Đùn đẩy và né tránh là căn bệnh thường gặp ở những cán bộ có bổn phận thực thi, giải quyết những vấn đề, những công việc thuộc phạm vi mình phụ trách nhưng lại tảng lờ, trốn tránh trách nhiệm, hoặc tìm cách đẩy sang cho người khác, thậm chí đẩy sang... không cho ai cả, miễn là nó thoát ra khỏi bản thân mình, mặc cho công việc đình đốn, bê trễ, lợi ích của cộng đồng, của tập thể bị thiệt hại.
Bệnh này có thể gặp mọi lúc, mọi nơi, nhưng nổi cộm nhất, đáng ngại nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Đó là lúc rà soát nhân sự, chốt danh sách, đặc biệt là trước khi đại hội bỏ phiếu bầu cấp ủy mới. Những người này nghĩ rằng nếu họ tránh được "các sự cố", tránh được các va chạm trong quan hệ thì tránh được việc mất phiếu và đương nhiên cơ may trúng cấp ủy sẽ cao hơn. Nghĩa là càng "vô sự" thì càng an toàn và phiếu bầu càng cao. Điều này đã được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích sâu sắc trong khi kết luận Hội nghị lần thứ 18 BCH Đảng bộ Hà Nội sáng 12-1. "Thái độ đó chỉ an toàn cho cá nhân họ chứ đâu có an toàn cho tập thể, cho công việc chung".
Thế mà trên thực tế, có không ít cán bộ đã "thành công", đã thăng tiến bằng "chiêu" này. Đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, suy cho cùng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Nó được bao bọc bằng một thứ nghệ thuật ứng xử khá tinh vi. Đó là kiểu "ngủ đông trách nhiệm"! Trong lúc đó, có những cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám làm, dám xông vào việc mới, việc khó, dám đấu tranh chống lại các thói hư, tật xấu, các vụ việc tiêu cực... thì có khi phiếu bầu lại không cao, thậm chí có người không trúng cử. Đó là một thực tế đáng buồn, rất đáng suy nghĩ trong công tác tổ chức cán bộ. Ai cũng hiểu, chỉ có người không làm gì mới tránh được khuyết điểm, sai sót. Còn để đương đầu với những việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ thì rất cần những người dám chịu trách nhiệm, những người có phẩm chất dấn thân. Và họ khó mà tránh được hết va vấp, khuyết điểm, thậm chí rủi ro.
Hiện nay đã có 11 đảng bộ quận, huyện và cấp trên cơ sở ở Hà Nội được chọn để đại hội bầu trực tiếp bí thư. Đây là bước thử nghiệm cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiến tới có thể mở rộng hơn. Cũng có không ít ý kiến băn khoăn là có thể có những cán bộ tốt, rất cần cho công việc nhưng bầu trực tiếp như vậy có thể phiếu bầu không cao. Ở đây, cần có sự phân tích, nhìn nhận thấu đáo, thỏa đáng về lá phiếu bỏ cho từng vị trí khác nhau. Không hẳn là người trúng cử bí thư với số phiếu thấp hơn số phiếu người trúng cử ủy viên BCH lại là cán bộ kém uy tín hơn, phẩm chất và năng lực thấp hơn, bởi vì từng vị trí có vai trò và đòi hỏi khác nhau. Đó là chưa nói đến trường hợp có thể có những người trúng phiếu cao chỉ vì họ biết sử dụng chiêu "ngủ đông trách nhiệm".
Chúng ta đã bước vào năm 2010 - một năm trọng đại với nhiều ngày kỷ niệm lớn và đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc lớn bộn bề đòi hỏi cả guồng máy của Thủ đô và đất nước phải chuyển động với một tinh thần mới, sinh lực mới, tốc lực mới. Đây lại là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Không ít người coi đây là "thời điểm nhạy cảm". Nếu chúng ta không khắc phục được bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trước mỗi kỳ đại hội thì không những công việc sẽ bị bê trễ khi thực tiễn công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước ở thời điểm lịch sử đang đòi hỏi gắt gao, mà hơn nữa chúng ta cũng không có được những cấp ủy mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách trước tình hình mới.
Chính vì vậy, khi chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp, cần phát hiện và đưa ra khỏi danh sách bầu cấp ủy mới những người mắc bệnh "ngủ đông trách nhiệm", những người cơ hội, né tránh chờ thời. Đồng thời, cần phát hiện, lựa chọn bầu vào cấp ủy mới những người có phẩm chất tiên phong, phẩm chất chiến đấu của người cộng sản, những người dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với việc mới, việc khó. Chính họ là những người sẽ góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng trước sứ mệnh vẻ vang và nặng nề mà nhân dân và đất nước giao phó.
(Nguồn: báo Hà Nội mới)