Phát huy tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Năm 1941, ngay từ những ngày đầu về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, trong thư ngỏ “Kính cáo đồng bào” (ngày 6-6-1941 ký tên Nguyễn Ái Quốc), Bác đã vạch ra con đường đấu tranh giành độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân ta: “Hiện thời, muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết” và Bác khẳng định: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do, độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.

Trong bức thư tâm huyết nói trên, trước tiên Bác kêu gọi: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ!”, rồi mới đến “các bạn sĩ, nông, công, thương, binh”(1). Điều đó chứng tỏ Bác coi trọng vị thế người cao tuổi trong cộng đồng, trong xã hội. Cũng tại thời điểm trên, trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Bác cũng đề cao vị thế, vai trò của người cao tuổi: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”; “Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao”(2).

Hưởng ứng lời kêu gọi nồng nhiệt của Bác, dưới ngọn cờ cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, đông đảo phụ lão cả nước cùng các tầng lớp nhân dân đã tập hợp và đoàn kết trong Mặt trận Việt minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) do Đảng và Bác lãnh đạo. Cùng với đó là các tổ chức “Phụ lão cứu quốc” bí mật được thành lập rộng khắp tại các làng, xã, phố phường. Hội Phụ lão cứu quốc đã sát cánh cùng các tổ chức cứu quốc khác tiến hành các hoạt động cách mạng trên khắp các vùng miền, tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Gần 20 ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, qua “Thư gửi các vị phụ lão”, Bác kêu gọi: “Các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”(3).

Từ đó, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, Mỹ xâm lược, hàng loạt tổ chức phụ lão cứu quốc được thành lập ở cơ sở khắp trong Nam và ngoài Bắc với các tên gọi khác nhau: Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Bảo thọ, Đội Bạch đầu quân…

Đến thời kỳ đất nước đổi mới, thể theo nguyện vọng của người cao tuổi cả nước và để kế tục truyền thống vẻ vang của tổ chức tiền thân “Phụ lão cứu quốc” ngày 24-9-1994, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập “Hội Người cao tuổi Việt Nam”. Tại đại hội thành lập Hội tiến hành trong hai ngày 9 và 10-5-1995, đã quyết định lấy ngày 10-5-1995 là Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội đặc thù của người cao tuổi Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo Điều lệ Hội phù hợp với Hiến pháp và Luật Người cao tuổi và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội có nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp rộng rãi người cao tuổi và tổ chức hội, nhằm tạo mọi điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội; làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, góp phần xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Để phát huy vai trò và truyền thống của người cao tuổi Việt Nam, động viên người cao tuổi tiếp tục cống hiến tiềm năng trí tuệ và kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: Lấy ngày 6-6 hằng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”. Bởi cũng chính ngày 6-6-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi: “Các bậc phụ huynh”, “các bậc hiền huynh chí sĩ” tổ chức những hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật… Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII đã quyết định lấy ngày 6-6 hằng năm là “Ngày Người cao tuổi Việt Nam” (điều 6 Luật Người cao tuổi). Như vậy là hằng năm, Người cao tuổi Việt Nam có một ngày kỷ niệm riêng, một ngày truyền thống của riêng mình, được nhân dân cả nước tôn vinh, kính trọng như với các đoàn thể khác.

Kỷ niệm lần thứ 70 Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6-1941 – 6-6-2011) năm nay vào giữa lúc các tổ chức hội đang tích cực chuẩn bị cho việc tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội. Để tổ chức kỷ niệm Ngày Người cao tuổi gắn với chào mừng Đại hội lần thứ IV của Hội một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, tổ chức hội các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:

-   Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, các cấp hội cần triển khai việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Người cao tuổi về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

-  Phát huy truyền thống cao đẹp của các thế hệ người cao tuổi Việt Nam, tiếp tục đóng góp tiềm năng, trí tuệ và kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Cổ vũ, động viên người cao tuổi tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Đặc biệt là xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh đủ sức làm lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi. Kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng tham gia chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, những người nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống.

Qua đó, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Biểu dương, khen thưởng những người cao tuổi đạt thành tích xuất sắc và những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi.

______

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr.197.

(2) Sách Hội Người cao tuổi Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 1996, tr.7-8.

(3)   Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.24.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất