Triển khai Nghị quyết số 25 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã quyết định chọn năm 2014 là “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận” nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ về công tác dân vận.
Theo đó, “Năm Dân vận - 2014” sẽ được triển khai sâu rộng với hai khâu đột phá:
Một là, nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong các cơ quan Trung ương.
Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan nhà nước, trọng tâm là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân với mục tiêu xây dựng và thực hành nền hành chính dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả “Năm Dân vận - 2014”, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
1- Tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, cụ thể là: Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Quyết định số 290 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận, Quy chế công tác dân vận, Chương trình hành động số 16, Kế hoạch “Năm Dân vận” của Đảng uỷ Khối cùng với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động. Cụ thể hóa hai khâu đột phá của Đảng bộ Khối thành những nhiệm vụ cụ thể của từng đảng bộ, chi bộ phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.
2- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận. Lấy chi bộ làm địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện, làm chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Các cấp uỷ đưa nội dung công tác dân vận vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm; chỉ đạo các đoàn thể tổ chức phong trào thi đua yêu nước và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích về công tác dân vận; phấn đấu trong năm 2014, 100% chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác dân vận. Cấp uỷ phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ nhằm thực hiện tốt công khai, minh bạch, dân chủ hóa trong các hoạt động của cơ quan và đơn vị.
3- Phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại, chất vấn trong Đảng, thực hiện tốt công tác vận động, tập hợp cán bộ, đảng viên và quần chúng, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong cơ quan; thực hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy dân chủ ngay từ sinh hoạt chi bộ và trong các cuộc họp cấp ủy. Các cấp ủy cần phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện quy định về việc tiếp dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đảng viên về những vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc ngành, lĩnh vực, đơn vị mình phụ trách. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để nắm tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu các ý kiến đóng góp và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
4- Nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề 2014: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Các cấp ủy cần phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính sách hợp lòng dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính ngay trong từng chi bộ, đảng bộ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hoá, công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí. Chú trọng quản lý, giám sát đảng viên thực hành đạo đức công vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách và điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đã đề ra.
5- Chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong toàn Đảng bộ Khối. Các cấp ủy cần phối hợp với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan để phân công lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cơ quan phụ trách công tác dân vận, bố trí cán bộ chuyên trách gắn với triển khai Quy định số 215 ngày 05-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quyền hạn của đảng ủy cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân vận cho các đồng chí phụ trách công tác dân vận và cán bộ làm công tác dân vận và đoàn thể. Đảng ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đưa nội dung kiểm tra, giám sát về công tác dân vận vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng quý và năm, trọng tâm là việc thực hiện đạo đức công vụ và quy chế dân chủ ở cơ sở.
Phúc Hồng