Bồi dưỡng, rèn luyện các học viên đang đào tạo sĩ quan (ĐTSQ - các học viên đang được đào tạo trở thành sĩ quan quân đội) trong nguồn phát triển đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của các tổ chức đảng ở các lớp, đại đội, hệ, tiểu đoàn quản lý học viên thuộc Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 2. Đây cũng là mục tiêu, yêu cầu giáo dục - đào tạo của Nhà trường: “Gắn đào tạo cán bộ với phát triển đảng viên” và “Phấn đấu học viên tốt nghiệp ra trường đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, nhằm đào tạo ra đội ngũ cán bộ sĩ quan có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ tài và đức “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhóm các đối tượng tạo nguồn phát triển đảng viên của Nhà trường (bao gồm các quân nhân, công nhân viên chức trong biên chế), đối tượng nguồn phát triển đảng là những học viên ĐTSQ chưa từng là quân nhân, trúng tuyển vào trường từ các kỳ thi đại học quốc gia hằng năm chiếm một tỷ lệ lớn. Đây là lực lượng trẻ, giàu nhiệt huyết, hăng say học tập tiếp thu các kiến thức khoa học, kỹ năng quân sự, rèn luyện chính quy để trở thành người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhằm thực hiện mục tiêu “Gắn đào tạo cán bộ với phát triển đảng viên”, những năm qua, cùng với công tác đào tạo, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, cấp uỷ, chỉ huy cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong Nhà trường đã tập trung bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho các đối tượng nguồn phát triển đảng, mở các lớp học nâng cao nhận thức về Đảng, về xây dựng Đảng, thông qua nhiều hình thức giáo dục để giác ngộ về mục tiêu lý tưởng của Đảng, về Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và hệ thống nguyên tắc tổ chức của Đảng trên cơ sở đó, giáo dục xây dựng động cơ vào Đảng cho học viên một cách đúng đắn.
Tuy nhiên, do chất lượng đầu vào, năng lực học tập, trình độ nhận thức, trình độ giác ngộ, động cơ phấn đấu vào Đảng, ý thức tu dưỡng rèn luyện của từng học viên không đồng đều, còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Nguyên nhân còn do nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng chậm đổi mới; sự phối hợp giữa các tổ chức, các lực lượng chưa thực sự đồng bộ, nhịp nhàng; trách nhiệm của chủ thể và các lực lượng tham gia có lúc chưa cao. Vì vậy, công tác bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt đối với nguồn phát triển đảng của Nhà trường những năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục - đào tạo, cũng như chất lượng phát triển đảng viên là học viên của Nhà trường. Để góp phần nâng cao năng lực học tập, nhận thức chính trị, trình độ giác ngộ, tự giác xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng cho các đối tượng nguồn phát triển đảng, trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các cấp ủy cơ sở trong toàn Đảng bộ Nhà trường quan tâm hơn các nội dung sau:
Một là, nâng cao chất lượng bài giảng các môn khoa học xã hội và nhân văn nhằm nâng cao nhận thức chính trị, trình độ giác ngộ cho học viên trong quá trình học tập, rèn luyện.
Chất lượng bài giảng các môn khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao nhận thức chính trị, trình độ giác ngộ cho học viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Nội dung các môn học này trang bị kiến thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội trong các thời kỳ… Các môn khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin cho người chiến sĩ cộng sản. Trong đó cần đặc biệt coi trọng những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp học viên có cách phân tích, xem xét, đánh giá và xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách khoa học trên quan điểm, lập trường giai cấp công nhân. Đồng thời gắn nội dung giáo dục đào tạo cơ bản của khoa học xã hội và nhân văn với lịch sử truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và truyền thống của Nhà trường.
Hai là, làm tốt công tác giáo dục chính trị thường xuyên ở đơn vị học viên, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thanh niên trong giáo dục, rèn luyện và thử thách nguồn phát triển đảng.
