Nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương thực hiện một cách kiên trì, quyết tâm, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”[1]. Những yếu kém, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém, bất cập. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện”[2]. Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém của công tác xây dựng đảng là do “Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc”[3]. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XI của Đảng cũng như Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì vấn đề quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Cần lưu ý các nội dung sau:
Thứ nhất, cấp ủy chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, để chuẩn bị tốt nhân sự cho uỷ ban kiểm tra, cấp ủy phối hợp, trao đổi với uỷ ban kiểm tra của cấp ủy kiểm tra, báo cáo cấp ủy cấp trên về dự kiến nguồn. Cấp ủy cũng trực tiếp chỉ đạo về biên chế, tổ chức và định hướng trong kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan giúp việc uỷ ban kiểm tra.
Thứ hai, Uỷ ban kiểm tra các cấp căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức biên chế và tình hình đội ngũ cán bộ của mình, lập kế hoạch để có cơ sở làm tốt công tác cán bộ của mình.
Uỷ ban kiểm tra các cấp nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Xây dựng kế hoạch cán bộ tổng thể và từng thời kỳ, phù hợp với quy hoạch của cấp ủy và tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Uỷ ban kiểm tra. Quy hoạch phải dân chủ, công khai một cách thích hợp để các tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan theo dõi, thực hiện. Những vấn đề về đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ nhất thiết phải do tập thể ủy ban kiểm tra quyết định.
Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra phải chủ động phối hợp ban tổ chức của cấp ủy để trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra và cán bộ chủ chốt của cơ quan giúp việc. Các phó chủ nhiệm cùng chủ nhiệm có trách nhiệm phát hiện, đề xuất nguồn nhân sự uỷ ban kiểm tra cấp mình và việc tuyển dụng, bổ nhiệm với đội ngũ cán bộ của cơ quan giúp việc.
Thứ ba, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ kiểm tra. Tiêu chuẩn cán bộ kiểm là cơ sở để từng cán bộ phấn đấu, rèn luyện nhằm hoàn thiện bản thân mình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, người cán bộ kiểm tra phải đáp ứng những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của người cán bộ Đảng nói chung. Bên cạnh những tiêu chuẩn chung, cán bộ kiểm tra còn phải có những tiêu chuẩn riêng mang tính đặc thù như: am hiểu về công tác xây dựng đảng và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phải được bồi dưỡng cơ bản có hệ thống về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; phạm vi, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của các tổ chức Đảng; phạm vi , trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng; nắm vững, thành thạo về nghiệp vụ công tác kiểm tra…
Công tác kiểm, giám sát tra góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng chính trị và tổ chức. Đặc biệt góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của uỷ ban kiểm tra các cấp là yêu cầu tất yếu hiện nay.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.25.
ThS. Phạm Ngọc Lợi
Trường Cán bộ TP. Hồ Chí Minh