Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, là một tỉnh có diện tích nhỏ, trên 80% dân cư sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, rất ít tài nguyên khoáng sản.
Nhiều địa phương trong tỉnh vì chuyển đổi cơ cấu kinh tế, không ít nơi đất nông nghiệp hầu như đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, nhiều gia đình đảng viên khu vực nông thôn không còn đất sản xuất; ở những nơi không có công nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thời gian nhàn rỗi của người dân khá nhiều, đời sống của nhiều hộ gia đình, trong đó có gia đình đảng viên còn khó khăn. Để có thêm thu nhập, nhân dân, trong đó có các đảng viên có xu hướng về các thành phố, vào các khu công nghiệp tìm kiếm việc làm. Thực tế số đảng viên, nhất là đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng khu vực nông thôn trong tỉnh thường xuyên đi làm ăn xa nơi cư trú khá đông. Khảo sát tại 10 đảng bộ xã, mỗi xã có từ 35-65 (khoảng gần 10%) đảng viên thường xuyên đi làm ăn xa nhà, nên công tác quản lý đảng viên gặp nhiều khó khăn.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, các đảng viên này có nhu cầu đi làm kinh tế xa nhà là một nhu cầu chính đáng, bên cạnh mặt tích cực, việc nhiều đảng viên thường xuyên vắng mặt đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng. Có đảng bộ xã với trên 400 đảng viên thì hiện có 65 đảng viên đi làm ăn xa, phần đông đều là các đảng viên trẻ và trung tuổi. Vì vậy, mỗi khi triển khai nhiệm vụ đảng ủy xã giao, nhiều chi bộ gặp khó khăn vì thiếu lực lượng, nhiều chi bộ thường chỉ có đồng chí bí thư chi bộ, một số đảng viên cao tuổi, đảng viên hưu trí tham gia sinh hoạt.
Hiện, Đảng bộ Hưng Yên có 14 đảng bộ trực thuộc, 600 tổ chức cơ sở đảng với 2.642 chi bộ, 58.663 đảng viên. Thực hiện chương trình xây hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh, khi triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, đảng bộ xã phải tập trung lãnh đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng như dồn điền đổi thửa, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển các doanh nghiệp, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng, rất cần sự tham gia trực tiếp của các đảng viên, thông qua đó lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Nhưng với lý do đi làm kinh tế xa, đảng viên của xã vắng mặt khiến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ gặp khó khăn. Nhiều đảng viên khu vực nông thôn thường xuyên vắng mặt, đi làm ăn đang nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên: Triển khai học tập nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở những đảng viên này rất hạn chế, không thường xuyên duy trì mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú. Thực tế, những đảng viên đi làm ăn xa ở đâu, làm gì trong một thời gian dài, tổ chức đảng địa phương không nắm rõ, nhưng do bị ràng buộc bởi các mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm nên việc xử lý những vi phạm này cũng thường ở hình thức nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, việc đánh giá, phân loại đảng viên đi làm ăn xa, lâu ngày, ít tham gia công tác gặp khó khăn, còn hình thức, chưa đúng yêu cầu của việc đánh giá chất lượng đảng viên.
Trước yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong điều kiện toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đòi hỏi công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên, trong đó có công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú phải được tăng cường. Để công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa phù hợp, các cấp ủy đảng cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kế hoạch, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Qua đó phát triển và làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân và các đảng viên có việc làm, cuộc sống gia đình ổn định.
Hai là, quan tâm hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, phân công nhiệm cụ thể gắn với các phong trào ở địa phương, tạo điều kiện để các đảng viên khu vực nông thôn yên tâm làm việc, sinh sống ở quê hương. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 09, ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên đối với sự nghiệp phát triển nông thôn.
Ba là, trong tình hình hiện nay, việc các đảng viên nông thôn xin phép đi làm kinh tế xa nhà là một nhu cầu chính đáng, số đảng viên đi làm ăn xa còn đông. Do vậy, cùng với các giải pháp nêu trên, trước mắt các đảng viên đi làm ăn xa và tổ chức đảng ở cơ sở phải thực hiện nghiêm hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về quản lý sinh hoạt của đảng viên đi làm việc lưu động xa nơi cư trú, cụ thể là những nơi chưa có tổ chức đảng, không có điều kiện về tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng thì đảng viên phải làm đơn báo cáo chi bộ xem xét cho tạm miễn sinh hoạt đảng. Hết thời hạn tạm miễn sinh hoạt đảng phải làm bản tự kiểm điểm về việc giữ gìn tư cách đảng viên, báo cáo chi bộ để chi bộ xét cho sinh hoạt đảng trở lại.
Bốn là, đề nghị Trung ương có quy định cụ thể hơn với tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đi làm ăn xa đến làm việc, cư trú, phối hợp theo dõi và định kỳ 6 tháng một lần thông báo với tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên cư trú về việc đảng viên chấp hành đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nơi đến và việc giữ gìn tư cách đảng viên.
Trung ương cần có mẫu giấy tạm miễn sinh hoạt đảng cho đảng viên đi làm ăn xa và nhận xét của tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đến trong cùng một tờ, khi đảng viên đi làm ăn xa đến nơi tạm trú chỉ cần xuất trình giấy tạm miễn sinh hoạt đảng với tổ chức cơ sở đảng nơi đến, hết thời hạn một năm, tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên tạm trú ghi ngay nhận xét vào giấy tạm miễn sinh hoạt đảng để đảng viên về báo cáo với chi bộ nơi cư trú.
Phúc Sơn (tổng hợp)