Danh nhân Việt Nam tuổi Dần

Tuổi Giáp Dần

* Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)

Tên thật là Nguyễn Vịnh, quê thôn Niêm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế). Năm 1937, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ các chức vụ Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy (Thừa Thiên), Bí thư Khu ủy (khu IV). Năm 1945, được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, Tuyên Quang và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị, ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, được phong hàm Đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Mất ngày 6-7-1967 tại Hà Nội.

* Lương Văn Can (1854-1927)

Nhà cách mạng Việt Nam, quê ở làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1871, khi 17 tuổi, Lương Văn Can đỗ thi Hương, vào tới tam trường. Năm 1875, đỗ Cử nhân, nhưng do bố mất, ông không thi Hội nữa. Năm 25 tuổi (1879) ông mở trường dạy học tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Năm 1907, ông cùng bạn bè lập trường Đông Kinh nghĩa thục, khởi xướng cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp trong nhân dân. Tháng 12-1907, Đông Kinh nghĩa thục bị giải tán, ông bị bắt giam, người Pháp không có chứng cứ kết tội nên phải thả. Năm 1913, ông bị kết án biệt xứ và đày đi Campuchia. Năm  1924, ông được tha về và mất tại Hà Nội năm 1927.

Tuổi Bính Dần

* Ngô Thì Nhậm (1746-1803)

Ngô Thì Nhậm, sinh ngày 25-10-1746 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông đỗ giải Nguyên năm 1768, Tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau đó, được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê-Trịnh. Năm 1778, làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, bổ ông vào chức Tả thị lang bộ Lại, sau thăng làm Thượng thư bộ Lại-chức cao nhất trong Lục bộ. Sau khi Quang Trung mất, ông quay về nghiên cứu Phật học. Khi Gia Long tiêu diệt Tây Sơn, ông bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803, sau trận đòn, về nhà thì mất.

Tuổi Mậu Dần

* Trần Thái Tông (1218-1277)

Tên thật là Trần Cảnh, quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, là vị vua mở nghiệp nhà Trần, một triều đại cực thịnh trong lịch sử dân tộc. Do sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh và sau đó nhường ngôi cho ông (năm 1226). Ông là vị vua có công đưa đất nước thời kỳ lộn xộn cuối đời Lý đến bình an và thịnh vượng, đặt nền móng xây dựng chế độ thi cử, mở mang việc học để tuyển chọn hiền tài. Ông cũng trực tiếp chỉ huy chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225-1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm.

Tuổi Nhâm Dần

* Phan Đăng Lưu (1902-1941)

Quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng) từng giữ chức Uỷ viên Tổng bộ. Năm 1928, Phan Đăng Lưu tham gia xuất bản “Quan hải tùng thư” tại Huế; giữ chức Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ Đảng Tân Việt. Ngày 15-12-1928, sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938) và Uỷ viên Thường vụ Trung ương (1940), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam kỳ. Bị thực dân Pháp bắt ngày 22-11-1940 tại Sài Gòn, kết án và tử hình ở Hóc Môn ngày 28-8-1941.

* Lê Văn Hưu (1230-1322)

Lê Văn Hưu là nhà sử học đời nhà Trần, quê làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1247, ông đỗ bảng Nhãn, được cử giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải. Lê Văn Hưu biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà) tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. Ông mất ngày 23-3 năm Nhâm Tuất, hưởng thọ 92 tuổi.

* Hà Huy Tập (1902-1941)

Quê ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, tốt nghiệp Quốc học Huế, rồi dạy học ở Vinh, sau vào Sài Gòn, tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt). Cuối 1928, cùng Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất Tân Việt với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chuyển sang hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tháng 3-1935, trực tiếp chủ trì Đại hội Đảng lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc) từ 27 đến 31-3-1935. Tháng 7-1936, được cử giữ chức Tổng Bí thư. Sau đó, Hà Huy Tập về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày 1-5-1938, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù, trục xuất về nguyên quán. Ngày 30-3-1940, lại bị bắt vì buộc tội là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và kết án tử hình (ngày 28-8-1941). Sau 68 năm kể từ ngày hy sinh tại Hóc Môn (Gia Định) đã tìm được phần mộ và di dời hài cốt đồng chí Hà Huy Tập về an táng tại quê hương.

* Phan Huy Chú (1782-1840)

Phan Huy Chú-nhà bác học lớn, danh nhân văn hóa của Việt Nam, quê ở huyện Thiên Lộc (nay là Lộc Hà, Hà Tĩnh). Vốn thông minh, lại được sự dạy dỗ cẩn thận của gia đình nên Phan Huy Chú học giỏi nổi tiếng cả vùng Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 1821, ông được vua Minh Mệnh bổ giữ chức Hàn lâm biên tu. Trong thời gian này, ông soạn bộ “Lịch triều Hiến chương loại chí”. Ông nhiều lần được cử đi sứ ở Trung Quốc và Ba-ta-vi-a  (nay thuộc In-đô-nê-xi-a). Cuối đời, chán làm quan, ông mượn cớ đau yếu xin về nghỉ và dạy học ở Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Sơn Tây (nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) rồi mất tại đó, hưởng dương 58 tuổi n

Nguyễn Nhân Thống (sưu tầm)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất