Chuyên gia tư vấn tài chính của
Chính phủ, ông Bùi Kiến Thành là người Việt đầu tiên được đào tạo ở Hoa Kỳ
trong lĩnh vực tài chính. Ông từng là Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm
quốc tế Mỹ AIU những năm 1959-1965, cố vấn của Tập đoàn Tài chính Mỹ AIG, một
trong mười tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Nhận lời mời của Chính phủ
Việt Nam, năm 1991 ông đã trở về để tư vấn cho Nhà nước và tiếp tục đem tài trí
của mình phụng sự Tổ quốc, đúng như lời phát biểu của ông trong lễ trao tặng
danh hiệu “Vinh danh nước Việt” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) “Đạo trung,
hiếu, tiết, nghĩa xưa nay đã xây dựng nên hưng thịnh của nước nhà, bảo vệ, vun
đắp cho non sông thêm tươi đẹp... Ôn cố tri tân, hôm nay chúng ta gặp nhau đây,
bước theo vết chân của tiền nhân, ai có trách nhiệm thế nào với tổ tiên dân
tộc? Đem chút tài hèn ra phụng sự cho quốc gia dân tộc, đó là bổn phận muôn đời
của kẻ sĩ...”. Ông là người đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN, là người có công trong việc bình thường hóa quan
hệ Việt-Mỹ, là người góp phần đánh thức “giấc mơ” Vân Phong-tương lai kinh tế
của Việt Nam... Nhân dịp Xuân Canh Dần, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng đã có
dịp trò chuyện cùng ông.
Là một chuyên gia tư vấn tài chính, ông đánh giá như thế nào về sự phát
triển của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới?
Ông Bùi Kiến Thành: Chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung
sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã có sự đổi mới đáng kể. Trước đây ngăn
sông cấm chợ, người dân phải dậy từ 3, 4 giờ sáng để xếp hàng mua lương thực,
thực phẩm. Ngày nay thì khác, đời sống nhân dân phát triển tốt, cầm di động gọi
cả thế giới. Thành tựu đổi mới chuyển đổi cả kinh tế chính trị. Từ tư duy
chuyên chính vô sản, quyền lực tập trung sang xây dựng nhà nước pháp quyền, lấy
pháp luật là căn bản, có lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nghị quyết Đại hội Đảng
nói rõ vấn đề quan trọng Đảng lãnh đạo nhưng luôn tuân theo luật của Nhà nước.
ý niệm rất quyết liệt, rất mới. Sắp tới cần suy nghĩ tiếp tục xây dựng nhà nước
pháp quyền, từ đó xây dựng quốc gia tiên tiến, của dân, do dân, vì dân. Đó
chính là những thành quả mà tôi thấy thật sự ấn tượng
Thành quả chúng ta đạt được hôm nay có công lao đóng góp của kiều bào.
Ông nhìn nhận như thế nào về đóng góp của Việt kiều đối với đất nước?
Ông Bùi Kiến Thành: Trước đây, bà con ở nước ngoài đóng góp tài
chính, phương tiện, thuốc men cho gia đình. Đó là cách tạo vốn cho người thân ở
quê hương. Có được chút vốn, họ xây dựng cơ sở kinh doanh, những xí nghiệp nhỏ
và vừa đầu tiên ra đời. Đây chính là sự chớm nở của nền kinh tế nhiều thành
phần. Cộng lại số kiều hối gửi về khi đó là không nhỏ, nhiều gấp mấy lần sự đầu
tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.
Hiện nay chúng ta có khoảng 4
triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trừ
Trung Quốc ra, có lẽ chưa nước nào trên thế giới lại có lực lượng ở nước ngoài
đông đảo và rộng khắp như vậy. Việt kiều đã đạt được những thành tựu đáng kể,
có vị trí quan trọng trong xã hội, từ kinh doanh, tri thức, giáo dục đến chính
trị ở nước sở tại, tiêu biểu như ở Mỹ, Đức… Đúng như ông Lê Truyền, nguyên Phó
chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lễ
Vinh danh đất Việt Xuân ất Dậu đã nói: Nếu ở trong nước, chúng ta có những tấm gương
sáng với những thành tích, chiến công lao động, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc thì cộng đồng ta ở nước ngoài cũng có những con người thành danh trong
sự nghiệp, mang lại vẻ vang cho cộng đồng người Việt ở nước sở tại và họ cũng
chính là những người con đang miệt mài góp tay xây dựng quê hương bằng tài năng
và sự nghiệp của mình. Họ chính là những hạt giống đất Việt nở hoa trên đất
người. Họ là những con người thực thi một nhiệm vụ cao cả, đó là: Vinh danh
nước Việt trên khắp năm châu bốn biển.
Việt kiều có khả năng đóng góp
trong sự nghiệp xây dựng và bảo tồn nền độc lập và phát triển kinh tế đất nước
trong thời đại mới. Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang gây nên cảnh
anh em một nhà chia ly cách biệt. Kẻ ra đi, người ở lại. Mỗi người một tâm tư.
Phải có sách lược để mọi người xích lại gần nhau, xóa bỏ cách biệt, mặc cảm, để
đoàn kết quyết tâm một lòng vì một nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Theo ông, Đảng và Nhà nước ta đã thực sự thu hút được họ?
Ông Bùi Kiến Thành: Theo tôi, đã có nhưng chưa đủ. Phải quan tâm
làm tốt hơn, triệt để hơn vấn đề này. Nếu không thế hệ 1, 2 lần lượt “quy
tiên”, thế hệ 3 sẽ bị pha loãng, hòa nhập và hòa tan vào quốc gia bản địa thì
tinh thần hướng về quê hương đất nước sẽ giảm đi. Bài học người Do thái, người
Trung Quốc luôn hướng về đất nước rất đáng để chúng ta học tập.
Hiện nay chúng ta chưa đạt được
mục đích đại đoàn kết như chúng ta mong muốn. Phải làm sao san bằng những gì
cách biệt để có thể ngồi lại với nhau trên tinh thần anh em một nhà để xây dựng
đất nước cho tốt bởi chúng ta gọi nhau là đồng bào, sinh ra từ một mẹ. Nếu
không làm được là mang tội với tổ tiên. Mở cửa hội nhập quốc tế đem lại thời cơ
và những thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, không san bằng được trở ngại
ấy thì sẽ không cạnh tranh được. Chúng ta phải vươn lên để không những tồn tại
mà phải ngang bằng với các cường quốc. Việt Nam có thiên thời, địa lợi. Nước ta
có vị thế đẹp, là trung tâm Đông Nam á, Bắc á, Nam á; trung tâm giao thông, đặc
biệt là giao thông hàng hải. Lịch sử vẻ vang; con người thông minh; lực lượng
trong nước, ngoài nước đông đảo xưa nay chưa hề có. Đây đúng là cơ hội thực sự
để Việt Nam sánh vai cùng thế giới. Bốn nghìn năm một thuở, tổ tiên chúng ta đã
tạo ra cơ hội để chúng ta xây dựng đất nước. Chúng ta phải có bổn phận san bằng
mọi trở ngại, tạo được sự đồng thuận. Từ lãnh đạo tối cao đến người bán hàng
rong, người trong nước hay kiều bào ở nước ngoài đều bình đẳng trách nhiệm với
lịch sử, với tổ tông.
Sách lược để đồng thuận, theo ông đó là?
Ông Bùi Kiến Thành: Chuyện kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn
đã mời Chiêu Minh Vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình
trò chuyện, chơi cờ, rồi sai người nấu nước thơm tự mình tắm cho Trần Quang
Khải và nhờ đó, vĩnh viễn xóa nỗi hiềm khích giữa hai người, tạo nên sự thống
nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hùng
mạnh.
Ôn cố tri tân. Đất nước và dân
tộc đã trải qua bao nhiêu cuộc chia ly sầu hận, nhưng sau cơn bão tố trời lại
yên lành, sau đêm tăm tối âm u trời lại sáng. Người xưa có câu: “Quán thiên chi
đạo, chấp thiên chi hành” (Quán triệt nguyên lý của đạo trời, theo đó mà hành
động). Người lãnh đạo nhân đức chỉ cho dân con đường sáng. Người lãnh đạo nhân
coi việc phải hơn điều lợi. Người lãnh đạo trí biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu.
Người lãnh đạo dũng biết tạo điều kiện cho toàn dân đoàn kết một lòng vì đại
cuộc.
Đã nhiều lần tôi kiến nghị: Phải
xem Việt kiều là công dân Việt Nam không phân biệt đối xử. Tất cả người Việt
Nam dù ở đâu cũng là công dân Việt Nam. Chỉ cần có giấy khai sinh Việt Nam là
đồng nghĩa vụ, trách nhiệm với người Việt Nam khác. Bài học đoàn kết của người
Do thái đáng để ta phải nghiên cứu. Tại sao người Do thái có mười mấy triệu dân
mà nắm tất cả quyền chỉ huy kinh tế nước Mỹ. Không nên có chính sách phân biệt.
Đơn cử như Kiều bào về thăm quê phải xin thị thực; trong Việt kiều thì người
được mua nhà, người không được mua nhà,... như thế là phân biệt đối xử rồi.
Phải thật sự tạo ra không khí tất cả người Việt Nam đều hạnh phúc, hướng về quê
hương. Nơi nào có người Việt Nam là nơi đó có tinh thần người Việt Nam ở đó.
Dòng máu con cháu Lạc Hồng đang chảy trong tim anh, anh phải suy nghĩ và phải
làm cho đúng. Nếu không làm được điều đó là có tội với tổ tông. Từ người lãnh
đạo cao nhất đến công dân bình thường, dù trong nước hay ngoài nước, mỗi ngày,
mỗi người phải tự xem lại mình làm gì đúng, làm gì không đúng. Đạo Phật cũng
răn dạy không làm những chuyện gì không nên làm. Tôi rất tâm đắc với câu nói
của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cái khó nhất là chiến đấu để thắng chính
mình. Khó mấy nếu quyết tâm, xác định rõ trách nhiệm thì cũng đều làm được.
Có thể nói người Việt Nam đi đến
đâu cũng rất giỏi, rất có tiềm năng và đa phần đều hướng lòng mình về Tổ quốc,
mong muốn có cơ hội góp phần vào công cuộc dựng xây đất nước. Phải làm sao khẩn
trương san bằng cách biệt, xây dựng tình đoàn kết một lòng giữa người Việt Nam
ở trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đoàn kết, đoàn kết,
đại đoàn kết như Bác Hồ hằng mong.
Được biết ông là người đề nghị
Chính phủ đổi tên Uỷ ban Việt kiều Trung ương thành Uỷ ban về người Việt Nam ở
nước được cụ thể hoá bằng những quyết
định thiết thực của Quốc hội và Chính phủ. Bản thân tên gọi cũng cần thể hiện
chính sách coi người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng là người Việt Nam.
Tôi còn nhớ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trước hơn 600 Việt Kiều tại dinh
Thống Nhất đã nói: “Người Việt Nam ở nước ngoài dù đi đâu, ở đâu, dù đi ra nước
ngoài vì bất cứ lý do gì, họ cũng là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt
Nam. Đã là máu, là thịt thì chẳng có gì có thể tách họ khỏi quê cha đất tổ”.
Không chỉ riêng tôi, cùng với đề xuất của nhiều Việt kiều khác, ủy ban Việt
kiều Trung ương đã được đổi tên thành Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài là
như vậy.
Đánh giá của ông về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước?
