Muốn giám sát cán bộ, đừng bỏ qua dư luận

 Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai kết luận liên quan đến hai cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp, và sau đó báo Tuổi Trẻ có bài viết để đưa vấn đề ra trước công luận, tôi nhớ lại việc thiếu gương mẫu của một số cán bộ đã có lần xảy ra ở Đồng Tháp trước đây (liên quan đến vụ án Mai Văn Huy - PV).

Như vậy, dù ở thời kỳ nào luôn có đòi hỏi thường trực đối với những người nắm giữ chức vụ quyền hạn, đó là sự tu dưỡng, giữ gìn đối với bản thân và gia đình.

Trong bối cảnh khiếu kiện về đất đai xảy ra gay gắt như hiện nay, chuyện xảy ra ở Đồng Tháp đặt ra nhiều vấn đề lớn về công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Cần khẳng định rằng hệ thống văn bản quy định của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nêu trên về cơ bản không thiếu, vấn đề là việc thực thi các quy định đó trên thực tế cũng như việc tổ chức giám sát, kiểm tra như thế nào.

Trong số các cách làm giàu không minh bạch, làm giàu từ đất đai, công quỹ là con đường ngắn nhất. Khi cán bộ không thường xuyên đề cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện thì đất đai, công quỹ là thứ luôn khơi gợi lòng tham, và nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì các quy định có liên quan dễ dàng bị bỏ qua một bên. Lúc bấy giờ nếu các cơ chế giám sát, kiểm tra tại chỗ hoạt động không hiệu quả thì khó mà lường hết được kết cục.

Trong đó, điều đáng lo nhất là việc làm không chính đáng của một số cán bộ, đảng viên sẽ bị dân chê, dân ghét. Nếu để kéo dài những việc làm không chính đáng của cán bộ, đảng viên, nhất là của những người nắm giữ chức vụ chủ chốt, mà không có cơ quan nào thanh tra, kiểm tra, giám sát, không giải quyết thì người dân sẽ thắc mắc, băn khoăn về công tác cán bộ của Đảng.

Bài học rút ra ở đây là phải phát huy dân chủ, lắng nghe dân, không bỏ qua dư luận. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát của địa phương cần chủ động vào cuộc, không nể nang, không né tránh.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất bãi bồi, quỹ đầu tư phát triển đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp, cũng như công khai một số kết luận có liên quan, không những đã thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan chức năng mà còn tiếp thêm sức mạnh cho các cơ quan truyền thông, làm tan đi những tin đồn thất thiệt, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh báo và phòng ngừa tốt đối với cán bộ, đảng viên.

Về lâu dài, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định về quản lý cán bộ, đảng viên, đồng thời nên có dự báo những vấn đề nhạy cảm (nhất là đất đai, công quỹ, lương, thưởng…) ở từng cơ quan, từng địa phương để có cơ chế quản lý cụ thể, tránh việc nêu khẩu hiệu chống tiêu cực chung chung không gắn với cuộc sống thực tế của cán bộ.

Còn trước mắt, phải xử lý nghiêm minh bất cứ người nào có dính dáng đến sai phạm mà cơ quan chức năng đã kết luận. Ngoài ra, đã đến lúc cần tính đến việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài sản cũng như tài khoản của người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

VŨ QUỐC HÙNG
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng
(Nguồn Báo Tuổi Trẻ)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất