GS, TS. Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đại học Y Hà Nội chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Đại học Y Hà Nội).
Không ngừng khẳng định vị thế Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chương trình hành động của Đảng ủy Khối Các trường đại học, cao đẳng TP. Hà Nội cũng như định hướng chiến lược công tác của Ngành Y tế, BCH Đảng bộ Đại học Y Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các chương trình cụ thể để thực hiện các nội dung và chỉ tiêu chủ yếu của công tác chuyên môn (giảng dạy, khoa học - công nghệ, phục vụ thực tiễn Ngành). Nhà trường đã mở rộng đối tượng, loại hình đào tạo với quy mô hợp lý nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả đào tạo, nỗ lực xây dựng và đưa vào vận hành đào tạo y khoa theo chương trình đổi mới, bắt đầu thực hiện từ năm học 2019-2020. Nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác với hơn 50 đối tác từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đài Loan… Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều chương trình, dự án được thực hiện, hỗ trợ tích cực cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đầu tư phát triển trang thiết bị dạy và học của Trường.
Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo và từng bước hoàn thiện quy định, quy chế trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, đồng thời tiếp tục củng cố tổ chức và kiện toàn nhân sự các viện, bệnh viện, khoa, bộ môn, trung tâm và phòng, ban. Thực hiện Quyết định 4868/QĐ-BYT ngày 17-10-2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Y Hà Nội”, Đảng bộ Trường đã ban hành Nghị quyết số 598-NQ-ĐU ngày 11-11-2019 về lộ trình tái cơ cấu nhà trường trong 1 năm: 6 tháng đầu tái cơ cấu các phòng chức năng, 6 tháng sau tái cơ cấu các khoa, bộ môn. Tính đến tháng 6-2019, cơ cấu tổ chức của Trường có 20 phòng, ban, văn phòng đoàn thể; 3 khoa, 7 bộ môn khoa học cơ bản và 12 bộ môn y học cơ sở, 24 bộ môn y học lâm sàng; 3 viện, 8 trung tâm; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa. Nhà trường hiện có 2.090 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 818 cán bộ giảng dạy (20 Giáo sư, 179 Phó Giáo sư, 6 bác sĩ chuyên khoa II, 8 bác sĩ chuyên khoa I, 331 tiến sĩ, 651 thạc sĩ và bác sĩ nội trú).
Với những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử 118 năm ra đời và phát triển; cùng với những đóng góp thiết thực cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của Thủ đô, Đại học Y Hà Nội đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1982), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1996), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2002), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2004), Huân chương Sao vàng (năm 2007)… Năm 2018, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ Đại học Y Hà Nội (1948-2018), Đảng bộ TP. Hà Nội đã trao tặng Bức trướng với 16 chữ vàng “Sứ mệnh vinh quang, nhiệm vụ cao cả, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Đây là minh chứng, là điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục truyền thống, phát huy sức mạnh tổng hợp để Trường Đại học Y Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới.
Luôn luôn chủ động, sáng tạo
Đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, bùng phát lan rộng tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân cũng như kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Đại học Y Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, coi “chống dịch như chống giặc”. Ngay từ cuối tháng 1-2020, Đại học Y Hà Nội đã xác định rõ mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch ứng phó, chỉ đạo kịp thời, cụ thể. Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quyết định cho cán bộ, sinh viên tham gia tuyến đầu, như những chiến sĩ trên mặt trận phòng và điều trị COVID-19 ngay từ sau Tết Nguyên đán trong khi các trường đại học khác trên cả nước tạm dừng học tập.
Nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký phòng, chống COVID-19. Ban Chỉ đạo gồm 24 thành viên, do GS, TS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Nhà trường làm Trưởng ban; GS, TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng làm Phó Trưởng ban Thường trực. 22 thành viên còn lại là các chuyên gia, giảng viên đại diện cho các đơn vị chức năng, các chuyên gia về dịch tễ, vi sinh và truyền nhiễm. Cùng với đó, Nhà trường cũng đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 với sự tham gia của gần 200 cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đội phản ứng nhanh này có nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, cách ly nếu có sự cố xảy ra trong trường. Đội phản ứng nhanh có thể sẵn sàng xung kích bất cứ lúc nào khi Chính phủ và TP. Hà Nội cần. Bên cạnh đó, mục tiêu của Tổ thư ký còn tập trung vào công tác truyền thông, tăng cường nhận thức, chống tin giả về COVID-19.
Xác định truyền thông, dự phòng là một khâu rất quan trọng trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Nhà trường đã tổ chức liên tiếp các buổi tập huấn offline và online, truyền hình trực tiếp về phòng, chống COVID-19 cho cán bộ, sinh viên của trường (kể cả Phân hiệu Đại học Y Hà Nội ở Thanh Hóa) với sự tham gia của các chuyên gia WHO, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đồng thời, Nhà trường đã lồng ghép nội dung phòng, chống COVID-19 vào các môn học. Trường tổ chức truyền thông mạnh mẽ bằng các bài viết trên website, mạng nội bộ của Công đoàn Nhà trường, các viện, khoa, bộ môn và tờ rơi ở các tòa nhà, lớp học, kí túc xá. Nhà trường cũng đã xây dựng và diễn tập các kịch bản ứng phó nếu có sinh viên, cán bộ dương tính với COVID-19, đồng thời chuẩn bị sẵn các phòng tại khu nhà ở kí túc xá trong trường hợp cần cách ly đông người.
Nhà trường còn điều động 97 sinh viên năm cuối hệ bác sĩ y học dự phòng và 27 sinh viên năm cuối hệ cử nhân y tế công cộng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch theo yêu cầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19; đồng thời cử các cán bộ, giảng viên, chuyên gia về dịch tễ, thống kê, y tế công cộng tham gia hỗ trợ chuyên môn cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Nhiệm vụ của các sinh viên này là thu thập thông tin về ca nhiễm, hỗ trợ lấy mẫu tại khu cách ly và sân bay, điều tra dịch tễ học, xã hội học, điều tra tiền sử cũng như quá trình di chuyển của hành khách… Một số nhóm được CDC Hà Nội tập huấn để tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều bác sĩ nội trú của Trường đã tham gia tuyến đầu chống dịch cùng các nhân viên y tế tại các bệnh viện. Nhà trường đã thành lập đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 thuộc Labo Trung tâm Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng với sự tham gia của nhiều cán bộ từ các bộ môn, đơn vị trong toàn Trường. Đến nay, đơn vị đã xét nghiệm được gần 8.000 mẫu, đóng góp lớn vào thành công trong xét nghiệm diện rộng cho Bộ Y tế và CDC Hà Nội.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu trong phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã xây dựng tài liệu giảng dạy về “phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp tính do vi-rút Corona cho sinh viên năm cuối các trường cao đẳng và đại học y dược”. Viện đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp” (EpiNEWS) với gói kinh phí tài trợ 4 tỷ đồng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo thuộc Tập đoàn Vingroup. Đến nay đã có 30 bài báo quốc tế được xuất bản với các nội dung liên quan đến chủ đề nghiên cứu này, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngoài ra, Viện phối hợp với Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) tiến hành khảo sát “Nghiên cứu gánh nặng nghề nghiệp, năng lực đáp ứng và tính sẵn sàng ứng phó của nhân viên y tế Việt Nam với dịch COVID-19” nhằm xác định những ảnh hưởng của dịch đến nhân viên y tế và khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng ứng phó của nhân viên y tế với dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cho ra đời nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telemedicime đầu tiên của cả nước, là thành tựu y khoa nổi bật của Việt Nam trong năm 2020. Đây được coi là giải pháp hiệu quả giúp bệnh nhân được tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ điều trị bệnh mà không cần trực tiếp đến bệnh viện. Với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin…, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị. Hiện tại, gần 100 bệnh viện đã tham gia vào mái nhà chung “Telehealth FC Đại Học Y Hà Nội”. Gần 10 phòng khám Telehealth bao gồm cả nước bạn Lào, Hàn Quốc đã chính thức hoạt động mang lại làn gió mới trong hoạt động khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa sẽ còn phát triển cả khả năng phẫu thuật từ xa.
Luôn chủ động, sáng tạo, không ngừng khẳng định vị thế và tiếp tục phát huy truyền thống của một đơn vị anh hùng, Đại học Y Hà Nội sẽ có những đóng góp xứng đáng và to lớn hơn nữa cho nền y học nước nhà và thế giới.
Ngô Khiêm