Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên
Đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Ngày 13-11-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 38-KL/TW “Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Kết quả cho thấy công tác củng cố, xây dựng Ðảng ở cơ sở đã được cấp ủy các cấp thực hiện và đạt được kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ chuyển biến tích cực, nhất là ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang, bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng ở cơ sở. Công tác kết nạp đảng viên được quan tâm, số lượng đảng viên tăng nhanh; nâng cao trình độ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, đảng viên; đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở được trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, năng lực từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCCSĐ chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những nơi có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thậm chí một số nơi còn xem nhẹ. Một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, vai trò tiên phong, gương mẫu hạn chế, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu...

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Để triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương gắn với chuẩn bị đại hội TCCSĐ nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật văn bản của Đảng, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể.

Hai là, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức đảng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, đồng bộ việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Kiện toàn cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy theo tổ chức bộ máy mới. Chỉ đạo việc chuyển tổ chức đảng, đảng viên về tổ chức đảng phù hợp khi kết thúc hoạt động hoặc giải thể các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Bốn là, tập trung kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, cán bộ, công chức ở cơ sở. Rà soát, bổ sung quy hoạch năm 2019, chuẩn bị tốt nhân sự cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cán bộ được quy hoạch.

Năm là, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng. Sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy. Thực hiện nghiêm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi đủ điều kiện. Đẩy mạnh thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, khắc phục triệt để tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên.

Sáu là, thực hiện tốt chủ trương không tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, đưa đảng viên đang công tác ở xã, phường, thị trấn về sinh hoạt đảng ở các khu dân cư gắn với phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình. Phân công đảng viên là cán bộ, công chức chủ chốt cấp xã về sinh hoạt đảng tại các chi bộ ít đảng viên, năng lực lãnh đạo của chi ủy còn hạn chế.

Bảy là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên tăng cường định hướng, hướng dẫn nội dung sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề phù hợp với từng loại hình chi bộ trong từng giai đoạn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban hành và thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện có nền nếp việc phân công cấp ủy viên cấp trên dự sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Tổ chức kiểm tra chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy cấp tỉnh đối với cấp huyện, cấp huyện đối với cấp cơ sở và cấp cơ sở với 100% chi bộ trước khi đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Lấy kết quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ làm tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ hằng năm.

Tám là, tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém. Thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc phân công cấp ủy viên các cấp theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm “cấp tỉnh nắm đến TCCSĐ; cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ đối thoại, tiếp xúc với đảng viên và nhân dân, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, kết quả công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những nảy sinh ngay từ cơ sở.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất