Đồng hành cùng dân tộc vào Xuân

Xuân đến, Đông qua là quy luật vốn có của trời đất. Khi mà cánh cửa thời gian năm Kỷ Sửu khép lại, cũng là thời khắc mở đầu Xuân Canh Dần-2010, tăng ni, phật tử lại cùng  đồng bào cả nước đồng hành vào xuân: Thương trưởng đản sinh của Đức Phật Di Lặc; mừng 65 năm Quốc Khánh 2-9 cùng 24 mùa xuân đất nước đổi mới; chào đón đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam với 80 mùa xuân xây dựng và phát triển. Gần 2.000 năm hiện diện trên đất Việt, Phật giáo Việt Nam đã cùng đất nước trải qua những bước thăng trầm của lịch sử và thời đại.

Ngay từ những ngày đầu đạo Phật đã được nhân dân ta trân trọng và đón nhận như một tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc. Tư tưởng giáo lý đạo Phật, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân tộc đã nhanh chóng hòa quyện với nhau, như nước thấm sâu vào lòng đất và tạo nên sự gắn kết không thể phân ly. Đây là đặc điểm nổi bật và đã trở thành truyền thống trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Quốc sư Khuông Việt (vị Quốc sư có công phù trì nước Việt) do vua Đinh Tiên Hoàng ban tên hiệu, như là phần thưởng quý nhất của triều đình để tỏ lòng thành kính và tri ân công đức đến một vị danh tăng đã có công lao to lớn đối với quốc gia Đại Việt ngay từ những ngày đầu giành được độc lập; cũng là nhằm để giáo dục thần dân trăm họ phải luôn noi gương ngài trong việc phù trì đất nước. Quốc sư Vạn Hạnh tham gia cố vấn nơi triều chính từ thời nhà tiền Lê đến việc lập nên triều Lý. Vua Lý Thái Tổ và Quốc sư Vạn Hạnh không chỉ là mối quan hệ vua tôi mà còn là mối quan hệ thầy trò. Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) đã được Quốc sư Vạn Hạnh đỡ đầu nuôi dưỡng trong mái ấm cửa thiền và đến khi hội đủ nhân duyên, Quốc sư đã tham vấn triều đình tôn vinh ngài làm vua, sáng lập ra Triều đại nhà Lý. Thông qua bao chuyến kinh hành cùng Vua đến Thành Đại La, với sự am hiểu thiên văn, địa lý, hiểu rõ quy luật đạo đời, Quốc sư đã tham vấn triều đình tổ chức hội nghị bàn về việc rời đô và bằng nhãn quan chính trị, văn hóa, kinh tế sâu sắc, nhận rõ vị trí chiến lược của Thành Đại La vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu rời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên là Thăng Long (Thủ đô Hà Nội ngày nay), mở ra một triều đại thịnh trị hơn hai thế kỷ. Thấm nhuần tư tưởng giáo lý đạo Phật, các vị vua Triều Lý còn ban chiếu đến khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến thôn quê cho phép tạo dựng chùa tháp, đúc vẽ tượng Phật để khuyến thiện, lánh ác trong đời sống xã hội; tuyển dụng tăng tài, mở trường đào tạo nhân tài cho đất nước.

Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, đức trí song toàn của Triều đại nhà Trần, sau khi cùng thần dân trăm họ đánh thắng giặc ngoại bang, đã nhường ngôi vua cho con trai để lên núi tu hành, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với danh hiệu Đầu Đà Điều Ngự giác Hoàng Tịnh Tuệ Thiền sư và đã được các thế hệ Việt Nam tôn vinh Ngài là một danh nhân văn hóa của dân tộc và đang đề nghị UNESCO công nhận là một danh nhân văn hóa thế giới. Đối với Tăng ni, Phật tử Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn kính như là vị Phật Tổ của đạo Phật Việt Nam. Đến hôm nay đã hơn 700 năm kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, tư tưởng phụng sự đạo pháp, dân tộc và trị quốc của Người vẫn luôn là những bài học kinh nghiệm vô giá đối với dân tộc, đặc biệt là đối với những người học Phật, tu Phật, các học giả và chính khách. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, với nhiều vị vua trị vì đất nước, song có thể nói tư tưởng Phật giáo thời này được coi là tư tưởng đạo đức văn hóa của xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trước sự xâm lấn của văn hóa ngoại bang.

Trong suốt thời kỳ đất nước bị xâm lược bởi thực dân, đế quốc, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước phát triển rộng khắp, nhiều tăng ni, phật tử đã tích cực tham gia. Đặc biệt, đến thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đấu tranh chống đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, nhiều vị tăng ni đã làm lễ hạ cà sa để tòng quân trực tiếp tham gia kháng chiến, nhiều phong trào đấu tranh của tăng ni phật tử nở rộ khắp nơi, dưới mọi hình thức, thậm chí có những vị bị giặc bắt giam và phải chịu sự tra tấn cực hình, song vẫn trung thành với lý tưởng của cách mạng, tin tưởng vào chính nghĩa và sự tất thắng của ngày mai. Đó là những minh chứng sống động của những người con Phật Việt Nam trong việc phụng sự Tổ quốc, phụng sự chúng sinh và vững bước đồng hành cùng dân tộc.

Tư tưởng Phật giáo đã thực sự thấm sâu trong lòng dân tộc, tạo nên sự gắn kết keo sơn không thể phân ly giữa đạo và đời. Những yếu tố tạo nên nền văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, hội họa, kiến trúc, đạo đức lối sống ứng xử của dân tộc, những mái chùa truyền thống, những phong tục tập quán thờ cúng ông bà, tổ tiên, những ấn phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, tư tưởng đạo đức ở hiền gặp lành, uống nước nhớ nguồn được tôn vinh trong đời sống xã hội, đều có nguồn gốc hoặc có sự ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý đạo Phật và tất cả đã kết lại trở thành một nền văn hóa giàu truyền thống mang đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam.

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, ngày nay tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực triển khai nhiều hoạt động phật sự ích đạo lợi đời không chỉ đối với phật sự trong nước mà còn ở nước ngoài. Công tác kiện toàn tổ chức giáo hội từ trung ương đến địa phương đã được thiết lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt ở các khu vực miền núi, biên giới, qua đó nâng cao hiệu quả các hoạt động phật sự của các cấp Giáo hội. Công tác hoằng dương chính pháp, hướng dẫn phật tử được phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phật sự được tổ chức ở nhiều địa phương, đã thu hút hàng vạn Phật tử tham gia, không chỉ ở các trung tâm thành phố, đồng bằng mà còn tổ chức đến các vùng dân tộc thiểu số. Công tác từ thiện xã hội được đẩy mạnh với nhiều chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội ở nhiều nơi có hiệu quả, nhất là vùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt và tai nạn bất thường. Công tác giáo dục đào tạo tăng ni được các cơ sở giáo dục đào tạo của Giáo hội chú trọng ở tất cả các cấp học, tạo nên mạng lưới giáo dục đào tạo ngày một hoàn chỉnh, phù hợp với xu thế chung của xã hội. Nhiều hoạt động nghi lễ mang tính truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã được phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp, được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Công tác bang giao quốc tế hữu nghị truyền thống với Phật giáo các nước và các tổ chức quốc tế, tôn giáo bạn được duy trì thường xuyên thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, trùng tu, tôn tạo, xây mới các cơ sở tự viện trong toàn quốc cũng như một số cơ sở tự viện của cộng đồng người Việt ở nước ngoài và xuất bản ấn phẩm Phật giáo, nghiên cứu trao đổi học thuật được tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng cao của mỗi công trình. Những kết quả Phật sự đó đã nói lên tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của tăng ni, cư sĩ phật tử Việt Nam trong việc phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.

Với đường hướng hoạt động Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội, với lý tưởng giác ngộ chân lý, hoà hợp chúng sinh, hoà bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn vững bước đồng hành cùng dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ích đạo, lợi đời.

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất