ASEAN sau hơn 42 năm hình thành và phát triển đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù đối mặt với hệ quả của cơn bão tài chính toàn cầu vừa qua, song ASEAN vẫn không ngừng thu hút, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, từng bước khẳng định vị thế quốc tế của mình. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đảm trách chèo lái con thuyền ASEAN tiếp tục hướng tới một Cộng đồng ASEAN (AC) bền chặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, với việc đưa bản Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống.
ASEAN trên từng chặng đường
Trong hơn 42 năm qua, ASEAN đã phát huy vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phồn vinh và phát triển của khu vực. ASEAN đã đi theo “Phương thức ASEAN”- một con đường hợp tác với bản sắc riêng một cách sáng tạo trong khu vực đầy phức tạp mang tính đa dạng. Nhìn lại quá trình liên kết ASEAN, có thể thấy rõ, Đông Nam Á đã thiết lập những dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập khu vực. Dấu mốc thứ nhất là thành lập tổ chức ASEAN năm 1967, đánh dấu các nước Đông Nam Á thực sự gác lại những tranh chấp bất đồng, xây dựng lòng tin, hướng tới một hiệp hội thống nhất. Khi mới hình thành, ASEAN lấy hợp tác chính trị làm chính, dần dần phát triển sang hợp tác kinh tế, văn hóa - xã hội. Mốc thứ hai là thỏa thuận xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1993 và kế hoạch này đã được hoàn tất năm 2002. Mốc thứ ba là tuyên bố xây dựng Cộng đồng ASEAN (tháng 10-2003) dựa trên 3 trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC).
Nằm ở vị trí địa - chiến lược, Đông Nam Á từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển như vũ bão của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, Đông Nam Á ngày càng trở nên sống động không chỉ bởi sự gia tăng hợp tác và liên kết nội khối, mà còn trở thành nơi hội tụ của các sáng kiến mới thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN với các đối tác bên ngoài. Trước xu thế này, các nhà lãnh đạo ASEAN càng nhận thức rõ hơn tính bức thiết trong việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong nội khối cũng như ngoài khu vực. Chính vì vậy, việc hướng tới AC là phương cách giúp khối liên kết chặt chẽ, xích lại gần nhau hơn vì một hiệp hội thống nhất; đồng thời mở rộng quan hệ đối tác, đối thoại chiến lược với các nước, các tổ chức quốc tế; gia tăng “sức đề kháng” và “sức hấp dẫn” của ASEAN trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15, tổ chức ở Cha-am, Hua Hin (Thái Lan, tháng 10-2009), mục tiêu xây dựng AEC vào năm 2015 - giai đoạn đầu tiên phát triển AC - đã được các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định. AEC được hiện thực hóa sẽ là cơ sở để biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, biến sự đa dạng của khu vực thành những cơ hội phát triển kinh doanh, đưa ASEAN trở thành một “mắt xích” năng động và mạnh mẽ hơn trong dây chuyền cung ứng toàn cầu. AEC mà ASEAN xây dựng nên trong năm 2015 sẽ là sự quá độ để hướng tới một sự nhất thể hóa ở mức độ cao hơn, hướng tới sự phát triển ở tầm vóc mới.
Bên cạnh đó, Hiến chương ASEAN sau khi được chính thức thông qua vào ngày 15-12-2008 đang trở thành một hành lang để 10 nước thành viên ASEAN cùng tiến bước. Đây là sự kiện không chỉ đánh dấu về tính nghiêm túc của ASEAN trong hiện thực hóa các kế hoạch đã cam kết hướng tới AC, mà còn khẳng định ASEAN thực sự là một tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện quyền lợi hợp pháp cho 10 nước thành viên trong quan hệ đối tác với các nước ngoài khu vực. Tương lai và sức mạnh của ASEAN nằm ở chính sức mạnh đoàn kết - ý nghĩa thực tiễn của bản Hiến chương ASEAN.
Hiện, việc triển khai Hiến chương ASEAN đã có những tiến triển quan trọng cả về cơ sở pháp lý và về vận hành tổ chức bộ máy mới. Cụ thể là việc ký Hiệp định Ưu đãi và Miễn trừ ASEAN, cơ bản hoàn tất dự thảo Nghị định thư về giải quyết tranh chấp và một số văn kiện pháp lý khác. Các cơ quan chính của ASEAN đã đi vào hoạt động, nhất là các hội đồng cộng đồng và Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN; Cơ quan liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN cũng đã chính thức ra mắt và sớm đi vào hoạt động.
Ngoài ra, ASEAN từng bước tạo được quan hệ khá sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng; đạt được nhiều thỏa thuận với hầu hết các bên đối thoại trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện. Trước mắt, ASEAN thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn tất các FTA với mục tiêu rõ ràng: giảm chi phí cho cả hai bên ký hiệp định thông qua giảm hoặc loại bỏ thuế quan, nhượng bộ buôn bán ưu đãi đối với các nước không có các hiệp định buôn bán tương tự giữa các đối tác FTA. Thời hạn các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại sẽ kết thúc chậm nhất vào năm 2013. Theo đó, ASEAN hoàn tất FTA với Hàn Quốc vào năm 2008, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân vào năm 2009, Trung Quốc vào năm 2010, Ấn Độ - năm 2011, Nhật Bản - năm 2012. Đối với các nhượng bộ lớn hơn, ASEAN thương lượng với cương vị là tập hợp các nền kinh tế nhỏ chứ không phải chỉ với một nền kinh tế nhỏ đơn lẻ. ASEAN đồng thuận và tất cả đều hướng đến mục tiêu là một sức mạnh kinh tế duy nhất.
ASEAN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS (Cấp cao Đông Á), ARF...; tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài, mang lại lợi ích thiết thực phục vụ mục tiêu ổn định chính trị và phát triển kinh tế của khối.
ASEAN - hạt nhân của châu Á
Đánh giá về vị thế và vai trò của ASEAN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn nhìn nhận ASEAN như “hạt nhân” trong khu vực, là cầu nối nhằm tăng cường ảnh hưởng của những nước này đối với khu vực đầy tiềm năng là châu Á. Các nước đối tác đều khẳng định coi trọng quan hệ và hợp tác toàn diện với ASEAN, tăng cường hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực.
Đại sứ đầu tiên của Nga tại ASEAN, ông I-va-nốp phát biểu: "Đối với Nga, ASEAN được coi là một đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại. ASEAN là hạt nhân của các quá trình toàn cầu hóa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; và Nga muốn hội nhập quá trình đó trên nguyên tắc tương đồng quan điểm ở các vấn đề quốc tế then chốt".
Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) M.Brao cho rằng, ASEAN và UNDP là hai người bạn cũ, quan hệ giữa hai bên đã được hơn 30 năm. Giờ đây, UNDP muốn tạo lập quan hệ tốt hơn với ASEAN trên nền tảng đó để giải quyết hàng loạt thách thức toàn cầu.
Đánh giá về thỏa thuận thương mại với ASEAN, Bộ trưởng Thương mại Ô-xtrây-li-a X.Crin cho hay, thỏa thuận là “cột mốc quan trọng” trong thỏa thuận kinh tế giữa Ô-xtrây-li-a với ASEAN. Bộ trưởng Thương mại Niu Di-lân T.Grô-xơ đề cao tầm quan trọng cả về kinh tế và chính trị của thỏa thuận. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi coi Đông Nam Á là nơi của những cơ hội kinh tế khổng lồ”.
Đại diện ngoại giao của EU, ông G.Xô-la-na nhận định: "Với chúng tôi, ASEAN là một đối tác quan trọng, một tổ chức chèo lái quan trọng giúp thúc đẩy việc hội nhập khu vực ở châu Á. EU và các đối tác châu Á có cùng quyết tâm giải quyết những mối đe dọa trên toàn cầu và trong khu vực, cùng quan tâm tới phát triển hệ thống hội nhập khu vực và quản trị toàn cầu”. Ông cũng đánh giá cao "việc thông qua mang tính lịch sử" của Hiến chương ASEAN, mà theo ông, đây sẽ là cơ sở xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự hội nhập tiếp theo của khu vực.
Đáng chú ý là sự trở lại Đông Nam Á của Mỹ khi mới đây, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã đưa ra lời nhận xét tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần đầu tiên (tháng 11-2009) rằng: ASEAN là ''đối tác thiết yếu'' trong việc phát huy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; giữ một vị trí ''trung tâm'' trong tiến trình xây dựng các cơ chế liên kết toàn vùng.
Đi cùng với những nhận định khả quan của lãnh đạo các nước là hoạt động hợp tác thiết thực của ASEAN với các nước đối tác, đối thoại.
Với Trung Quốc, hợp tác kinh tế giữa hai bên không ngừng phát triển. Cụ thể là 9 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đạt 150 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc đã xây dựng Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc - ASEAN có quy mô 10 tỉ USD, dành các khoản cho vay đối với khu vực thông qua Quỹ Tín dụng thương mại ASEAN - Trung Quốc trị giá 15 tỉ USD.
Với lợi thế 1,9 tỉ dân (chiếm 1/3 dân số thế giới), tổng quy mô kinh tế khoảng 6.000 tỉ USD (1/9 toàn cầu), khu vực mậu dịch Trung Quốc - ASEAN được đánh giá là thị trường lớn nhất, là hành lang kinh tế quan trọng của thế giới. Bắt đầu từ tháng 1-2010, Trung Quốc và ASEAN sẽ có khu vực mậu dịch tự do, từ đây 90% các mặt hàng giữa Trung Quốc và ASEAN có thuế suất bằng 0, mở cửa thực chất về thị trường. Điều này thể hiện thiện chí của Trung Quốc và ASEAN trong việc tự do hóa, đẩy mạnh việc thực hiện những biện pháp tích cực giúp nền kinh tế toàn cầu sớm ổn định và phát triển.
Tuy không phải là nước láng giềng gần gũi ASEAN như Trung Quốc, song Nhật Bản cũng đã sớm thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN từ năm 1973. Hằng năm, Nhật Bản đầu tư vào ASEAN khoảng 3 tỉ USD. Ngoài ra, Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho ASEAN thông qua các quỹ như: Quỹ Văn hóa ASEAN; Chương trình trao đổi Nhật Bản - ASEAN; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực...
Trong nỗ lực sớm thực hiện FTA vào năm 2012, tháng 8-2009, Nhật Bản và ASEAN đã đạt được thỏa thuận về thương mại tự do, theo đó, Nhật Bản bãi bỏ thuế quan đánh vào 90% lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN. Đây là quyết định của Nhật Bản nhằm bắt kịp Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc chạy đua ký kết các FTA ngày càng quyết liệt trong khu vực.
Hàn Quốc trở thành bên đối thoại chính thức của ASEAN năm 1991. Năm 2005, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện. FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực vào tháng 7-2007, hình thành Khu vực mậu dịch tự do song phương vào năm 2009. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Bắc tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc chia sẻ với các nước ASEAN kinh nghiệm phát triển kinh tế, cấp 5 triệu USD trong các năm 2008 - 2012 hỗ trợ thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI).
Ấn Độ có quan hệ đối thoại từng lĩnh vực với ASEAN từ năm 1980 và trở thành bên đối thoại đầy đủ của ASEAN năm 1995. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ cũng luôn được xúc tiến, tạo nền tảng quan trọng cho gia tăng thương mại hai chiều, mà trước mắt là đạt mục tiêu 70 tỉ USD trong hai năm 2010 -2011. Hai bên cũng đã đưa ra đề xuất khởi động lại Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ và các hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh khẳng định tiếp tục hợp tác và hỗ trợ ASEAN về khoa học - công nghệ, y tế, phát triển nguồn nhân lực thông qua lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ và Quỹ Xanh ASEAN - Ấn Độ...
Ô-xtrây-li-a là nước công nghiệp đầu tiên lập quan hệ đối thoại chính thức với ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại (PMC) tổ chức tháng 8-2009 tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), hai bên đã ký Tuyên bố chung về đối tác toàn diện và Kế hoạch hành động đến năm 2012, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ đối thoại và mở rộng hợp tác giữa hai bên.
Liên bang Nga, với quan hệ đối thoại từ năm 1991, tái khởi động chương trình hành động phát triển hợp tác cùng ASEAN cho đến năm 2015. Nga coi ASEAN như một đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Mỹ và ASEAN có quan hệ đối thoại từ năm 1977. Về hợp tác phát triển, Mỹ dành viện trợ giúp ASEAN thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, môi trường. Tháng 7-2009, Mỹ đã ký với ASEAN Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC). Việc Mỹ ký kết TAC mang lại cho khối những dòng đầu tư khổng lồ trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế. Hiện tại, Mỹ đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) với ASEAN, tiền thân của hiệp định tự do thương mại đầy đủ.
Với quan hệ đối thoại chính thức năm 1977, Liên minh châu Âu (EU) viện trợ hằng năm cho ASEAN 10 triệu ơ-rô chủ yếu dành cho Chương trình liên kết các cơ quan tổ chức trong ASEAN, hội nhập khu vực và tăng cường năng lực... Ngoài ra, hai bên đã nhất trí tái khởi động đàm phán về FTA bao gồm 37 nền kinh tế với hơn một tỉ người tiêu dùng. Với EU, ASEAN là một tổ chức chèo lái quan trọng giúp thúc đẩy việc hội nhập với châu Á. ASEAN đã trở thành một nhân tố khu vực quan trọng.
UNDP là bên đối thoại đa phương duy nhất của ASEAN triển khai chương trình giúp ASEAN từ năm 1972 thông qua Chương trình liên quốc gia (ICP) cho châu Á - Thái Bình Dương. UNDP giúp Hiệp hội thực hiện các dự án về môi trường, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển xã hội, văn hóa, thông tin, kiểm soát ma túy; ưu tiên cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực.
ASEAN 2010 - Dấu ấn Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói: Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của ASEAN và là thành viên có trách nhiệm của gia đình ASEAN(1). Là thành viên ASEAN từ năm 1995, 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành hạt nhân đoàn kết, một nhân tố quan trọng cho hòa bình, ổn định và là đối tác tin cậy ở khu vực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiến chương và là nước thứ hai cử đại sứ, đại diện thường trực tại ASEAN chính thức trình Thư ủy nhiệm. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ASEAN chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu và là một trong những trọng tâm đối ngoại hết sức được coi trọng.
Bước vào năm 2010, Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên với việc khẳng định mong muốn và quyết tâm tham gia đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vì một ASEAN lớn mạnh.
Đánh giá về sự kiện này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho biết: Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 vừa là một vinh dự to lớn vừa là trách nhiệm nặng nề đối với Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì các hội nghị không chỉ giới hạn trong phạm vi các nước ASEAN mà còn là diễn đàn đối thoại trên nhiều lĩnh vực giữa ASEAN với nhiều nước lớn và tổ chức khu vực và quốc tế. Sự kiện này còn có ý nghĩa hơn bởi năm 2010 đánh dấu 5 năm hướng tới thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2010 - 2015) và là giai đoạn chuyển tiếp đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động mới. Năm 2010 còn trùng vào dịp Việt Nam sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng khác.
Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động” mà Việt Nam đã đề ra cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 nhằm thể hiện mục tiêu xuyên suốt của ASEAN đó là, bằng các hành động cụ thể, đẩy mạnh việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng AC; đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống. Đây chính là “bệ phóng” để ASEAN trở lại quỹ đạo phát triển năng động.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ phát huy tinh thần "chủ động, tích cực, có trách nhiệm" trong hợp tác ASEAN, đề xuất sáng kiến và biện pháp phù hợp để tăng cường đoàn kết và hợp tác trong khối, thúc đẩy giải quyết những vấn đề lớn và phức tạp đặt ra cho Hiệp hội, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận của ASEAN, đưa năm 2010 thực sự trở thành Năm hành động ASEAN.
Cùng với việc nước ta đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, sự kiện đặc biệt quan trọng này càng thể hiện rõ vị thế, vai trò của một nước Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ, thành công và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ủng hộ Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, lãnh đạo các nước trong khu vực đã bày tỏ kỳ vọng vào sự thành công của nhiệm kỳ cũng như những đóng góp thiết thực của Việt Nam vì sự phát triển mạnh mẽ của Hiệp hội.
Ông Đ.Ô-rat-man-gun, Vụ trưởng Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a tin tưởng Việt Nam sẽ đưa ASEAN phát triển lên một tầm cao mới với việc đưa ra nhiều sáng kiến và chủ đề hay cho Năm ASEAN 2010.
Phó Tổng Thư ký Thủ tướng Thái Lan, ông I.Sun-tho-văn hy vọng Việt Nam sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng AC vào năm 2015. ASEAN hiện đang đi đúng hướng, Việt Nam ngoài việc chèo lái nhanh hơn con thuyền ASEAN, nên tập trung vào đẩy mạnh hợp tác kinh tế và mở rộng kết nối giữa các nước để ASEAN có thể trở thành một cộng đồng vững mạnh.
Với nhận định Việt Nam là nước phát triển nhanh và năng động, ông A.Rốt-xđi-ô-nô, thành viên Hội đồng Tư vấn thương mại ASEAN cho rằng mọi việc sẽ có thể diễn tiến nhanh hơn, nhất là AEC sẽ phát triển vững chãi hơn. Từng nước phát triển mạnh sẽ khiến cho cả cộng đồng phát triển nhanh.
T.Bua-kam-xri, Giám đốc dự án, Tổ chức Môi trường Greenpeace Đông Nam Á bày tỏ: Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm khí thải nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển.
Để biến những mục tiêu thành hiện thực, Hiệp hội còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc kiên trì những nguyên tắc cơ bản, Hiệp hội đang đứng trước nhiệm vụ phải tự đổi mới về nhiều mặt. Mặc dù đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song thực trạng kinh tế mỗi nước thành viên lại khác nhau, do vậy để gắn kết các nền kinh tế này thành một thực thể vững mạnh, có thể chống chọi được với những cơn lốc khủng hoảng của thế giới, đó là vai trò quyết định của người cầm lái, mà Việt Nam sẽ phải gánh vác trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, với quyết tâm cao cùng công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ đảm đương thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2010 vì một ASEAN đầy sức sống trong một châu Á năng động.
(1) Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2008).
(Nguồn: Tạp chí Cộng Sản)