Các khoa, hệ và các đơn vị quản lý học viên phải tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chương trình, nội dung học tập lý luận, chính trị theo quy định của Tổng cục Chính trị; sinh hoạt chính trị; thông báo chính trị; sinh hoạt ngày chính trị và văn hoá tinh thần ở cơ sở. Các hình thức giáo dục chính trị thường xuyên phải góp phần nâng cao nhận thức chính trị của học viên, nắm được bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, từ đó tạo niềm tin, động cơ phấn đấu vào Đảng cho học viên. Đồng thời, thông qua đó để mỗi học viên tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, đấu tranh với những hiện tượng sai trái, lệch lạc, xa rời mục tiêu lý tưởng trước những tác động tiêu cực từ đời sống xã hội.
Tổ chức đoàn thanh niên ở hệ, tiểu đoàn, lớp, đại đội học viên (đoàn cơ cở, chi đoàn) có vai trò quan trọng trong giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ, nhận thức chính trị, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống cho học viên ĐTSQ. Vì vậy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt vai trò của mình trong giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ, nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên là nguồn phát triển đảng. Đồng thời, phải thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên để giáo dục, thử thách các đối tượng nguồn phát triển đảng.
Ba là, tổ chức tốt việc học tập chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, kết hợp với kết quả giáo dục, rèn luyện trong học tập, xây dựng chính quy để kết nạp Đảng.
Trên cơ sở kế hoạch chung của cơ quan chính trị, hằng năm, các cấp uỷ cơ sở phải tiến hành công tác lựa chọn nguồn cho các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng theo quy định của Trung ương và của Tổng cục Chính trị.
Nội dung giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng cần phải đúng và đủ theo như Tổng cục Chính trị đã quy định: Lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay; Nội dung cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Nội dung cơ bản của Điều lệ Đảng; Viêc “Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên. Sau mỗi chương trình học tập cần phải tiến hành kiểm tra đánh giá kết quả nhận thức của người học bằng hình thức thi hoặc viết bài thu hoạch.
Kết hợp chặt chẽ giữa học tập nâng cao nhận thức chính trị với xây dựng nền nếp chính qui, chấp hành kỷ luật là một yếu tố quan trọng trong quá trình bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Việc rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tính tự giác trong chấp hành các chế độ qui định về nền nếp chính qui của học viên cần phải được tiến hành nghiêm trên cơ sở các quy định trong Điều lệnh và các quy định của Nhà trường. Quá trình rèn luyện, thử thách phải tập trung theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, truyền thống đạo đức của dân tộc, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tính tiền phong gương mẫu trong lời nói, việc làm, tính trung thực thẳng thắn, lòng nhân ái, độ lượng, tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư của người cán bộ, đảng viên, người quân nhân cách mạng. Việc theo dõi, đánh giá phải được tiến hành thường xuyên thông qua sinh hoạt đơn vị (lớp, đại đội, khoa, hệ) và thông qua nhận xét, đánh giá của tổ chức đoàn thanh niên cơ sở.
Kết quả học tập tại lớp bồi dưỡng cùng với kết quả học tập, rèn luyện và thực tiễn rèn luyện thử thách là các yếu tố quan trọng trước khi xét kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Chính vì vậy giữa cấp ủy và chính quyền (cán bộ lớp, chỉ huy trung đội, đại đội) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong đánh giá kết quả phấn đáu, rèn luyện của học viên.
Bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao chất lượng nguồn phát triển đảng là học viên ĐTSQ ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 2 là một quá trình kết hợp giữa giáo dục - đào tạo của Đảng bộ Nhà trường, đơn vị với quá trình rèn luyện, nỗ lực không ngừng phấn đấu vươn lên của mỗi học viên. Quá trình này được thực hiện tốt sẽ góp phần đào tạo ra những thế hệ sĩ quan vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, ThS Phạm Tấn Nam
Phó chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Lục quân 2