Đại hội XI sắp diễn ra khi năm 2010 vừa khép lại với kết quả tổng quát là bước chuyển vị thế của Việt Nam từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình; vị thế đất nước được nâng cao trên trường quốc tế; khi năm 2011 vừa mới bắt đầu, mở ra thập kỷ với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã lựa chọn ba khâu đột phá: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Hoàn thiện thể chế
Nền kinh tế mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Kinh tế thị trường là kết quả tất yếu của sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, là một trong những nội dung cốt lõi trong đường lối Đổi mới của Đảng ta.
Hoàn thiện kinh tế thị trường là hoàn thiện các yếu tố, các loại thị trường và có môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong đó trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng - cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Về các mặt này, hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được quan tâm hoàn thiện trong những năm tới.
Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời hạn để Việt Nam chuyển đổi và được công nhận là nền kinh tế thị trường chậm nhất là 2017; đến nay đã có một số thành viên WTO đã công nhận và quan hệ buôn bán, đầu tư theo tiêu chuẩn này. Việt Nam cần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại đẩy nhanh tiến trình này để có vị thế mới trong quan hệ thương mại, đầu tư với các thành viên trong WTO.
Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có những mặt trái của nó. Định hướng XHCN về thực chất là có sự quản lý nhà nước, theo định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tạo sự phát triển bền vững cho đất nước. Định hướng này đòi hỏi phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Trong đó trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng và cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Đột phá về thể chế vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế, tính năng động sáng tạo, khắc phục tính bình quân; vừa khắc phục làm giàu bất hợp pháp, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo…
Phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực được coi là một đột phá, một mặt xuất phát từ vai trò đặc biệt to lớn của yếu tố này xét trong các mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, giữa các yếu tố của tăng trưởng (lao động, vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, thiết bị, kỹ thuật - công nghệ…), mặt khác xuất phát từ thực trạng, đặc biệt là những hạn chế, bất cập về cơ cấu lao động, về tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, về năng suất lao động…
Đột phá về nguồn nhân lực, một mặt phải toàn dụng nguồn lao động (giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm tỷ lệ thiếu việc làm…), chuyển dịch cơ cấu lao động (chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ…); mặt khác, quan trọng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để nâng cao năng suất lao động - yếu tố cơ bản để tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu…
Nếu khoa học - công nghệ là động lực của tăng trưởng và phát triển bền vững, thì giáo dục - đào tạo là “chìa khoá của khoa học - công nghệ”. Vì vậy, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao có hai nội dung quan trọng nhất là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân; đồng thời phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân có nhiều nội dung, tập trung cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với giáo dục phổ thông, cần nâng cao chất lượng giáo dục về cả hai mặt: dạy chữ, dạy kiến thức và dạy người, rèn luyện nhân cách. Đối với giáo dục đại học, cao đẳng, trên cơ sở bảo đảm đội ngũ giảng viên, điều kiện dạy và học để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng; xây dựng một số trường đại học chất lượng cao theo chương trình hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế. Đối với đào tạo nghề, cần phát triển mạnh về số lượng và cơ cấu theo yêu cầu của thị trường. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55% năm 2015 và 70% năm 2020.
Phát triển nhanh thị trường công nghệ; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp lên 31-32% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
Việc lựa chọn là khâu đột phá xuất phát từ vai trò và thực trạng của hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là nền móng, là “đường dẫn” cho việc phát triển, cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng thời gian qua đã thu hút một lượng vốn đáng kể, nhưng còn thấp so với yêu cầu phát triển và nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, vẫn là điểm nghẽn lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Sự yếu kém này làm giảm sức chống đỡ với thiên tai, chậm thời gian lưu thông hàng hoá, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả và sức cạnh tranh, làm tăng chênh lệch mức sống giữa thành thị, nông thôn, giữa các vùng.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một trong những tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nước có cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Nếu tiếp cận theo công dụng trực tiếp, nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nước có kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội hiện đại.
Kết cấu hạ tầng kinh tế là toàn bộ cơ sở hạ tầng bảo đảm trực tiếp cho phát triển kinh tế, gồm: mạng lưới giao thông vận tải; mạng lưới cấp thoát nước, điện, khí; mạng lưới bưu chính - viễn thông, thông tin liên lạc; hệ thống thuỷ lợi. Kết cấu hạ tầng xã hội là toàn bộ cơ sở hạ tầng bảo đảm trực tiếp cho phát triển xã hội, gồm: nhà ở, các cơ sở trường học, y tế, văn hoá; cơ sở nghiên cứu khoa học; công trình công cộng; cơ sở và công trình bảo vệ môi trường…
Tiếp cận theo ý nghĩa vật chất và phi vật chất, nước công nghiệp hiện đại có kết cấu hạ tầng cứng và kết cấu hạ tầng mềm. Kết cấu hạ tầng cứng là toàn bộ cơ sở hạ tầng vật chất bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng mềm là toàn bộ cơ sở luật pháp, cơ chế, chính sách, thông tin gắn với trí tuệ con người, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần này, để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng ta đã lựa chọn ba khâu đột phá nêu trên chính là nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn: Chính phủ.vn