Để quy chế dân chủ ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, huyện Phước Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ huyện đến xã, thị trấn và các doanh nghiệp. Ban chỉ đạo đã hướng dẫn các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước tổ chức tốt việc học tập, quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị định của Chính phủ và nội dung của quy chế dân chủ cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và nhân dân trong toàn huyện một cách đồng bộ. Qua đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn huyện. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của huyện đã in trên khổ giấy lớn nội dung các chương II, III, IV, V trong quy chế dân chủ phát cho các xã và từng thôn, bản, làng niêm yết ngay tại trụ sở UBND xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, Ban chỉ đạo của huyện cũng đã biên dịch và in ấn hương ước, quy ước của các thôn, làng, bản đồng bào dân tộc thiểu số…
Qua triển khai học tập quy chế dân chủ ở cơ sở, bước đầu đã tạo ra động lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà nước, khắc phục một phần nạn quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, mất đoàn kết, xa rời quần chúng…, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân; giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội; đóng góp tích cực vào cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Chính nhờ việc triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên đến nay các ban, ngành từ huyện đến cơ sở đều đã xây dựng quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ; quy chế phối hợp giữa HĐND-UBND-UBMTTQ và các ban, ngành của xã trong công tác hòa giải, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo… ngày càng đi vào nền nếp. Hằng năm, các chỉ tiêu, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như các vấn đề có liên quan đến địa phương, các cơ quan, các đơn vị được UBND các xã tiến hành quán triệt và thông báo cho cán bộ, công chức, nhân dân biết tại các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua hệ thống loa truyền thanh công cộng. Các thủ tục quy định về hành chính, các mức thu theo quy định đều được thông báo công khai đến các thôn, bản, làng và được niêm yết tại các điểm sinh hoạt công cộng.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn huyện cũng phát huy tinh thần dân chủ, công khai, phát huy tính sáng tạo, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của người lao động trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp. Đến nay 17/17 doanh nghiệp đều xây dựng được thỏa ước lao động tập thể đối với người lao động, thực hiện quy chế đã đề ra, đời sống cán bộ, công nhân lao động ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Qua đó góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân và huy động được sức sáng tạo trong nhân dân vào công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, thực hiện tốt việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, góp phần đổi mới trong hoạt động chính quyền.
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên đến nay, huyện miền núi Phước Sơn đã giải quyết xong cơ bản đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho các đối tượng thuộc diện 132, 134, 154 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 4,02 ha đất ở và 34 ha đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành trong huyện xây dựng được 567 căn nhà (sửa chữa 87 căn) gồm nhà tình nghĩa, nhà 134 với tổng kinh phí 7,976 tỷ đồng; trong đó có 57 căn nhà Đại đoàn kết với kinh phí 1 tỷ đồng cấp cho các hộ gia đình chính sách, gia đình các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…; hoàn thành 9 công trình nước sạch tập trung, cấp 9.483 thẻ bảo hiểm y tế theo chương trình 139 của Chính phủ. Tính đến nay, có 8 xã là Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Lộc, Phước Đức, Phước Mỹ, Phước Năng, Phước Chánh và Phước Thành được UBMTTQ Việt Nam công nhận đã xóa xong nhà tranh tre, dột nát, tạm bợ.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện cũng có kết quả đáng phấn khởi. Tính đến nay, toàn huyện đã có 9.565 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 7 năm liền, 47 cơ quan và 65 thôn, bản được công nhận cơ quan, thôn, bản văn hóa. Các đoàn thể ở các thôn, bản được củng cố và kiện toàn ngày càng vững mạnh, theo định kỳ tổ chức sinh hoạt với những nội dung thảo luận công việc tự quản, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của thôn, bản, làng, xã… Đồng thời, Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn, bản triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống và bản sắc văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đến nay toàn huyện có 65 tổ hòa giải, 65/65 thôn, bản xây dựng được hương ước, quy ước và đã được UBND huyện phê duyệt, 12/12 xã, thị trấn có ban thanh tra nhân dân. Trong 5 năm qua, ban thanh tra nhân dân các xã đã giải quyết được 79 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Việc thực hiện quy chế dân chủ cũng đã có những tác động tích cực vào công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở, công tác cải cách hành chính, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân. Đồng thời việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh trưởng thôn, bản và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu thực sự dân chủ, công khai, khách quan theo đúng tinh thần Thông tri số 06 của UBMTTQ Việt Nam, đã tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
UBND các xã đều niêm yết công khai các nội dung giải quyết công việc chuyên môn gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân liên hệ công tác. Từ huyện đến xã đều triển khai thực hiện cải cách hành chính theo mô hình một cửa chủ yếu ở các lĩnh vực: cấp phép xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ tịch, chứng thực và giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Qua việc thực hiện này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giải quyết công việc nhanh chóng, giảm tình trạng hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, tạo nên bầu không khí dân chủ, cởi mở, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác thu chi tài chính, hằng năm các khoản đóng góp của nhân dân, các công trình xây dựng tại địa phương đều được công khai tại trụ sở làm việc của xã, thôn, bản để cho nhân dân đóng góp ý kiến. Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong thời gian qua, các kế hoạch, quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng đều được đưa ra tham khảo ý kiến rộng rãi trong nhân dân và lấy ý kiến của nhân dân trước khi triển khai thực hiện. Do đó, các khoản đóng góp đều được nhân dân đồng tình, tự giác ủng hộ. Cụ thể trong 5 năm qua, nhân dân huyện Phước Sơn đã đóng góp tiền xây dựng trường trên 2 tỷ đồng, tiền lao động công ích 250 triệu đồng, tiền an ninh quốc phòng gần 350 triệu đồng.
Có thể nói, tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng nhưng với việc triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam đã và đang từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Cao Anh
Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III