn cứ thực hiện có hiệu quả cao[4]. Vì vậy, từ năm 2003 đến nay chưa thu hút được người có học hàm, học vị là tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư; thu hút chưa được nhiều người có chuyên môn giỏi trong những lĩnh vực, ngành nghề tỉnh còn thiếu nhiều như y, dược, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông đô thị, khoa học - công nghệ.
Trong sử dụng, về cơ bản, số cán bộ chất lượng cao thu hút về được phân công nhiệm vụ đúng theo trình độ chuyên môn đào tạo. Tuy nhiên, có 548 cán bộ làm việc không đúng chuyên môn. Trong đó, khối các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện có 273; khối thành, thị, huyện ủy 85; khối các đơn vị ngành dọc 41 người… Một số đơn vị có tỷ lệ cán bộ chất lượng cao được sử dụng không đúng chuyên môn như: Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện ủy, UBND huyện Yên Khánh, Huyện ủy Hoa Lư, UBND huyện Gia Viễn[5]… Tình trạng cán bộ chất lượng cao được sử dụng không đúng chuyên môn có nguy cơ dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc chất lượng công việc thực hiện kém, thậm chí gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến nhiều công việc khác.
Trong số công chức, viên chức thuộc diện thu hút cũng có người chưa phát huy được năng lực, sở trường. Thậm chí có số ít hoàn thành nhiệm vụ ở mức bình thường, không thể hiện năng lực, trình độ tốt hơn so với những sinh viên tốt nghiệp loại khá hoặc trung bình.
Những hạn chế trên do một số nguyên nhân sau: chất lượng sống và điều kiện làm việc ở tỉnh còn hạn chế so với nhiều địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ một lần đối với cán bộ thu hút về làm việc ở Ninh Bình có học hàm là giáo sư được hỗ trợ 100 triệu đồng; phó giáo sư, tiến sỹ ở trong nước là 70 triệu; thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, dược sỹ chuyên khoa cấp I là 20 triệu; những người tốt nghiệp tiến sỹ, thạc sỹ hạng giỏi, xuất sắc ở nước ngoài mức hỗ trợ áp dụng như hỗ trợ công chức thu hút có trình độ tương ứng. Những người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã được hỗ trợ một lần tương đương mức hỗ trợ của người được tuyển dụng vào làm viên chức tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh; đối với người đạt hạng khá ở nước ngoài được hỗ trợ một lần là 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, sự trì trệ trong bộ máy hành chính, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đang làm giảm tinh thần, nhiệt huyết phấn đấu của nhân tài được thu hút về làm việc tại địa phương.
3- Một số giải pháp
Một là, cần có chính sách đãi ngộ đủ mạnh hơn nữa để thu hút cán bộ chất lượng cao, nhân tài về công tác, gắn bó lâu dài. Có chương trình về thu hút, sử dụng cán bộ chất lượng cao, nhân tài của tỉnh, được xây dựng đồng bộ từ khâu phát hiện, tuyển chọn đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Hằng năm, xây dựng danh mục ngành, nghề, lĩnh vực… cần thu hút sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển của tỉnh. Đặc biệt trong các lĩnh vực như y, dược, các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực.
Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng các nhân tài với tiền lương, tiền thưởng hợp lý. Ban hành chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tạo sức thu hút mạnh hơn nữa, như chính sách ưu đãi ban đầu, hỗ trợ nhà ở, trợ cấp ngoài lương… Đổi mới chính sách tiền lương, tiền thưởng, tôn vinh, an sinh xã hội, đầu tư trang thiết bị làm việc, đi lại, sinh hoạt, quyền sở hữu trí tuệ… tạo động lực cho nhân tài làm việc. Tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi, cơ hội thăng tiến, khen thưởng, biểu dương kịp thời. Xây dựng cơ chế ràng buộc pháp lý như bồi thường hoặc truy cứu trách họ không làm đúng cam kết với cơ quan tuyển dụng
Hai là, tạo cơ hội cho những cán bộ chất lượng cao, tài năng tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Thu hút nhân tài đã quan trọng, nhưng sử dụng nhân tài lại càng quan trọng hơn, đó là giải pháp để giữ chân họ gắn bó lâu dài với địa phương. Bên cạnh những đãi ngộ về vật chất, cần quan tâm đến các vấn đề bố trí công việc có phù hợp với năng lực, có tương lai phát triển. Văn hóa tổ chức, môi trường làm việc thân thiện, tự do. Tiếp tục thực hiện cơ chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục và nhân rộng mô hình ra các cơ quan hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể. Thí điểm thực hiện trả lương, phân phối thu nhập theo năng lực và kết quả công tác để thực sự khuyến khích “người tài”.
Ba là, đề cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với việc sử dụng nhân tài. Người sử dụng nhân tài phải biết nhận rõ và đúng năng lực của mỗi người để bố trí vào công việc hợp lý nhất. Sử dụng đúng chuyên môn và trình độ thực tế của cán bộ. Mạnh dạn đưa người giỏi, người tài, thực sự là cán bộ đầu ngành, đầu đàn, có đức có tài vào những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, địa phương.
Bốn là, phải có sự gắn kết giữa thu hút với đào tạo và sử dụng cán bộ chất lượng cao, nhân tài. Gắn kết giữa thu hút với đào tạo và sử dụng nhân tài sẽ vừa tiết kiệm được thời gian, công sức của người tài vừa nâng cao hiệu quả công việc. Phải có chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và gắn với việc sử dụng. Việc đầu tư cho đào tạo nhân tài khu vực công xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn ở mỗi cơ quan, đơn vị. Đào tạo và sử dụng nhân tài là hai mặt của một vấn đề, gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau, cả hai quá trình đó đều có vai trò quan trọng. không xem nhẹ mặt nào. Yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng với một lộ trình xác định nhằm nâng cao trình độ khoa học, trình độ lý luận, chuyên môn, nghề nghiệp, tay nghề lao động, khả năng hội nhập quốc tế cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về tình yêu, trách nhiệm của thanh niên, của mỗi công dân với quê hương Ninh Bình. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài cho phát triển nhanh, bền vững.
Nhân rộng mô hình khen thưởng, động viên học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng hằng năm của huyện Kim Sơn ra diện rộng. Hiện nay hội khuyến học các cấp ở Ninh Bình hoạt động rất tích cực và hiệu quả, đặc biệt đã xây dựng được “Quỹ khuyến học” hàng tỷ đồng. Vào ngày mùng 6 tết hằng năm, một số địa phương đã tổ chức phát thưởng cho các cháu thi đỗ vào đại học, cao đẳng (Kim Sơn), mô hình này cần được nhân rộng ra các địa phương khác của tỉnh. Tổ chức gặp gỡ các cháu thi đỗ đại học điểm cao, các cháu học đại học hằng năm đạt loại giỏi để khen thưởng, động viên và kích lệ niềm tự hào về quê hương trong các cháu, tạo động lực thôi thúc các cháu sau khi tốt nghiệp đại học với vị trí thủ khoa, loại giỏi sẽ về với Ninh Bình.
[1] Đề án số 09/ĐA-UBND ngày 24-4-2011 Quy định về chính sách khuyến khích tài năng và thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Ninh Bình.[2] Kỷ yếu hội thảo Ninh Bình – 20 năm đổi mới và phát triển, trang 66. [3] Kỷ yếu hội thảo Ninh Bình – 20 năm đổi mới và phát triển, trang 70. [4] Kỷ yếu hội thảo Ninh Bình – 20 năm đổi mới và phát triển, trang 72. [5] Kỷ yếu hội thảo Ninh Bình – 20 năm đổi mới và phát triển, trang 70.
TS. Đinh Ngọc Giang
Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh