Để có cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong đó có vấn đề mối quan hệ giữa Đảng với Dân, một số cơ quan đã có các cuộc điều tra, khảo sát về vấn đề niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Chúng ta hãy chờ kết quả những công trình nghiên cứu trên cơ sở điều tra khảo sát một cách khách quan, khoa học.
Tuy nhiên, dưới góc độ khác nhau, cách diễn đạt khác nhau thì có một sự thật hiển nhiên là niềm tin của nhân dân đã bị giảm sút. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ:"Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước".
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã coi “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” lại đề cập sự giảm sút niềm tin ở một khía cạnh khác là “Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.
Trên một số diễn đàn, trong các cuộc tiếp xúc với quần chúng nhân dân, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng rất bức xúc khi nói về niềm tin trong xã hội ngày nay. Ngày 26-12-2012, trong buổi tiếp xúc cử tri Quận I, TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: “Tôi thấy buồn lòng và xấu hổ khi niềm tin trong dân giảm sút, khi các cô bác, anh chị, các đồng chí không tin tưởng”. Trong bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng một lần nữa khẳng đinh: “Những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân”. Như vậy rõ ràng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước có vấn đề, đạo đức xã hội xuống cấp, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm dẫn đến niềm tin của nhân dân giảm sút. Niềm tin bị giảm thì đã rõ, nhưng giảm ở mức độ nào, nghiêm trọng hay chưa nghiêm trọng, giảm bao nhiêu phần trăm thì chưa ai có thể đo đếm được.
Trong thời gian qua Chính phủ nói rất nhiều về việc xây dựng lòng tin với các đối tác nước ngoài, với bạn bè thế giới. Nhưng điều vô cùng quan trọng là củng cố, xây dựng lòng tin của người dân trong nước đối với Đảng, Nhà nước. Vậy làm thế nào để không làm vơi đi niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước?
Trước hết, cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, niềm tin và muốn xây dựng niềm tin của người dân thời bình rất khác với niềm tin thời chiến. Trong chiến tranh niềm tin dễ dàng được tập hợp, được hun đúc, được dấy lên vì một mục tiêu chung của cả dân tộc trước tình thế cấp bách của sự đe dọa bởi giặc ngoại xâm. Nhưng trong hòa bình, hoàn cảnh và nhu cầu của mọi người đã khác đi, lúc này vai trò của cá nhân nổi lên rất quan trọng, đòi hỏi phải khẳng định cá nhân của mình trong mỗi lĩnh vực. Nếu như trong những năm tháng hoạt động bí mật, trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ mà anh dũng, cứ nghe hai từ đảng viên thì người dân đã tin tưởng và kính trọng. Còn ngày nay, “không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà được họ yêu mến”. Không chỉ nói mà hành động gương mẫu, “một tấm gương sáng” của người đảng viên nhiều khi còn hơn cả “trăm bài diễn thuyết”.
Thứ hai, phải biết giữ lời hứa trước dân. Dân gian có câu “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, thành viên Chính phủ cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải để làm quan, không phải để ngồi trên ăn trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có hạnh phúc”(1) . Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, nhiều nhu cầu, quyền, lợi ích chính đáng, cũng như những vấn đề bức xúc, thậm chí tính mạng của dân trong một thời gian dài không được giải quyết đến nơi đến chốn, cán bộ có trách nhiệm hứa đi hứa lại nhiều lần rồi lại đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí né tránh. Không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng có uy tín thật sự, ngược lại không cán bộ có uy mà không có tín hoặc uy tín giả tạo do mua bán mà có. Uy tín thấp một phần là hậu quả của tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương... chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trong công tác cán bộ hiện nay, chúng ta đã chưa chú trọng đến việc chọn người phải biết thực hiện lời hứa. Có người hứa rồi cũng không thực hiện, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta chưa có thể chế buộc các nhà chính trị hứa khi nhận chức và thực thi một cách nghiêm chỉnh các lời hứa của mình.
Thứ ba, công khai, minh bạch là yếu tố rất quan trọng tạo dựng niềm tin. Công khai, minh bạch chính là thực hiện quyền dân chủ, quyền được “biết” của người dân. Minh bạch trong Đảng, trong Nhà nước, minh bạch của cán bộ, công dân là một trong những yêu cầu tất yếu của một xã hội văn minh, hiện đại. Đối với cán bộ, đảng viên cần minh bạch trong mọi vấn đề như hồ sơ, lý lịch, tuổi tác, chương trình hành động, quá trình công tác của cán bộ, đảng viên và nhất là tài sản, thu nhập đó là chìa khóa để dân tin, giải quyết mâu thuẫn, giải quyết mọi sự bức xúc, hoài nghi không đáng có. Như vậy người dân mới hiểu biết hết người lãnh đạo của mình để mà tin hay không. Từ đó toàn dân toàn tâm, toàn ý với Đảng, với Nhà nước, chung tay xây dựng, bảo vệ một quốc gia Việt Nam giàu mạnh, bền vững, trường tồn. Trong những năm bao cấp từ cán bộ đến người dân đều nghèo như nhau cho nên dân tin cán bộ, cán bộ tin dân. Còn ngày nay ở không ít cán bộ, đảng viên vẫn có nhiều “góc khuất”, nhiều phạm vi “bí mật” mà niềm tin vơi đi cũng là điều dễ hiểu.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện 8 phong cách với dân. Trong bài báo “Dân vận” viết cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Ngày nay, Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện 8 phong cách là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Nếu mọi đảng viên của Đảng đều thực hiện tốt 8 phong cách nói trên một cách thiết thực, cụ thể thì chỉ trong một thời gian không lâu, uy tín của Đảng sẽ được củng cố và tăng cường một cách vững chắc. Muốn được như vậy, hãy bắt đầu từ những người đứng đầu ở mọi cấp. Dân gian có câu "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn". Đó là nguyên lý căn bản của cuộc sống, do đó "thượng" phải "chính". Và "chính" phải được kiểm nghiệm, công khai, minh bạch và được giám sát, kiểm tra của đông đảo quần chúng nhân dân.
Vũ Lân