Ông Bùi Kiến Thành: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
trong thời kỳ chiến tranh cũng như những thành tựu của hơn hai mươi năm đổi mới
không ai có thể phủ nhận. Đa số đảng viên gương mẫu, đi đầu, tạo được lòng tin
và sự quý mến trong nhân dân. Đặc biệt là trong kháng chiến người dân sẵn sàng
hy sinh xương máu để bảo vệ đảng viên. Nhưng dường như hiện nay dân ít nhiều đã
mất đi niềm tin đó. Bởi có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã không làm
đúng trách nhiệm trước nhân dân, không thực hiện đúng 8 chữ cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư. Đã là cán bộ, đảng viên thì phải xả thân cùng đất nước.
Bác Hồ đó, đi dép cao su, xắn quần, chống gậy, quấn khăn quàng đi khắp nơi chứ
không phải là đi xe to, nói ngoại giao xa cách với nhân dân. Hiện nay đang có
cuộc vận động rất tốt là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Vấn đề quan trọng là phải xem học và làm theo Bác được đến đâu. Hữu xạ tự nhiên
hương, nhân dân đánh giá rất đúng đảng viên, cán bộ tốt. Nhân đây nói về một
chính sách chưa được lòng dân: Đó là mỗi thị trấn mới ra đời, thu hồi đất của
dân, đưa dân đến nơi tái định cư mới. Sau khi xây dựng trung tâm hành chính
rồi, phần đất còn lại đem phân cho cán bộ, đảng viên. Như vậy làm sao lòng dân
yên. Trách nhiệm của Đảng là rất lớn. Tôi ví một cách nôm na: Đảng ta là thùng
táo. Chúng ta đã có kinh nghiệm làm cho thùng táo trở nên thơm ngon trong kháng
chiến, hiện nay trong thời bình đã có những trái táo hỏng nếu không được xử lý
kịp thời sẽ lan sang các quả khác thì thật sự nguy hiểm. Nếu nội bộ ta mạnh,
thực tâm đoàn kết nhất trí, cán bộ, đảng viên liêm khiết, gương mẫu thì sự
nghiệp lãnh đạo của Đảng xây dựng và phát triển đất nước của dân, do dân, vì
dân chắc chắn sẽ thành công, sẽ chiến thắng được mọi luận điệu xuyên tạc, chống
phá của kẻ thù.
Gần nửa đời ở nước ngoài, ấn tượng nhất về mùa xuân, về tết ở Việt Nam
đối với ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Tôi nhớ nhất những cái tết thời thơ ấu trên quê
hương Quảng Nam, được quây quần làm bánh, được nhận quần áo mới, người lớn mổ
lợn cho trẻ con cái bong bóng để thổi lên chơi. Ông nội cho tiền, đồng bạc bằng
đồng xu, móc xâu tiền được nội cho vào cổ chạy đi chơi khắp các nhà. Bà con
hàng xóm tới chúc nhau năm mới, tình làng nghĩa xóm trong ngày tết in dấu trong
tuổi thơ tôi. Tết đến, ngày xuân ai cũng nghĩ đến sự vui tươi hạnh phúc, nhìn
cuộc đời với ánh sáng khác. Cảm giác Xuân về mọi vật như được cởi lốt vậy. Có
câu rất hay:
Mới ngày nào thu ủ đông rầu
Sương sa như bạc, lá rụng như
vàng
Chiều tĩnh mịch vừa trêu vừa gợi
Mà nay đã trời tươi đất tỉnh
Núi vẽ ra mày hoa cười ra miệng
Cảnh xuân thiều càng ngắm càng
xinh.
Tôi nhớ, sinh thời ông nội tôi
thường nói: Tạn nhân lực tri thiên mệnh. Phải làm hết lực của mình rồi sẽ biết
mệnh trời thế nào. Đừng ngồi đó mà trách trời hay trách kỷ. Giống như có nhà
thơ viết: Đừng nên hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn mà nên hỏi bạn đã làm gì cho
Tổ quốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc
ông cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng.
Minh Phong (thực hiện)