Nắm rõ thực trạng kinh tế - xã hội địa phương
Thực tế cho thấy, để xây dựng nghị quyết sát đúng, có tính khả thi cao, tổ chức thực hiện hiệu quả thì đội ngũ cấp ủy mà đứng đầu là đồng chí bí thư chi bộ cần nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội địa phương; nắm chắc nghị quyết của đảng ủy cơ sở để từ đó cụ thể hóa chỉ tiêu cho phù hợp với đặc điểm khu dân cư trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Cấp ủy cần nắm rõ về tình hình sản xuất, dịch vụ, lịch sử truyền thống, văn hóa cũng như trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thói quen của dân cư, thời tiết, khí hậu, thủy văn, thủy lợi và kết cấu hạ tầng của địa phương... Về việc này, đồng chí Hà Huy Nên, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 5 (Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) cho biết: Phát triển kinh tế là mục tiêu, động lực không chỉ của từng cá nhân, từng hộ dân mà của cả tổ dân phố. Việc nắm chắc thực trạng, tình hình địa phương là yếu tố quan trọng để các đồng chí trong cấp ủy cũng như đảng viên hiểu sâu các mô hình phát triển kinh tế, từ đó có biện pháp giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Là vùng ven của TP. Hà Nội, các hộ dân chủ yếu trồng cây ăn quả sạch và hoạt động dịch vụ nên trong nghị quyết thường kỳ, Chi bộ Tổ dân phố số 5 đặt ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể như: Nâng mức thu nhập của các hộ gia đình, giảm thiểu tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo, thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị, thu nộp thuế... Chi bộ phân công các đảng viên có trách nhiệm, uy tín theo dõi từng tổ liên gia, lắng nghe những khó khăn của các hộ dân để phản ảnh với chi bộ và các cơ quan chức năng phường Phúc Lợi, hoặc kịp thời góp ý, nhắc nhở những hộ dân chưa chấp hành đúng các quy định. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tình hình kinh doanh hoa quả sạch của một số hộ dân bị ảnh hưởng, cấp ủy đã chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền địa phương liên hệ, phối hợp với các nhà hảo tâm, đề xuất một số giải pháp hữu hiệu như huy động người dân trong tổ dân phố tìm nơi tiêu thụ sản phẩm giúp các hộ gia đình. Các đảng viên có uy tín đã đi đầu nhắc nhở người dân thực hiện tốt quy định mang khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội. Kết quả là Trường Tiểu học Giang Biên và nhà hảo tâm trao tặng các tiểu thương, người dân trong tổ dân phố 1.600 khẩu trang; tặng quà 22 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người khuyết tật. Chi bộ Tổ dân phố số 5 cũng luôn đề ra các giải pháp xây dựng đô thị văn minh, chỉ đạo Hội Phụ nữ xây dựng phong trào thu gom rác thải nhựa, không dùng túi ni-lông, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, ứng xử văn hóa nơi công cộng, thực hiện nếp sống tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang và các hoạt động cộng đồng khác. Đặc biệt, Chi bộ Tổ dân phố số 5 luôn quan tâm lãnh đạo việc xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, chống các biểu hiện mê tín dị đoan và cờ bạc. Đội ngũ chi ủy viên luôn nắm rõ tình hình các hộ kinh doanh phòng trọ để qua đó đôn đốc thực hiện việc chấp hành pháp luật, an ninh trật tự, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện cờ bạc, lô đề, sử dụng ma túy.
Một trong những kết quả nổi bật mà Chi bộ thôn Chí Linh (Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) trong nhiều năm qua là lãnh đạo tốt xây dựng, hoàn thiện các chỉ tiêu thôn văn hóa cũng như các tiêu chí xã hội khác. Theo đồng chí Mai Thị Đảm, Bí thư chi bộ, việc vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước ở chi bộ rất thuận lợi vì đa phần đảng viên trong chi bộ là người cao tuổi, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Nhiều năm qua, thôn không có các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các vụ vi phạm pháp luật lớn; nhân dân trong thôn đoàn kết, sống nghĩa tình, đùm bọc, thương yêu, chia sẻ khó khăn. Đặc biệt, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, Chi bộ đã vận động nhân dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã Đông Đô đạt xã nông thôn mới từ năm 2015. Hiện nay, thôn đang tập trung nguồn lực để hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Khảo sát tại nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố cho thấy, việc nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng, nhưng việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ không mang lại kết quả tốt nếu các chủ trương, biện pháp thực hiện không có tính khả thi, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của đảng viên.
Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ
Hiện nay, tình trạng già hóa đội ngũ đảng viên ở các chi bộ tổ dân phố, khu dân cư, các thôn, xóm, ấp có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là thanh niên đến tuổi trưởng thành thường đi làm ăn ở thành phố, khu công nghiệp đã khiến cho số đảng viên kết nạp ở địa phương hằng năm giảm so với trước đây. Tỷ lệ đảng viên trong khu dân cư giảm xuống, đặc biệt là đảng viên trẻ, đã tác động không nhỏ đến việc phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ.
Thôn Chí Linh có 1.500 nhân khẩu, chi bộ thôn có hơn 60 đảng viên, đảng viên tham gia sinh hoạt thường xuyên hơn 50 người, gần 10 đảng viên thuộc diện miễn sinh hoạt vì tuổi cao hoặc đi làm ăn xa. Trong số đảng viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, đảng viên nghỉ hưu chiếm hơn 70%, đảng viên trẻ dưới 40 tuổi chiếm chưa tới 20%. Nhiều năm qua, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp không nhiều, đều là những người cao tuổi. Thế nhưng, tình trạng già hóa đảng viên ở đây còn cao hơn so với Chi bộ Tổ dân phố số 5 (Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội), tỷ lệ đảng viên trẻ từ 30 tuổi trở xuống chỉ chiếm 6,52%.
Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới, phần đông các chi bộ đều đưa ra những chủ trương, biện pháp tích cực để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của chi bộ. Trong đó đã triển khai thực hiện tốt Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Nhiều cấp ủy xác định giải pháp quan trọng nhất là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Hà Huy Nên, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 5 phường Phúc Lợi cho rằng: Cần thực hiện có nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ với sự theo dõi, hướng dẫn thường xuyên của Đảng ủy phường; phân công, bố trí đảng ủy viên, cán bộ làm công tác đảng thường xuyên dự sinh hoạt với chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc duy trì nền nếp, nội dung sinh hoạt của chi bộ; phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đảng viên; tổ chức thực hiện nghị quyết chi bộ và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tổ chức đảng cấp trên cũng cần động viên, khen thưởng kịp thời đối với những đảng viên, cấp ủy, chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích đột xuất trong thời điểm cụ thể.
Đồng chí Mai Thị Đảm, Bí thư Chi bộ thôn Chí Linh nêu ý kiến bổ sung: Cần quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên để xây dựng lớp lãnh đạo kế cận. Chi bộ thôn cần quan tâm phát triển đảng viên tại chỗ, nhất là những nhân tố tích cực hoạt động trong lực lượng dân quân, trường học. Để thực hiện tốt, phải nâng cao trách nhiệm của đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng. Cần phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc thôn và các đoàn thể nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và nhân dân gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường, xã cần thường xuyên xuống địa bàn thôn, tổ dân phố để nắm tình hình, giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ ở các thôn, bản, tổ dân phố trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề có ý nghĩa quan trọng là tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của đảng ủy cơ sở. Cần duy trì tốt việc phân công đảng ủy viên cấp trên về sinh hoạt tại chi bộ, kịp thời nắm bắt tình hình, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, giải quyết kịp thời các vướng mắc nếu có.
Nguyễn Văn Lương (Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 1) và Mạnh Đức (Báo Quân đội nhân dân)