Chiều 12 và sáng 13-1, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Dự thảo gồm Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020; Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng; Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Các đại biểu đã thảo luận về đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; mục tiêu và những phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN; định hướng về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh…; đánh giá những thành tựu và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn Chiến lược 2001-2010 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục đào tạo; phương hướng xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên.
Góp ý kiến vào nội dung quốc phòng-an ninh, các đại biểu khẳng định tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Có đại biểu cho rằng, quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc đã được nêu đầy đủ trong Báo cáo trình Đại hội. Trong đó đã thể hiện đầy đủ các nội dung với mục tiêu, nhiệm vụ, xác định tăng cường quốc phòng, bảo vệ an ninh là nhiệm vụ trọng yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc. Đại biểu đề nghị trong quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… cần bổ sung ý “một số lực lượng sớm hiện đại”. Cùng với tăng cường công tác giáo dục quốc phòng-an ninh cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực cao cho lực lượng vũ trang.
Về phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển, các đại biểu cho rằng phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta. Các đại biểu khẳng định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Một số đại biểu đề nghị cần quan tâm tới việc bảo đảm phát triển hài hoà các vùng, miền trong đó cần coi trọng tới phát triển kinh tế biển trong Cương lĩnh chính trị. Có đại biểu đề nghị về lâu dài, nền kinh tế Việt Nam cần quan tâm tới chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, coi trọng chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho phù hợp; tiếp tục đưa nhận thức, quan điểm lớn của Đảng: Con người - trung tâm của chiến lược phát triển vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.
Về công tác xây dựng Đảng, một số đại biểu phân tích sâu hiện trạng một số lĩnh vực (trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân) chưa thành lập được các tổ chức đảng và đề cập tới vấn đề xây dựng Đảng trong nông thôn; những vấn đề để xây dựng chi bộ thực sự là gốc rễ, tạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Sáng 13-1, các đại biểu tiếp tục làm việc tại đoàn, thảo luận về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Liên quan đến những nội dung nêu trong Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), các đại biểu đã nhất trí với đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam với những thắng lợi vĩ đại, những khó khăn, thách thức, bài học lớn. Các đại biểu đã phân tích, làm rõ những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng; mục tiêu và phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Bàn về những định hướng lớn về phát triển kinh tế, các đại biểu đã tập trung phân tích các khía cạnh về đẩy mạnh CNH, HĐH; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; chính sách phát triển đối với các thành phần kinh tế, chế độ phân phối… Một số định hướng về phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách xã hội; quốc phòng-an ninh, đối ngoại; xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Đề cập Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, các đại biểu đã đi sâu phân tích những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất trí với các quan điểm phát triển, các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, môi trường; các định hướng phát triển ngành, vùng, lĩnh vực. Các đại biểu cơ bản đồng tình với 3 khâu đột phá được xác định trong Dự thảo Chiến lược, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Thảo luận Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Những bài học kinh nghiệm qua thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển đất nước trong 5 năm tới; phương hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế nói chung, phát triển các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông lâm ngư nghiệp, các dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn; giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường, chính sách phát triển các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, phát triển các loại thị trường.
Một nội dung nổi bật trong buổi thảo luận tại các đoàn là về công tác xây dựng đảng, trong đó nhấn mạnh đến phương thức lãnh đạo của Đảng, phương hướng xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiều ý kiến quan tâm, góp ý phương hướng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp; công tác vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến về Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo Ban chấp hành Trung ương khóa X...
Minh Tuấn (tổng hợp)