Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác vận động đồng bào Khmer, Tỉnh uỷ An Giang luôn phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cấp ủy xã nhằm nâng cao chất lượng của công tác vận động đồng bào Khmer.
An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Tà-Keo và Kan-Đan (Vương quốc Căm-pu-chia). An Giang có các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, trong đó có 90.271 người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 4,2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer sống tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đây là hai huyện miền núi và biên giới có địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đồng bào Khmer ở An Giang sống tập hợp thành phum, sóc (tổ chức xã hội cổ truyền của đồng bào), kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với đời sống văn hoá, tín ngưỡng phong phú và đa dạng.
Với những đặc thù riêng, các đảng bộ xã có đồng bào Khmer sinh sống đã triển khai, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của tỉnh về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc và công tác vận động đồng bào Khmer như: Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) về công tác ở vùng đồng bào Khmer; Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015; Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Đề án số 05-ĐA/TU, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy… Thời gian qua, các đảng bộ xã không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân luôn gắn bó trong công tác vận động đồng bào Khmer. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở An Giang được nâng lên. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đời sống của đồng bào Khmer ở An Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan… còn tồn tại ở một số nơi. Việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Tình hình đồng bào Khmer qua lại biên giới trái phép vẫn còn. Bị sự tác động của các thế lực thù địch, một bộ phận người Khmer đã có tư tưởng hoài nghi về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã tham gia các vụ việc khiếu kiện đông người, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương…
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là một số đảng bộ xã ở An Giang chưa coi trọng công tác vận động đồng bào Khmer; nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác vận động đồng bào Khmer chưa cao; việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và đoàn thể các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Việc đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào Khmer ở một số đảng bộ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước thực trạng trên, để nâng cao chất lượng công tác vận động đồng bào Khmer trong thời gian tới, các đảng bộ xã ở An Giang xác định thực hiện đồng thời các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào Khmer trong thời kỳ mới. Đảng bộ các xã tổ chức quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cấp ủy đảng về công tác dân vận, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác vận động đồng bào Khmer cho cán bộ, đảng viên một cách hiệu quả. Đưa nội dung công tác vận động đồng bào Khmer vào trong sinh hoạt chi, đảng bộ hằng tháng, hằng quý đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Hoạt động của đảng bộ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải hướng tới việc chăm lo cho đồng bào Khmer và coi trọng giải quyết những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của đồng bào.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào Khmer, đảm bảo phong phú và đa dạng với phương châm: tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc. Nội dung vận động phải tập trung vào: vận động đồng bào Khmer chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của địa phương; vận động đồng bào tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…
Về phương thức vận động, tiếp tục củng cố hệ thống truyền thanh như báo, đài đảm bảo cung cấp thông tin bằng cả hai thứ tiếng (Kinh và Khmer); phát huy vai trò của các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo người Khmer tham gia công tác vận động đồng bào Khmer…
Ba là, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào Khmer; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer; quy hoạch lại nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vận động đồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer; vận động đồng bào đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ là người Khmer; thực hiện tốt công tác cán bộ ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở đủ về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, uy tín; xây dựng và phát triển cán bộ là người Khmer. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý cán bộ là người Khmer và thực hiện tốt việc phát triển đảng viên là người Khmer. Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đãi ngộ cán bộ là người Khmer.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động đồng bào Khmer gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào Khmer hiểu đúng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của tỉnh đối với đồng bào dân tộc Khmer. Tăng cường tuyên truyền về lịch sử vùng đất Nam bộ, trong đó có An Giang, truyền thống đoàn kết của các dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhận rõ âm mưu của bọn phản động, không để kẻ xấu xúi dục kích động lôi kéo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động thuyết phục tầng lớp sư sãi, người có uy tín trong dân tộc Khmer, động viên họ đóng vai trò tích cực, nòng cốt trong phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng ở địa phương. Tích cực động viên đồng bào Khmer hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào gắn với nhiệm vụ giữ gìn quốc phòng an ninh tại địa phương.
Dương Thị Bích Thủy
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang