Thông thường cứ thứ bẩy, chủ nhật hằng tuần, họ lại gặp nhau chung quanh ấm trà ở nhà một vị nào đó bàn thế sự và với các quan hệ khác nhau họ đều là những người có nhiều thông tin “vỉa hè” hoặc “đáng tin cậy” theo họ nói.
Họ đều đã nghỉ hưu, có người mới nghỉ; khi còn làm việc họ đều giữ các trách nhiệm lãnh đạo, quản lý một ngành, một địa phương. Hôm nay họ bàn chuyện “cuối nhiệm kỳ” vì ai trong số họ đều đã trải qua thời kỳ đó, khi thì đến tuổi nghỉ, khi thì đã hết hai nhiệm kỳ phải chuyển vị trí theo quy định.
Họ bàn chuyện đó vì thông tin trên mạng cũng như trong dư luận đang rầm rộ bàn tán “bệnh tranh thủ cuối đời công tác” chủ yếu là “chia chác”, “vơ vét” tiền bạc, đất đai, dự án và bố trí người thân vào các vị trí bở ăn, thành căn bệnh xấu xa. Và họ bàn rất sôi nổi, nêu dẫn chứng ông A, bà B rất cụ thể nhưng cũng chẳng có ai kiểm chứng.
Một ông bạn thường chăm chỉ họp mặt nhưng ít nói; cuộc gặp mặt nào ông cũng chỉ chăm chú ngồi nghe, nếu có tham gia cũng chỉ ừ hữ dăm ba câu “nhát gừng” nhưng ai cũng biết là ông ấy có quan hệ rộng, nhiều bạn bè, đệ tử thường tới thăm hỏi, cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến. Nhưng hôm nay ông ấy lại có ý kiến. Ông vốn được nhiều bạn tôn trọng vì cuộc sống trong sạch và những ý kiến thường có cân nhắc cho nên gặp dịp “cóc mở miệng” là mọi người chăm chú lắng nghe.
Ông ấy nói: “Dư luận xã hội và các ông bàn cũng đúng, chẳng phải nghe hơi nồi chõ mà có nhiều dẫn chứng và có cả những vụ án hồi tố không để kẻ xấu “hạ cánh an toàn”. Nhưng đã bàn đến “tâm lý cuối nhiệm kỳ” thì cũng cần thấy nhiều mặt. Có người vào cuối nhiệm kỳ vẫn vất vả ngày đêm làm cho xong một hai việc lớn cho cơ quan, đơn vị để khỏi dở dang khi cắp cặp ra về, được anh chị em quý mến, về hưu lâu rồi nhưng ngày lễ, ngày tết nào anh chị em cũng ùn ùn kéo tới thăm. Nhưng cũng có không ít người như dư luận nói về cái “bệnh tranh thủ”, không chỉ tranh thủ chia chác, vơ vét mà còn tranh thủ kiếm cớ đi nước ngoài, dùng phương tiện và công quỹ đi du lịch trong Nam ngoài Bắc, rồi đặc biệt là với các ông còn tuổi công tác, tái cử thì không dám quyết điều gì, việc gì khó khăn, phức tạp, rắc rối thì để nhiệm kỳ sau hoặc “nhường” cho người khác quyết, đặc biệt là không dám “xử” ai dù là người có tội, lấy cớ là cuối đời thì “thi ân” chứ không ai “chuốc oán”, thế là trì trệ và lãng phí!”.
Ông nói khá dài, xem ra ông nói cũng có lý nhưng các bạn vẫn cho ông là người “sống trên mây” cho nên có ông nói lại: “Ông nói tới hai loại người cũng có lý nhưng bây giờ “loại người tranh thủ kiếm chác” xem ra nhiều hơn, không trong sáng như thời ông đâu!”. Nghe thế, ông lại lặng im, không cãi lại, cũng không nói gì thêm.
Hữu Thọ (Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo)