Tuy là huyện vùng cao có nhiều khó khăn như điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mặt bằng dân trí không đều… nhưng nhân dân huyện Con Cuông đã biết vượt lên những khó khăn, kinh tế dần đi vào thế ổn định và phát triển.
Huyện Con Cuông (Nghệ An) có 15.905 hộ với 64.430 khẩu thuộc 8 dân tộc: Thái, Kinh, Đan Lai, Hoa, Tày, Nùng, Khơ Mú và Ê Đê cùng chung sống hoà thuận. Những năm qua, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dành sự ưu tiên cho phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc trong huyện tích cực thi đua lao động sản xuất, từng bước thoát khỏi đói nghèo. Hệ thống chính trị được chăm lo và củng cố vững chắc, an ninh nội địa và an ninh biên giới được giữ vững.
Tuy là huyện vùng cao có nhiều khó khăn như điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mặt bằng dân trí không đều… nhưng nhân dân huyện Con Cuông đã biết vượt lên những khó khăn, kinh tế dần đi vào thế ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế được các cấp ủy lãnh đạo chuyển dịch đúng hướng, giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi cách làm ăn, tích cực khai hoang, phục hóa, mạnh dạn đưa giống mới có năng suất cao, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Huyện luôn dành sự ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho những vùng còn có khó khăn. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển chung, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Con Cuông không ngừng được cải thiện. Đến nay Con Cuông đã có đường giao thông về đến trung tâm 13/13 xã, thị trấn; các xã, thị trấn đều có trường học cao tầng; 12/13 xã có điện lưới quốc gia; bình quân 3 người dân có 1 người đi học, 200 người dân có 1 cán bộ y tế, 124/124 thôn, bản có y tá, 13 xã, thị trấn có trạm xá, toàn huyện có 1 bệnh viện đa khoa, có 5 xã đạt chuẩn quốc gia y tế. Nền văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy vừa là nhu cầu và là động lực tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiện có 59 làng văn hoá, hằng năm có gần 70% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá. Các thôn, bản đã có quy ước, hương ước góp phần ổn định trật tự, an ninh, xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá làm đẹp bản, mường...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công ở Con Cuông là nhờ có đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết với công tác xây dựng quê hương. Hiện nay, huyện có 1 nhà giáo ưu tú, có 1 phó giáo sư - tiến sỹ, gần 10 thạc sỹ và hàng trăm cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng là người thiểu số. Đây chính là những nhân tố nòng cốt dẫn dắt đồng bào dân tộc thiểu số ở Con Cuông vượt lên đói ngèo, lạc hậu, từng bước hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, cấp uỷ, chính quyền huyện Con Cuông tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Trước hết, tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, tiích cực thi đua lao động sản xuất. Cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, nhất là khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Trong nông nghiệp, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế hộ; tập trung phát triển vườn, rừng và chăn nuôi sản xuất hàng hoá; tăng cường đào tạo nghề, phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo xuống dưới 15% vào năm 2015; 80-90% số dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, được xem truyền hình, hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tiếp tục đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung đầu tư chăm lo nguồn lực con người. Cụ thể là nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm công tác cử tuyển, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, hạ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 15%, Thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ phát triển dân số dưới 1%, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị vững chắc, đưa hoạt động của các đoàn thể vào nền nếp, hướng tới cơ sở, bám cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện xoá đói giảm nghèo, thi đua làm giàu chính đáng.
Bốn là, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm, chống truyền đạo trái pháp luật, bảo vệ an ninh biên giới; tích cực xây dựng và phát huy vai trò tổ tự quản, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực phản động; Giữ gìn và phát huy, phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc, xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, ngoài việc làm tốt công tác dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc cần tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, huy động nội lực đóng góp của nhân dân, song cũng đòi hỏi rất nhiều sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, sự đoàn kết, đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số, sự quyết tâm vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền mọi cấp, mọi ngành.
Với khẩu hiệu: “Đoàn kết, đổi mới, phát huy truyền thống, khai thác mọi nguồn lực, quyết tâm tăng tốc thoát khỏi huyện nghèo” cùng với truyền thống của quê hương miền Trà Lân lịch sử, đồng bào các dân tộc huyện Con Cuông quyết tâm xây dựng Con Cuông sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá của vùng Tây Nam Nghệ An.
Phùng Văn Mùi
Huyện uỷ Con Cuông, Nghệ An