Quận ủy Hà Đông thực hiện Đề án trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Hà Đông
Đảng bộ quận Hà Đông (Hà Nội) hiện có 91 tổ chức cơ sở đảng với trên 1 vạn đảng viên đang sinh hoạt ở 494 chi bộ cơ sở. Hà Đông trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội đã mở ra cơ hội trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường giao lưu, hội nhập kinh tế; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ. Chính vì thế, sau Đại hội Đảng bộ quận khóa XIX nhiệm kỳ 2010-2015, BCH Đảng bộ quận đã ban hành 5 chương trình, đề án trọng tâm, trong đó có Đề án 03-ĐA/QU về “Trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị quận giai đoạn 2010-2015”.

Thời điểm trước năm 2010, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn từ quận tới cơ sở có tuổi bình quân khá cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ chiếm tỷ lệ thấp. Một số đồng chí trải qua thời kỳ chiến tranh, mặc dù có nhiệt tình trách nhiệm song chưa được đào tạo bài bản, chính quy, kiến thức về tin học, ngoại ngữ còn hạn chế, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ. Một số cơ quan, đơn vị, cấp ủy các cấp vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác trẻ hoá cán bộ, nhận thức không đúng về công tác cán bộ trẻ. Nhiều nơi chưa mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, còn biểu hiện thiếu tin tưởng; hoặc có quy hoạch nhưng bố trí sử dụng vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chưa nhiều. Tư tưởng tuần tự hoặc “sống lâu lên lão làng” chưa được khắc phục. Thậm chí một số nơi cán bộ lớn tuổi coi thường cán bộ trẻ, khiến không ít cán bộ trẻ có trình độ, năng lực bị giảm sút động cơ phấn đấu.

Quận Hà Đông (Hà Nội) có tốc độ đô thị hóa cao, nhiệm vụ chính trị rất nặng nề... đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức, năng động sáng tạo, xử lý công việc nhanh, đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Đảng bộ quận xác định trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ phường tới quận là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Căn cứ hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy về công tác cán bộ, nắm chắc thực trạng đội ngũ cán bộ của địa phương, Quận ủy xây dựng mục tiêu của Đề án 03 là: Từng bước trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phấn đấu đến 2015 có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2012 tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ cấp phường (dưới 30 tuổi), cấp quận (dưới 35 tuổi) đạt ít nhất 14%; năm 2013 đạt ít nhất 16%; năm 2014 đạt ít nhất 18%; năm 2015 đạt ít nhất 20%.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 03, công tác cán bộ ở Hà Đông có nhiều chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng. Về cán bộ nữ: Tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ quận đạt 32,5%. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận đạt 42,1%. Cán bộ nữ là ủy viên BCH Đảng bộ các phường chiếm tỷ lệ 22,98%. Về cán bộ trẻ: Đầu nhiệm kỳ 2010-2015 số cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) tham gia BCH Đảng bộ quận có 4 đồng chí. Cán bộ trẻ là trưởng, phó các phòng, ban quận có 12 đồng chí. Cán bộ trẻ cấp phường (dưới 30 tuổi) có 3 đồng chí. Nhờ chủ động làm tốt công tác xây dựng và bổ sung quy hoạch, nhiệm kỳ 2010-2015, số cán bộ nữ, cán bộ trẻ được quy hoạch vào các chức danh cấp quận và phường tăng.

Quận ủy đã chủ động công tác điều động, luân chuyển đẻ đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn. 17/17 phường đều có cán bộ luân chuyển về giữ chức vụ chủ chốt. Từ năm 2010 đến nay, Quận ủy đã luân chuyển, điều động cán bộ từ quận về phường là 7 đồng chí, cán bộ từ phường lên Quận là 7 đồng chí, từ phường sang phường có 1 đồng chí. Bổ nhiệm, điều động cán bộ các cơ quan đảng, đoàn thể sang khối chính quyền từ khối chính quyền sang khối đảng, đoàn thể 74 đồng chí.

Quận ủy luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ đạo Trung tâm BDCT quận phối hợp mở 1 lớp trung cấp lý luận chính trị, 1 lớp cử nhân chính trị tại quận, cử được nhiều cán bộ đương chức và dự nguồn quy hoạch đi học chính trị tại các trường ở Trung ương và trường Đạo tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Do vậy, đến nay có 100% lãnh đạo trẻ đã học xong các chương trình trung cấp, cao cấp LLCT. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, quận Hà Đông đã mở 171 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 27.140 lượt cán bộ, đảng viên, tăng 15% so với giai đoạn 2005-2010. Trong đó, quận đã mở một lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ đương chức và dự nguồn cho quận và phường, tổng số 144 đồng chí.

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 03-ĐA/QU, Quận ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được các cấp ủy lãnh đạo, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ để có cơ sở thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Thứ hai, trẻ hóa đội ngũ cán bộ phải gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là bồi dưỡng kỹ năng quản lý lãnh đạo quản lý, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nguồn.

Thứ ba, coi trọng luân chuyển cán bộ để đào tạo bồi dưỡng cán bộ về kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo quản lý nhanh nhất và cũng là cơ hội để cán bộ trẻ phấn đấu, thể hiện khả năng của mình.

Thứ tư, việc đánh giá cán bộ cần được thực hiện khách quan, công tâm, nhất là đánh giá cán bộ trẻ, qua đánh giá để phát hiện những cán bộ trẻ có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm.

Thứ năm, thực hiện nghiêm công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, quy hoạch từ cấp dưới lên, với phương châm “mở” và “động”, phát huy dân chủ, công khai. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, những đồng chí có nhiều dư luận, uy tín giảm sút. Đối với các cơ quan, đơn vị không bảo đảm đủ số lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, BTV Quận ủy không duyệt quy hoạch.   

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch cán bộ trẻ, thực hiện tốt bổ nhiệm và bổ nhiệm lại, khi bổ nhiệm ưu tiên cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản. Kiên quyết cách chức, giáng chức đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc biểu hiện tham ô, suy thoái đạo đức, lối sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất