Đồng Tháp quan tâm kết nạp, phát huy vai trò đảng viên là người có đạo
Đồng Tháp luôn quan tâm kết nạp đảng viên
Đồng Tháp hiện có 17 tổ chức tôn giáo hợp pháp đang hoạt động, bao gồm: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, 5 hệ phái Cao Đài, Công giáo, 5 hệ phái Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân hiếu nghĩa Ngô Lợi, 2 hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam Tông Minh sư đạo. Tổng số tín đồ là 364.990, chiếm 21,88% dân số; có 997 chức sắc, 3.362 chức việc và 450 cơ sở thờ tự. Thời gian qua, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, theo tôn chỉ, mục đích của đạo. Các tổ chức tôn giáo còn tham gia thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương, xây dựng cầu đường nông thôn, tổ từ thiện... ở các địa phương. Nhiều tín đồ, chức sắc, chức việc phát huy tốt truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo.  

Thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW  "Quy định một số điểm về kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo", Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã chỉ đạo triển khai, quán triệt trong hệ thống chính trị, cán bộ chủ chốt và đảng viên từ cấp tỉnh đến cơ sở. Căn cứ các nghị quyết, kế hoạch kết nạp đảng viên của Tỉnh uỷ trong từng nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hướng dẫn cụ thể về quy trình tạo nguồn, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng tín đồ, hồ sơ thủ tục kết nạp đảng viên người có đạo.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp quần chúng là tín đồ, chức việc, chức sắc tôn giáo được quan tâm đảm bảo phương châm, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp vào Đảng theo quy định. Từ năm 2005 đến tháng 3-2012, cấp uỷ cơ sở đã kết hợp với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp tổ chức giáo dục, tạo nguồn bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng có đạo là tín đồ, chức sắc của các tôn giáo được nhà nước công nhận tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Qua đó, đã xem xét, kết nạp 982 đảng viên (gồm 967 tín đồ, 4 chức sắc, 11 chức việc). Đến nay, tổng số đảng viên là người có đạo là 1.389. Toàn tỉnh có 4 chức sắc được kết nạp vào Đảng, tất cả đều đang sinh hoạt đảng công khai tại chi bộ ấp, khóm nơi có cơ sở thờ tự đóng trên địa bàn, nên việc sinh hoạt được thuận lợi.

Trong sinh hoạt tôn giáo, đa số đảng viên là tín đồ, chức sắc làm tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Khi thực hiện chủ trương tại địa phương, các tổ chức đảng nơi đảng viên là người có đạo sinh hoạt phân công đảng viên có đạo giáo dục, vận động thuyết phục các tín đồ hiểu, thực hiện đúng. Chưa phát hiện những biểu hiện, hành vi lợi dụng tôn giáo hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại đường lối của Đảng, có hại đến lợi ích của nhân dân và đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.

Những kết quả đó là do:

Một là, công tác kết nạp đảng viên là người có đạo và quản lý, phân công đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng. Địa phương nào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phối hợp giáo dục, thuyết phục nâng cao nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú là tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo thì kết nạp được nhiều đảng viên. Có nơi chọn đơn vị làm điểm về việc nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên và xây dựng lực lượng cốt cán trong quần chúng có đạo (Đảng bộ huyện Lấp Vò), các cấp uỷ, tổ chức đảng phối hợp chặt chẽ với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ khâu khảo sát, rà soát, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người có đạo, tạo thuận lợi cho việc quản lý, phân công đảng viên có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo.

Hai là, các cấp uỷ, tổ chức đảng tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo; giải quyết kịp thời những khiếu kiện, không để xảy ra điểm nóng, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, công tác quản lý đảng viên của các cấp ủy khá chặt chẽ. Đa số đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo đều thực hiện đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của đảng viên, phát huy tốt vai trò của đảng viên, nhất là việc tuyên truyền, giáo dục trong giáo dân nâng cao cảnh giác với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.

Ba là, thường xuyên tổ chức học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng cho đảng viên là người có đạo; xây dựng tiêu chí kết nạp đảng viên và xác định rõ nội dung hoạt động, nhiệm vụ chủ yếu của từng đảng viên là người có đạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng và phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một ít tín đồ tôn giáo hoạt động chưa theo quy định; một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo phát triển nơi thờ tự trái phép, tranh chấp, khiếu kiện đất đai, kích động, gây mất an ninh trật tự xã hội. Một số đảng viên là người có đạo chưa học tập, nghiên cứu sâu về Đảng nên giáo dục, thuyết phục quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc nhiều khi còn lúng túng, bị động; việc đóng góp xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế; vai trò nòng cốt của đảng viên là người có đạo có lúc chưa được phát huy. Việc thẩm tra, xác minh lý lịch đối với các trường hợp có vấn đề về quan hệ lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay phức tạp còn gặp nhiều khó khăn; hình thức và nội dung sinh hoạt của đảng viên là chức sắc, chức việc tôn giáo còn bất cập, lúng túng.

Một số cấp uỷ, tổ chức đảng thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu rộng quy định và các hướng dẫn của Trung ương, quá trình tổ chức thực hiện thiếu kiểm tra, đôn đốc; chưa mạnh dạn tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên đối với người có đạo, nhất là chức sắc, chức việc; công tác quản lý, phân công đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo có nơi thực hiện chưa tốt....

Đồng Tháp xác định tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đảng viên đối với người có đạo; quản lý và phát huy tốt vai trò nòng cốt của đảng viên sinh hoạt trong các tôn giáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập hợp quần chúng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kết nạp đảng viên đối với người có đạo, góp phần đến năm 2015 tỷ lệ đảng viên đạt trên 3% so dân số. Theo đó, thực hiện tốt các biện pháp:

Thứ nhất, các cấp ủy xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tôn giáo và hoạt động tôn giáo, tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, quản lý đảng viên, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định của Đảng, từ đó mạnh dạn tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên đối với người có đạo, nhất là chức sắc, chức việc.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giác ngộ tín đồ cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên về phẩm chất đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ; mạnh dạn đưa ra khỏi đảng những đảng viên thoái hoá, biến chất, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, tạo lòng tin của quần chúng tín đồ đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở về quy trình, hồ sơ thủ tục kết nạp đảng viên đối với người có đạo; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và nêu gương điển hình quần chúng tín đồ, những đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo nòng cốt tiêu biểu, tích cực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất